Đà Nẵng cuối tuần
Sính hàng ngoại!
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt có tâm lý sính ngoại, ưa chuộng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, ngay cả với cùng một loại sản phẩm nội địa có chất lượng tương đương và giá rẻ hơn. Tâm lý sính hàng ngoại, hàng hiệu của người tiêu dùng đã tạo kẽ hở cho tội phạm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Hằng năm, nhất là dịp cuối năm, lợi dụng thời điểm mua sắm nhộn nhịp gần Tết, thủ đoạn của tội phạm gian lận thương mại càng tinh vi hơn. Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, từ năm 2018 đến tháng 6-2021, cơ quan chức năng này đã phát hiện và tiêu hủy gần 120.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.
Toàn bộ số hàng hóa này đều là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó chủ yếu là quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, kính đeo mắt, túi xách, ví cầm tay, thực phẩm chức năng, dây sạc/ốp lưng điện thoại, hạt thủy tinh, khăn ướt, ghế massage, máy massage chân và phụ kiện, thuốc lá điện tử, hàng gia dụng các loại, bình chứa caliburn, mũ bảo hiểm, nước giặt, nước xả vải. Đặc biệt, các loại rượu ngoại đều giả nhãn hiệu Chivas 18, Macallan Quest, Captain Morgan Jamaica Rum và bột giặt giả mạo nhãn hiệu Comfort, OMO…
Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 15-12-2021 đến 15-1-2022, Công an quận Thanh Khê đã phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quận. Nhiều mặt hàng không có hóa đơn, giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng thu giữ, xử lý như: mỹ phẩm, chuột vi tính, loa vi tính, điện thoại, laptop...
Hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái và quảng cáo khiến khách hàng hiểu sai về thương hiệu và chất lượng sản phẩm là trực tiếp vi phạm các quy định trong Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, kể từ khi Covid-19 xảy ra, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng chuyển qua mua hàng online. Sau nhiều lần bị lừa “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhiều bạn trẻ dở khóc dở cười vì mua trúng hàng dỏm, hàng kém chất lượng nên chuyển qua săn hàng ngoại.
Lâu dần việc săn hàng ngoại trở thành thói quen tiêu dùng trong một bộ phận giới trẻ. Chưa kể, một số nhân vật có tên tuổi trong giới showbiz lợi dụng uy tín của mình để tham gia quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng được dán nhãn ngoại nhập, khiến nhiều người có nhận thức lệch lạc khi cho rằng hàng ngoại càng đắt càng tốt.
Việc sính hàng ngoại và hàng hiệu của một bộ phận giới trẻ là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng về việc thích sử dụng hàng tốt; nhưng cũng thể hiện mặt trái với tâm lý thích phô trương, khoe hàng hiệu, chạy theo giá trị ảo... Cùng một mặt hàng, nhưng hàng ngoại nhập có khi được ưa chuộng hơn hàng được sản xuất trong nước, dù hàng nội địa không hề thua kém về chất lượng và giá cả còn rẻ hơn.
Một số doanh nghiệp hay cá nhân đã lợi dụng điều này để bán hàng thông qua sự dễ dãi và cả tin của người tiêu dùng. Điển hình là các “bà mẹ bỉm sữa” tin vào quảng cáo hay truyền miệng, chạy theo một số hãng sữa ngoại bởi mong muốn con mình tăng chiều cao và thông minh. Do đó, để không bị trở thành “nạn nhân tự nguyện” của sự thiếu hiểu biết, bạn cần trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn hàng hóa.
Việc xóa bỏ tâm lý chuộng hàng ngoại nhập chưa bao giờ dễ dàng. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, coi trọng thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm xây dựng uy tín và thương hiệu hàng Việt.
Theo thống kê mới đây của Bộ Công Thương, đến nay, hàng Việt đã chiếm trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Những con số này là tín hiệu đáng mừng khi hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại.
ĐOÀN GIA HUY