Đà Nẵng cuối tuần
Không bỏ ai lại phía sau…
Với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Cùng với phương pháp và cách thức triển khai năng động, sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Hộ anh Trần Anh Tuấn (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) có nhà xuống cấp nghiêm trọng, đang được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Ảnh: Đ.H.L |
Thực tế cho thấy, các chính sách mang tính đặc thù của thành phố hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo có thể kể đến như: trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, nhà ở, y tế, giáo dục, phương tiện sinh kế, vốn vay ưu đãi... Nhờ đó, các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2021, tính đến cuối năm 2021 cơ bản đều đạt và vượt.
Chọn giải pháp phù hợp từng gia đình
Như nhiều hộ nghèo ở quận Hải Châu, nhà anh Trần Anh Tuấn (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) nằm lúp xúp trong một con hẻm nhỏ cuối đường Hoàng Diệu. Vào mùa hè, nhà nóng bức, chật chội; còn mùa đông thì ẩm thấp và dột ướt sủng nước mưa. Đó là chưa kể những trận bão đi qua, cả nhà phải đi trú ẩn ở nơi kiên cố hơn.
Trong căn nhà rộng chưa đầy 60m2, anh Tuấn chia sẻ: “Tôi làm thợ cắt tóc tại nhà nên thu nhập rất bấp bênh, trong khi vợ tôi thất nghiệp. Ở nhà có ba con nhỏ đang tuổi ăn học và một mẹ già yếu, mất sức lao động. Nhà tôi xuống cấp nghiêm trọng, tường bị ẩm mốc, gác mục, nhà vệ sinh hư hỏng nặng. Những lúc bão đến, cả nhà phải kéo nhau ra Trường THCS Trần Hưng Đạo tá túc. Cho nên, khi được hỗ trợ xây lại nhà cửa, gia đình tôi mừng lắm. Từ nay, chúng tôi không phải lo chạy bão”.
Cùng hoàn cảnh với anh Trần Anh Tuấn, hộ bà Huỳnh Thị Hoa (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) sống trong ngôi nhà 53m2 và xuống cấp nghiêm trọng. Bà Hoa cho biết, ngoài 3 nhân khẩu trong nhà, bà còn có 2 gia đình em trai đang thuê nhà bên ngoài nên hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi được địa phương vận động, Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã hỗ trợ hộ anh Trần Anh Tuấn và bà Huỳnh Thị Hoa kinh phí sửa chữa nhà để có cuộc sống ổn định hơn.
Nói về công tác giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, ông Nguyễn Phú Minh Trí, chuyên viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn có nhiều nhà ở và chung cư xuống cấp. Bây giờ là mùa hè nên các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở để hoàn thành trước mùa mưa bão. Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, sau khi khảo sát tình trạng nhà ở của từng hộ nghèo, Ban giảm nghèo của quận tổ chức đối thoại và tư vấn cho các hộ nghèo gói hỗ trợ sát với thực tế hoàn cảnh gia đình nhất để giúp họ sớm thoát nghèo.
Hòa Vang đặc thù là huyện thuần nông, Ban giảm nghèo huyện cũng đã phối hợp với các xã tìm giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ dân để giúp họ vươn lên thoát nghèo, điển hình như: hỗ trợ cải tạo vườn tạp, giống cây trồng, xe đạp, học bổng, bò giống, heo, gà, vịt...
Ông Lâm Tiến Sỹ, Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện cho biết, thời gian qua, phòng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và UBND 11 xã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. “Năm 2021, Ngân hàng CSXH đã thẩm định, giải ngân cho 9.427 lượt hộ vay 401,3 tỷ đồng giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, phòng phối hợp hướng dẫn các xã vận động các tộc họ, tổ, nhóm đỡ đầu hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để sớm thoát nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, huyện đã giảm 275 hộ nghèo và 550 hộ cận nghèo”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Mô hình nuôi ngan Pháp thương phẩm tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Ảnh: MAI HOÀNG |
Có chính sách đặc thù cho hộ nghèo
Để tạo điều kiện cho hộ nghèo có nguồn lực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh nguồn vốn Trung ương phân bổ, thành phố còn ủy thác qua Ngân hàng CSXH kinh phí 80 tỷ đồng để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn. Ngân hàng CSXH thành phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương tiến hành thẩm định, giải ngân cho 7.593 lượt hộ vay vốn với tổng doanh số cho vay 305,85 tỷ đồng. Định kỳ hằng tháng các đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá và có biện pháp hướng dẫn kịp thời các hộ sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả để hạn chế nợ quá hạn.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho biết, trong tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhóm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, Sở LĐ, TB&XH đã kịp thời triển khai hướng dẫn tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho các đối tượng, nhất là đào tạo lại cho lao động nghỉ việc và mở các phiên tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hằng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố. Qua đó đã đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho khoảng 980 người và giới thiệu việc làm cho 6.179 lao động nghèo, cận nghèo. Bên cạnh thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, thành phố đã ban hành một số chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 195/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 244/2019/NQ-HĐND để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, thành phố hỗ trợ xây mới 35 triệu đồng/nhà, hỗ trợ sửa chữa 20 triệu đồng/nhà. Riêng năm 2020, mức hỗ trợ xây mới lên 50 triệu đồng/nhà. Qua 3 năm triển khai thực hiện, chính sách triển khai thực hiện đồng bộ và đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 1.300 nhà giúp cho các hộ nghèo có nhà ở ổn định.
Nông dân trồng rau sạch tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: MAI HOÀNG |
Về chính sách hỗ trợ về y tế, thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người thuộc hộ nghèo và hộ thoát nghèo trong vòng 2 năm; hỗ trợ 90% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố. Song song đó, thành phố có chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ em thuộc hộ nghèo và 90% học phí đối với trẻ em thuộc hộ cận nghèo học mầm non hoặc học sinh phổ thông có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật trực tiếp nuôi dưỡng.
Ngoài ra, thành phố còn có chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2018 hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo; hỗ trợ chính sách trợ cấp xã hội 300.000 đồng/người/tháng đối với người đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành và 500.000 đồng/người/tháng đối với người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi, ốm đau thường xuyên chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Đồng thời, trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng đối với người thuộc hộ nghèo mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo. Nhờ đó, các đối tượng yếu thế thuộc hộ nghèo không đủ sức khỏe làm ăn giảm bớt khó khăn; tạo động lực khuyến khích hộ nghèo an tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, huyện sẽ chỉ đạo các xã điều tra, rà soát, xác định, thẩm định và phê duyệt số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai. Đặc biệt, chú trọng công tác đối thoại trên cơ sở phân nhóm đối tượng, nhu cầu của từng hộ, phối hợp với các hội, đoàn thể cùng cấp triển khai kế hoạch giúp đỡ các hộ nghèo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2022, huyện phấn đấu giảm 700 hộ nghèo và 385 hộ cận nghèo, trong đó thoát hết hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn Trung ương.
Phấn đấu giảm 2.990 hộ nghèo, 1.320 hộ cận nghèo
Đầu giai đoạn 2019-2021, toàn thành phố Đà Nẵng có 14.983 hộ nghèo, tỷ lệ 5,53%/hộ dân cư, trong đó 11.675 hộ nghèo còn sức lao động, tỷ lệ 3,89%; hộ cận nghèo có 6.395 hộ, tỷ lệ 2,36%. Qua 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2021, thành phố đã trợ giúp 8.488 hộ thoát nghèo và 1.320 hộ nghèo phát sinh. Đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn lại 4.507 hộ nghèo còn sức lao động, 2.968 hộ nghèo không còn sức lao động, 2.913 hộ cận nghèo chuẩn thành phố.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, thành phố phấn đấu giảm 2.990 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1% và 1.320 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,44% theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố so với đầu giai đoạn 2022-2025; vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT có hỗ trợ mức đóng BHYT của Nhà nước; hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho 200 hộ nghèo có đất ở hoặc nhà ở bị xuống cấp, hư hỏng; giới thiệu việc làm cho khoảng 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG