Đà Nẵng cuối tuần
Tìm đầu ra cho làng đá Non Nước…
Trở lại làng đá mỹ nghệ Non Nước sau hơn 10 năm, chúng tôi như được sống lại cảm xúc quen thuộc với những tiếng cưa, khoan, mài, đục náo động của làng nghề. Tuy nhiên, mọi thứ giờ ngăn nắp và sạch sẽ hơn sau khi các cơ sở điêu khắc ở những khu dân cư lân cận được di dời vào đây sản xuất tập trung theo quy hoạch. Các chủ xưởng cũng bắt đầu nối lại các đơn hàng sau khi Covid-19 đi qua.
Thợ điêu khắc ở làng đá mỹ nghệ Non Nước phải làm việc vất vả dưới cái nắng hè gay gắt và bụi đá. Ảnh: Đ.H.L |
Làng đá mỹ nghệ Non Nước có diện tích khoảng 35ha và bắt đầu hoạt động từ năm 2017 với hơn 380 cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ. Dự án quy hoạch làng đá mỹ nghệ Non Nước được chia 2 giai đoạn: giai đoạn 1 tập trung đầu tư hạ tầng và bố trí các cơ sở điêu khắc vào sản xuất và xây dựng trạm xử lý nước thải; giai đoạn 2, dự kiến sẽ cắt bớt một phần khu bãi chứa nguyên liệu để bố trí cho các hộ sản xuất đang còn ở ngoài khu dân cư.
“Thu nhập mới chỉ đủ sống”
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Huân, Phó trưởng Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước cho biết: Trước đây, các cơ sở chủ yếu sản xuất trong khu dân cư nên nước thải và bụi bẩn gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, nhất là các hóa chất xử lý trong quá trình chế tác đá. Từ khi quy hoạch làng nghề và xây dựng trạm xử lý nước thải, nước thải được thu gom từ các cơ sở sản xuất trong làng đá đưa đến trạm để xử lý nhằm bảo đảm tiêu chuẩn an toàn môi trường trước khi thải ra sông Cổ Cò.
“Bất cập hiện nay là làng đá mỹ nghệ Non Nước được quy hoạch phân lô như khu dân cư nên khi đưa vào sử dụng thì hạ tầng cơ sở chưa hợp lý. Các cơ sở sản xuất cần mặt bằng rộng, trong khi các lô quy hoạch có độ sâu về chiều dài không cần thiết nhưng lại hẹp bề ngang nên rất bất tiện cho việc chế tác, điêu khắc và vận chuyển đá với khổ lớn. Bên cạnh đó, làng đá chỉ mới đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế, bởi vẫn còn nhiều hộ sản xuất ở khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực”, ông Lê Văn Huân giải thích.
Trong đợt Covid-19 vừa qua, nhiều cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng về quá trình tiêu thụ sản phẩm. Bà Thái Thị Nga, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Long Bửu cho biết, sau khi chuyển cơ sở điêu khắc đá vào Làng đá mỹ nghệ Non Nước sản xuất thì rất thuận tiện. Cơ sở được bố trí ngăn nắp và sạch sẽ hơn trước. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cơ sở rất ít đơn đặt hàng, hiện nay chủ yếu thực hiện các hợp đồng cũ còn lại. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đá mua về cũng cao hơn trước. Dẫu vậy, cơ sở vẫn cố gắng duy trì hoạt động thường xuyên để bảo đảm công ăn việc làm cho 12 thợ đến từ Quảng Nam và Đà Nẵng. Các mặt hàng chủ yếu là tượng tâm linh, danh nhân do các địa phương khác đặt hàng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…, mang lại thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng/người.
Nói về công việc điêu khắc, ông Đỗ Văn Loại, thợ chế tác đá tại cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Long Bửu, cho biết: “Tôi quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ra đây học nghề và đã gắn bó hơn 10 năm. Đây là công việc khá vất vả do suốt ngày phải phơi mình dưới thời tiết nắng nóng và bụi bẩn. Tuy nhiên, vì tôi yêu nghề nên không thể bỏ được. Hiện con trai tôi cũng theo công việc này vì đam mê”.
