Đà Nẵng cuối tuần

BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG

Công đoàn bảo vệ người lao động

06:27, 08/05/2022 (GMT+7)

Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết, khi tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, đại diện Công đoàn cơ sở và Công đoàn thành phố sẽ tham gia đoàn điều tra TNLĐ ở cấp tương ứng.

Ông Nguyễn Duy Minh (đứng giữa) trao phần thưởng cho 2 tập thể giành giải nhì Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi thành phố Đà Nẵng lần thứ IX, năm 2021. Ảnh: TIỂU YẾN
Ông Nguyễn Duy Minh (đứng giữa) trao phần thưởng cho 2 tập thể giành giải nhì Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi thành phố Đà Nẵng lần thứ IX, năm 2021. Ảnh: TIỂU YẾN

Cụ thể, đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở tiến hành điều tra TNLĐ xảy ra đối với người lao động thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý; đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh, thành phố sẽ điều tra TNLĐ chết người, TNLĐ làm bị thương nặng từ 2 người trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 34, Luật An toàn vệ sinh lao động - ATVSLĐ).

* Trong môi trường làm việc hiện nay, người lao động thường đối mặt với nguy cơ, rủi ro dẫn đến TNLĐ.

Vậy người sử dụng lao động cần làm gì để bảo vệ người lao động trước những nguy cơ, thưa ông?
- Trước tiên, phải khẳng định bất kỳ môi trường làm việc nào cũng tồn tại những nguy cơ, rủi ro dẫn đến TNLĐ. Ví dụ, thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ TNLĐ do máy cuốn khiến người lao động làm việc trong lĩnh vực này bất an. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, người sử dụng lao động cần thực hiện tốt 5 bước: xác định các mối nguy hiểm; xác định những ai có thể bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào; đánh giá rủi ro, quyết định các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn và sức khỏe cho người lao động; ghi lại người chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn, khung thời gian; ghi lại những phát hiện, giám sát và rà soát việc đánh giá rủi ro và cập nhật khi cần thiết.

* Đà Nẵng có nhiều công ty dệt may, da giày hoạt động, đây cũng là ngành có số vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chiếm gần 14,5%. Vậy Liên đoàn Lao động thành phố đã có những biện pháp nào nhằm bảo vệ người lao động ở lĩnh vực này?

- Ngành dệt may, da giày có lực lượng lao động đông, chịu nhiều nguy cơ về bệnh nghề nghiệp như bụi vải, tiếng ồn, môi trường làm việc thiếu ánh sáng… Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố tập trung tuyên truyền giúp đoàn viên, người lao động đề cao cảnh giác, trước hết là bảo vệ tính mạng của mình, đồng nghiệp và tài sản doanh nghiệp; trang bị cho đoàn viên, người lao động một số kỹ năng ứng phó khi có sự cố xảy ra; kịp thời phát hiện, báo cáo nguy cơ cho bộ phận chức năng trong phân xưởng, doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị người sử dụng lao động trang bị thiết bị bảo hộ lao động, cải tiến một số khâu trong quy trình sản xuất để bảo đảm sức khỏe và tính mạng người lao động.

* Khi xảy ra TNLĐ nghiêm trọng, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp xử lý như thế nào?

- Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tham gia xây dựng, hướng dẫn thực hiện, giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tham gia điều tra TNLĐ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, chúng tôi tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động về ATVSLĐ. Vận động đoàn viên, người lao động chấp hành quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. Phối hợp tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ cũng như xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh tại các doanh nghiệp.

Công đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng (CEP) phối hợp với Công ty TNHH MEDLATEC Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm miễn phí, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động.Ảnh: TIỂU YẾN
Công đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng (CEP) phối hợp với Công ty TNHH MEDLATEC Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm miễn phí, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: TIỂU YẾN

* Ở tình huống tương tự, vai trò của Công đoàn cơ sở ra sao?

- Khi TNLĐ xảy ra, đại diện tổ chức Công đoàn cơ sở sẽ tham gia đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1, Điều 35 của Luật ATVSLĐ. Thành phần đoàn điều tra bao gồm trưởng đoàn là người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản, các thành viên còn lại là đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác. Trường hợp TNLĐ làm bị thương nặng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì UBND cấp phường/xã nơi xảy ra TNLĐ phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo UBND cấp quận/huyện để có hướng xử lý kịp thời.

Các thành viên đoàn điều tra căn cứ vào diễn biến, lời khai của nhân chứng để đánh giá nguyên nhân gây TNLĐ và căn cứ các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật mất ATVSLĐ, TNLĐ. Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định tại Điều 34 thì công đoàn cơ sở có nghĩa vụ báo ngay với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 để tiến hành điều tra. Công đoàn cơ sở đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; đồng thời giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

* Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 có nội dung: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai những biện pháp nào về việc bảo vệ người lao động?

- Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, Liên đoàn Lao động thành phố chủ động phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hoạt động tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tổ chức hội thi an toàn, vệ sinh giỏi; kỹ năng hoạt động của mạng lưới an toàn; tổ chức tọa đàm, đối thoại và triển khai chính sách pháp luật về ATVSLĐ.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố đẩy mạnh tuyên truyền qua ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, điện thoại thông minh, hệ thống đài phát thanh quận, huyện, phường, xã, doanh nghiệp. Chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền, tổ chức chuyên môn, người sử dụng lao động khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; kiểm tra, rà soát quy trình sản xuất trong các phân xưởng, tổ, đội; tham gia cùng sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật ở các lĩnh vực, ngành, nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, kịp thời khen thưởng đoàn viên, người lao động có sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm môi trường lao động an toàn, bền vững cho người lao động.

 Quy trình xử lý của tổ chức công đoàn cơ sở khi xảy ra tai nạn lao động:
- Tổ chức Công đoàn cơ sở phải có mặt kịp thời, tổ chức sơ cứu người bị thương.
- Chụp ảnh, quay phim hiện trường, bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra.
- Tham gia bảo vệ quyền lợi của người bị TNLĐ như hỗ trợ một phần chi phí, tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
- Trong quá trình tuyên truyền công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở triển khai quy trình xử lý TNLĐ tại nơi làm việc hoặc trên đường đi làm/đi làm về. Cụ thể, TNLĐ xảy ra (trừ trường hợp người lao động bất tỉnh/tử vong), thành viên tổ Công đoàn báo cáo thông tin về Chủ tịch/Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở. Chủ tịch/Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở căn cứ tính chất, số lượng người bị thương sẽ đề xuất chủ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở hoặc báo cáo lên Công đoàn cấp trên, Công đoàn thành phố qua đường dây nóng. Đối với các vụ TNLĐ gây chết người, bị thương nặng từ 2 người trở lên, sẽ do đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh, thành phố tiến hành điều tra để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

TIỂU YẾN

.