Đà Nẵng cuối tuần

TRƯỚC MÙA TUYỂN SINH

Chọn trường hay chọn nghề?

08:20, 15/05/2022 (GMT+7)

Trước mỗi kỳ tuyển sinh, học sinh nên chọn trường hay chọn nghề phù hợp với sở thích, nguyện vọng cá nhân? Trả lời được câu hỏi này, các em sẽ sớm định hướng được nghề nghiệp, từ đó chuyên tâm học tập, nắm vững kiến thức, kỹ năng để đáp ứng công việc trong tương lai.

Các buổi tư vấn tuyển sinh giúp học sinh sớm định hướng được ngành, nghề, lĩnh vực mình quan tâm để lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Ảnh: TIỂU YẾN
Các buổi tư vấn tuyển sinh giúp học sinh sớm định hướng được ngành, nghề, lĩnh vực mình quan tâm để lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Ảnh: TIỂU YẾN

Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia nhiều lần khuyên thí sinh khi đăng ký nguyện vọng cần đặt ra một số câu hỏi: sở trường, năng khiếu của mình là gì; tương lai nghề nghiệp (khả năng tìm kiếm việc làm); uy tín, chất lượng ngôi trường sẽ chọn; môi trường phát triển nghề nghiệp và sau cùng là vấn đề tài chính, năng lực học tập đáp ứng các yêu cầu đào tạo trong môi trường học tập mới.

Mình sẽ làm gì trong tương lai?

Gần một tháng qua, N.V.H (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú) vẫn chưa chọn được trường nào để đăng ký nguyện vọng. Theo H., năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi và biết kết quả tốt nghiệp THPT (thay vì đăng ký vào tháng 3 như những năm trước). Quy định mới không khống chế số lượng nguyện vọng đăng ký, nhưng yêu cầu thí sinh không thay đổi nguyện vọng sau đó. Mỗi thí sinh có một mã định danh dùng để xác nhận trúng tuyển 1 nguyện vọng; theo đó khi xét kết quả từ trên xuống, thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng bất kỳ sẽ không được xét tuyển ở các nguyện vọng tiếp theo…

N.V.H chia sẻ, quy định mới buộc em phải nghiêm túc khi làm hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, với mong muốn theo học ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, H. phân vân chưa biết nên đăng ký vào trường nào thì phù hợp. “Nghề em thích liên quan đến lĩnh vực sản xuất, truyền tải, sử dụng điện năng, nằm trong ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Hiện Đà Nẵng có một số trường đào tạo ngành này như Trường Đại học (ĐH) Kiến trúc, Trường ĐH Duy Tân… nhưng em chưa quyết định học ở Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh”, H. băn khoăn.

Thay đổi thời điểm đăng ký nguyện vọng khi thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT, theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, nội dung này phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh tìm hiểu kỹ ngành, nghề và sắp xếp thứ tự nguyện vọng hợp lý. PGS.TS. Phan Cao Thọ cho rằng, học sinh cần chọn nghề trước, sau đó tùy thuộc vào năng lực, hoàn cảnh cá nhân mà chọn trường, chọn phương thức xét tuyển phù hợp. Trong quá trình làm hồ sơ, các em phải hiểu rõ năng lực, sở thích và xác định được mình là ai trong tương lai; từ đó chọn ngành, nghề phù hợp.

"Chỉ khi chọn được ngành học yêu thích, các em mới có mục tiêu, động lực học tập, phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ cao trong thời đại 4.0”

PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng      

PGS.TS Phan Cao Thọ khuyến cáo, trước mỗi kỳ tuyển sinh, học sinh cần tích cực tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp hoặc các hội thảo liên quan đến ngành, nghề yêu thích. Không nên chọn những ngành, nghề mình chưa hiểu, chưa biết rõ vì cơ hội chọn lại sẽ khó khăn hơn.

“Chỉ khi chọn được ngành học yêu thích, các em mới có mục tiêu, động lực học tập, phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ cao trong thời đại 4.0”,  PSG.TS Phan Cao Thọ nói.

Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng tuyển sinh 16 ngành, trong đó có 15 ngành thuộc khối ngành Công nghệ kỹ thuật và 1 ngành thuộc khối ngành Sư phạm kỹ thuật (chuyên ngành Công nghệ thông tin).

Trong khối ngành Công nghệ kỹ thuật, nhà trường đào tạo, cấp bằng kỹ sư, cử nhân các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô-tô, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật xây dựng… Đây là những nhóm ngành có nhu cầu việc làm cao, mức lương tốt khi tốt nghiệp. Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, nhà trường quan tâm đầu ra (việc làm) cho người học thông qua việc thúc đẩy hoạt động hợp tác doanh nghiệp. Trong thời gian đào tạo, nhà trường sẽ gửi sinh viên thực tập, đào tạo chuyên môn tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, với phương châm “thực hành thực nghiệp”, nhà trường ưu tiên khối lượng thực hành, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp chiếm khoảng 35-40% thời gian học nhằm giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực, kỹ năng nghề nghiệp.

Chọn trường quan tâm đến đầu ra cho sinh viên

Dự kiến tuyển 1.300 chỉ tiêu năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng tổ chức tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp ở 60 trường THPT khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời sử dụng nền tảng công nghệ số tư vấn trực tuyến. Các buổi tư vấn cung cấp cho thí sinh, phụ huynh phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, dự kiến chỉ tiêu, cơ hội trúng tuyển cũng như cơ hội nghề nghiệp, kinh nghiệm chọn ngành, nghề trong tương lai.

Học sinh quận Cẩm Lệ trải nghiệm mô hình hoạt động của động cơ phun xăng điện tử trên ô-tô tại Ngày hội việc làm, tư vấn tuyển sinh cho người lao động, học sinh quận Cẩm Lệ năm 2022. Ảnh: TIỂU YẾN
Học sinh quận Cẩm Lệ trải nghiệm mô hình hoạt động của động cơ phun xăng điện tử trên ô-tô tại Ngày hội việc làm, tư vấn tuyển sinh cho người lao động, học sinh quận Cẩm Lệ năm 2022. Ảnh: TIỂU YẾN

Bên cạnh việc lựa chọn nghề theo sở thích, nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh cần quan tâm đến môi trường giáo dục ưu tiên đầu ra (việc làm) cho sinh viên. Hiện nay, ở môi trường giáo dục cạnh tranh, các trường ĐH, cao đẳng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng bộ trang thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, áp dụng công nghệ mới, gắn đào tạo với tuyển dụng, cam kết tạo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để thí sinh lựa chọn môi trường học tập phù hợp.

Đơn cử, với đặc thù đào tạo các nhóm nghề hệ cao đẳng, hằng năm, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9, 12 tại các trường phổ thông trên địa bàn. Ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, hiện nay công tác tuyển sinh của trường gắn với tuyển dụng theo đơn đặt hàng doanh nghiệp và tuyển sinh quanh năm, không nhất thiết chờ đến tháng 9 mới khai giảng.

Năm 2022, ngoài tuyển sinh đầu vào như mọi năm, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng tổ chức đào tạo các lớp chất lượng cao đối với 7 nghề trọng điểm: công nghệ ô-tô; điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; hàn; cơ điện tử; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển công nghiệp; hướng dẫn du lịch. Với 7 nghề trọng điểm, nhà trường áp dụng bộ tiêu chí xét tuyển riêng, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp tổ chức phỏng vấn, xét tuyển đầu vào. Học viên lớp chất lượng cao sẽ tham gia học tập trong môi trường cá nhân hóa, với trang thiết bị hiện đại và được kèm cặp bởi đội ngũ kỹ sư giỏi, lành nghề tại các nhà máy sản xuất.

“Các lớp này được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, đầu ra đạt chuẩn quốc tế, Asian nên 100% sinh viên có việc khi ra trường. Đây là hướng đi mới của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng khi gắn tuyển sinh với tuyển dụng, xem doanh nghiệp là nhà trường thứ hai của sinh viên. Chúng tôi đang liên kết với 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước, bảo đảm đầu ra, giúp thí sinh yên tâm khi đăng ký vào trường”, ông Hà thông tin.

PGS.TS Võ Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng:

Hiểu rõ mình muốn gì

Câu hỏi phổ biến của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn cao điểm của tuyển sinh đại học hiện nay là chọn nghề hay chọn trường. Trên cương vị là nhà quản lý giáo dục, tôi tin rằng câu trả lời thỏa đáng là: chọn ngành nghề phù hợp trong một môi trường đào tạo tốt.
Hiểu rõ mình muốn gì cũng như sự phù hợp của bản thân với môi trường làm việc mà bạn sẽ gia nhập trong tương lai đóng vai trò then chốt trong sự lựa chọn này. Hãy sắp xếp các nghề và ngành mà bạn đang cân nhắc theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) đam mê; (2) thích; (3) muốn khám phá; (4) có khả năng phù hợp. Đồng thời, dựa trên tham khảo các năng lực cần có cho các vị trí công việc, hãy tự đánh giá khả năng của bạn trong hiện tại và tương lai theo thứ tự: (1) Xuất sắc; (2) giỏi; (3) khá; (4) trung bình; (5) cần cải thiện nhiều.
Quan trọng không kém chính là môi trường học tập nào sẽ là bệ phóng cho việc phát triển sự nghiệp bền vững của bạn. Những tiêu chí sau đây sẽ hữu ích để bạn đánh giá: (1) chất lượng, uy tín của chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo; (2) phương pháp sư phạm và định hướng thực tiễn; (3) tinh thần cùng học tập, cùng hỗ trợ và cùng cạnh tranh để phát triển của sinh viên; (4) văn hóa sẵn sàng trải nghiệm và học tập suốt đời.

TIỂU YẾN

.