Với kinh nghiệm 30 năm làm nghề, ông Ngô Tấn Thọ làm cùng ở cơ sở này cũng cho biết, tượng danh nhân thì phải làm cẩn thận. Ảnh mẫu phải chụp 3-4 mặt mới dễ làm. Nhưng nếu có kinh nghiệm thì sẽ làm nhanh hơn. Hồi xưa chủ yếu làm thủ công, còn bây giờ đã có máy nên đỡ vất vả hơn nhưng thu nhập vẫn chưa ổn định.
Còn ông Nguyễn Hải Dương, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Hải Dương cho biết, cơ sở của ông chuyên sản xuất các loại hình tượng phật theo yêu cầu. “So với trước đây thì hàng chậm lại hơn 70%, chủ yếu là gia công lại theo đơn đặt hàng để bán cho khách buôn và bỏ lại cho các cửa hàng. Mỗi tháng làm được một tượng lớn cao khoảng 5m và khoảng 3-4 tượng nhỏ theo mẫu đặt hàng. Thu nhập cũng mới chỉ đủ sống”, ông Dương nói.
Kết nối hoạt động điêu khắcvà tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, các cơ sở sản xuất ở làng đá mỹ nghệ Non Nước tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, chủ yếu là xuất đi các địa phương trong nước. Ngoại trừ các cơ sở tự lập Facebook để kết nối với khách hàng, làng nghề chưa có kênh giới thiệu và quảng bá sản phẩm chung. Ban quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước chỉ hỗ trợ về công tác quản lý. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn nên chưa thể thu hút và kết nối các tour, tuyến đưa khách đến tham quan.
Đặc biệt, tuyến đường ống dẫn nước thải về trạm quá nhỏ so với lượng xả thải nên gây tình trạng quá tải. Một số cơ sở vẫn chưa đấu nối với hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp vào hệ thống nước mưa, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để phục vụ du khách tham quan, trước mắt thành phố cần quan tâm xử lý dứt điểm bụi bẩn và nước thải để làm trong sạch môi trường.
Bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ điêu khắc Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003-2016, quỹ thực hiện dự án đào tạo thợ điêu khắc do Na Uy tài trợ. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị tự tạo nguồn thu để trang trải kinh phí hoạt động và làm các chương trình mỹ thuật của thành phố, cũng như tham gia thực hiện gia công, sản xuất tượng cho các nhà điêu khắc theo đơn đặt hàng và tạo công ăn việc làm cho các thợ từng học nghề ở đây ra.
Với vai trò đào tạo thợ điêu khắc và hỗ trợ các hoạt động mỹ thuật của thành phố Đà Nẵng, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ từ bên ngoài, nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên việc vận động doanh nghiệp tài trợ rất khó khăn. Năm 2010, quỹ đứng ra tổ chức trại sáng tác mẫu và được thành phố chọn duyệt 4 tượng mẫu nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện.
“Năm 2017, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã tặng thành phố 2 bức tượng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng là “Sóng biển” và “Dòng sữa mẹ” đặt ở đầu tuyến trục đường Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt và khu công viên trước tòa nhà AZURA với sự tham gia hỗ trợ của hai nhà điêu khắc Phạm Hồng và Oyvin Storbaekken (Na Uy). Trong thời gian tới, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng mong muốn chính quyền thành phố tổ chức nhiều hoạt động về điêu khắc; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ quỹ phát triển bằng cách giao thực hiện điêu khắc các công trình của thành phố như tượng công cộng”, bà Hương đề xuất.
Quỹ phi lợi nhuận vì sự phát triển nghệ thuật điêu khắc
Đến nay, lần lượt hơn 100 nhà điêu khắc từ Thụy Điển, Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Israel, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, Singapore… đã trực tiếp đến làm việc tại xưởng sản xuất của Quỹ điêu khắc Đà Nẵng (nằm trong làng đá mỹ nghệ Non Nước) và cùng tham gia các hoạt động sáng tác nghệ thuật. Riêng Thụy Điển, có đến 14 nhà điêu khắc, kiến trúc sư đã đến và làm việc. Tiếng vang của quỹ cũng mời gọi nhiều đoàn sinh viên (chuyên ngành điêu khắc, tạo hình) đến Đà Nẵng, điển hình như đoàn gồm 23 sinh viên Singapore sang học về công việc sáng tác điêu khắc. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG