Thế giới chỉ còn đủ lúa mì trong khoảng 10 tuần. Hàng loạt quốc gia tạm ngừng xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trong đó có lúa mì, khiến giá mặt hàng này tăng kỷ lục. Cuộc khủng hoảng lương thực đang “nóng” hơn bao giờ hết và được dự báo có thể kéo dài vài năm.
Yemen nhập khẩu gần 90% lúa mì, trong đó hơn 30% từ Ukraine và ít nhất 8% từ Nga. TRONG ẢNH: Một nông dân cầm trên tay hạt lúa mì khi làm việc tại nhà máy bột mì ở Sana’a, Yemen. Ảnh: EPA-EFE |
“Xung đột và đói kém đi kèm với nhau - khi cái này bùng phát thì kéo theo cái kia. Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất; và trong thế giới toàn cầu hóa, cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng khắp các châu lục”. Tháng 3-2022, Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ - IFAD) - cựu Thủ tướng Togo Gilbert Houngbo cảnh báo như vậy khi đề cập về tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy
Ông Houngbo nói rằng, IFAD rất lo ngại xung đột kéo dài ở Ukraine có thể hạn chế nguồn cung cấp cây trồng chủ lực của thế giới như lúa mì, ngô và dầu hướng dương, dẫn đến giá lương thực tăng vọt và nạn đói xảy ra. “Điều này có thể gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị”, ông Houngbo nhấn mạnh.
Đúng như dự báo, cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu, đẩy giá cả leo thang với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu chính ngũ cốc và dầu hướng dương, đồng thời chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì toàn cầu.
Việc chấm dứt tình trạng thiếu ăn là mục tiêu số 2 trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ đặt ra đến năm 2030. Nhưng chỉ trong hai năm đại dịch Covid-19, số người thiếu ăn đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người lên 276 triệu người. Giờ đây, để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm quan trọng để vừa sớm ổn định nguồn cung, bảo vệ thị trường trong nước, vừa không tốn kém ngân sách như khi sử dụng các chính sách trợ giá. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm trên toàn cầu, làm gia tăng rủi ro lạm phát và các quốc gia nghèo sẽ chịu thiệt hại lớn hơn cả. Vì vậy, đây không thể là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Ngày 14-5, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, có hiệu lực tức thì, để bảo đảm an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân. Nga cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô đến ngày 31-8; cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và bắp sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu đến ngày 30-6. Hungary cấm tất cả hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Serbia hạn chế xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì và dầu ăn. Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà. Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn từ ngày 28-4 nhưng chỉ sau 3 tuần, chính phủ nước này đã tạm dừng lệnh cấm.
Khó tìm giải pháp
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng, cuộc khủng hoảng lương thực do chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm nếu không có biện pháp đối phó. Theo ông Guterres, vấn đề thiếu hụt ngũ cốc, phân bón cộng với tình trạng ấm lên toàn cầu, sự đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 có thể “đẩy hàng chục triệu người đến bờ bất ổn lương thực”.
Ông Arif Hussain - chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình Lương thực Thế giới - kêu gọi “hãy đặt mình vào vị trí của người dân ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình - nơi bạn sẽ phải chi ít nhất 50% thu nhập cho lương thực thực phẩm và rồi đột nhiên các mặt hàng này tăng giá mạnh. Đó là thực tế đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới”.
Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: “Có hai điều cần được làm và phải làm nhanh chóng. Một là ngăn chặn các biện pháp hạn chế thương mại, khi đã có tới 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực bởi điều này chỉ khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Hai là phải gia tăng sản lượng lương thực ở bất cứ nơi nào có thể bằng việc hỗ trợ tài chính để người nông dân sản xuất nhiều hơn”.
Thế giới đang tìm giải pháp khi nguồn cung lúa mì toàn cầu trong kho dự trữ chỉ duy trì trong 10 tuần nữa. Song, chính ông Guterres cũng cho rằng, việc tìm được giải pháp là rất phức tạp. Theo Tổng Thư ký LHQ, không có giải pháp hiệu quả nếu không đưa ngành sản xuất lương thực của Ukraine hay ngành sản xuất thực phẩm và phân bón Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
KHÁNH LINH (theo World Economic Forum, Reuters, Bloomberg)