Đà Nẵng cuối tuần

KỶ NIỆM 68 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 – 7-5-2022)

Có một Điện Biên trong lòng người dân Việt

06:27, 07/05/2022 (GMT+7)

Chiều 7-5-1954, Cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, ghi dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng, làm chấn động địa cầu, tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Bào tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng vào tháng 10-2012, mở cửa đón khách vào tháng 5-2014. Ảnh: TTXVN
Bào tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng vào tháng 10-2012, mở cửa đón khách vào tháng 5-2014. Ảnh: TTXVN

1. Chúng tôi lên Điện Biên bằng con đường năm xưa cha anh đã kéo pháo, chở hàng đi chiến dịch. Đường lên Điện Biên có vẻ đẹp hoang sơ, thấp thoáng bóng sơn nữ trên những sườn núi các thửa ruộng bậc thang lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo mùa lúa chín. Xa xa, một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc... 

Thung lũng Điện Biên Phủ là một trong những nơi tập trung nhiều “linh hồn bất tử” như nghĩa trang Trường Sơn. Cổng ngoài Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên được xây bằng đá xám. Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn bia mộ trắng mà Đại tá - nhà thơ Anh Ngọc đã viết trong bài thơ Trời Điện Biên mây trắng: Trời Điện Biên mây trắng/ Trắng màu khói na-pan/ Màu khói bom khói đạn/ Đọng đến giờ chưa tan. Và nhà thơ cũng ngậm ngùi trước: Trời Điện Biên mây trắng/ Màu mộ chí hàng hàng/ Màu bạc đầu bạn cũ/ Tìm nhau trong nghĩa trang. Từ xa đã thấy hai cây đại cổ thụ tỏa hương dịu dàng thoang thoảng. Tên các liệt sĩ được tạc bằng đồng gắn kín hai dãy tường đá, nắng sớm chiếu vào các con chữ vàng rực. Các nấm mộ trắng như những phím đàn piano ngân vang bản hùng ca bất tử. Cả nghĩa trang có 640 ngôi mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên ngôi sao màu đỏ không tuổi, không tên. Chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre choàng lưới, dép lốp cao su đạp núi băng rừng, áo trấn thủ như khối bộc phá. Huyền thoại Điện Biên bao giờ cũng nhuốm sắc màu lãng mạn linh thiêng. Hút trên vòm trời xanh trong của cánh đồng Mường Thanh, một đàn chim đập cánh bay về phía núi như vong linh các anh trở lại với rừng.

2. Thăm Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ - một điểm đến vô cùng ý nghĩa đối với du khách khi đặt chân tới mảnh đất Điện Biên, tôi ngẩn ngơ trước hơn 1.000 hiện vật, hình ảnh mô tả cụ thể diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm. Mỗi hiện vật đều được chú thích rõ ràng, với một câu chuyện riêng, để người xem có thể hiểu được 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Với chiếc xe đạp thồ cõng trên mình những bì gạo tròn căng được trưng bày tại Bảo tàng, cô hướng dẫn viên cho biết, mỗi đêm xe thồ có thể đi được 25km. Ngoài chở lương thực và súng đạn, xe đạp thồ còn chở cả thương binh. Mỗi tổ xe thồ có 3 người để bảo đảm cho xe lên và xuống những con dốc cheo leo, hiểm trở. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30-40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao.

Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là “Dòng sông sắt huyền thoại”. Ông viết: “Lấy xe đạp của người Pháp cải tiến thành xe vận tải không động cơ là phát triển kỳ diệu của người Việt Nam. Từ tháng 12-1953 cho tới hết chiến dịch Điện Biên Phủ, có hơn 20.000 xe đạp thồ cõng trên mình từ 200-400kg như những dòng sông nhỏ chảy len lỏi quanh co khắp núi rừng Tây Bắc”. Có nhiều tài liệu dẫn lời các học giả nước ngoài nói rằng, chưa nơi đâu như ở Việt Nam, đã sử dụng một lượng lớn xe đạp thồ - phương tiện đơn giản trở thành phương tiện vận tải hữu hiệu; đồng thời họ đánh giá cao chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

3. Trước khi rời Điện Biên, chúng tôi được tham dự giao lưu với đội văn nghệ bản Ten. Những cần rượu vít cong, những khuôn mặt ửng hồng cô gái Thái trong những bộ váy áo truyền thống. Chúng tôi được sống trong không khí thân thiện, cởi mở, thân tình của người dân, để rồi khi rời nơi đây thì lòng đầy lưu luyến.

68 năm trôi qua kể từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, với người dân Việt Nam, chiến dịch lịch sử này mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.