Đà Nẵng cuối tuần
Sức hút từ các môn thể thao truyền thống người Cơ tu
Tháng 8, về Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), du khách và người dân không khỏi ngỡ ngàng trước không gian sôi động của “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và lễ hội truyền thống của người đồng bào Cơ tu”. Với việc tổ chức các trò chơi dân gian cũng là môn thể thao truyền thống như đi cà kheo, đẩy gậy, leo cột lồ ô, kéo co, nhảy bao bố…, đồng bào Cơ tu hai thôn Tà Lang, Giàn Bí đã cho người xem mãn nhãn bởi những màn trình diễn đẹp mắt.
Người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) tham gia phần thi đi cà kheo. Ảnh: THANH TÌNH |
Từ 6 giờ sáng, người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí đã tụ họp đông đủ tại sân thể thao thôn Tà Lang để cổ vũ cho các môn thi thể thao truyền thống. Trong tiếng hô của Ban tổ chức, sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, những vận động viên tham gia thi đấu thể thao đã nỗ lực hoàn thành tốt các phần thi.
Hào hứng, gắn kết
Có gương mặt đẹp và đôi mắt sáng, được ví như “bông hoa của núi rừng” nhưng Bùi Thị Thúy Vy (thôn Tà Lang) không hề mỏng manh mà rất rắn rỏi khi đại diện thôn tham gia phần thi đi cà kheo và giành giải Nhất. Vy bộc bạch: “Hồi nhỏ, em được ba mẹ dạy cách đi cà kheo, mỗi lần có lễ hội hoặc đi chơi thể thao cùng bạn bè, em đều mang theo cà kheo để tập. Em không nhớ mình đã bị ngã bao nhiêu lần nhưng vì yêu thích bộ môn này nên mỗi lần thôn có cuộc thi em đều tham gia”.
Cũng theo Vy, người đi cà kheo phải lấy thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt và khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Trong quá trình thi đấu, nếu ai ngã hoặc chậm hơn đối thủ thì sẽ thua cuộc.
Sau phần thi cà kheo, khán giả được chiêm ngưỡng lần lượt các phần thi đẩy gậy, leo cột lồ ô, nhảy bao bố, kéo co… Giành giải Nhất môn đẩy gậy, anh Phan Văn Cập (thôn Giàn Bí) cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã theo bố mẹ lên rừng làm nương rẫy, đến nay khi có gia đình, tôi nối nghiệp làm rừng, trồng keo nên sức khỏe rất tốt. Đó cũng chính là một phần giúp tôi chiến thắng phần thi đẩy gậy này. Tuy phần thi nhỏ nhưng tôi rất vui khi mang thành tích về cho thôn”.
Anh Cập cũng cho biết, với bộ môn đẩy gậy, ngoài yêu cầu về thể lực, người tham gia thi cần có kỹ thuật tốt để cầm gậy và đứng đúng tư thế. Ngoài ra, phải biết chia sức và nắm bắt được tình thế để dùng sức đẩy đúng lúc mới giành chiến thắng.
Những ngày đầu tháng 8, hòa trong không gian lễ hội văn hóa - thể thao giữa núi rừng, người dân, du khách còn được cùng người đồng bào nhảy sạp, múa điệu múa tung tung da dá đặc trưng của người Cơ tu trong tiếng cồng chiêng, trống nhộn nhịp. Khi thôn Tà Lang giành Nhất toàn đoàn tại “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và lễ hội truyền thống của người đồng bào Cơ tu”, anh Đinh Văn Hin - Trưởng ban nhân dân thôn cho biết, sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, bà con rất hào hứng tham gia liên hoan.
“Đây là những bộ môn thể thao truyền thống có từ xa xưa nên việc gìn giữ, phát triển các bộ môn này không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người đồng bào mà còn giúp phát triển thể lực, kỹ năng, đồng thời tạo sự kết nối cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc”, anh Hin nói thêm.
Tiếp nối và giữ gìn
Theo UBND xã Hòa Bắc, tiếp nối thành công của các sự kiện Liên hoan Văn hóa - Thể thao được UBND huyện Hòa Vang duy trì tổ chức từ năm 2003 đến nay và Chương trình phục dựng lễ hội truyền thống được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016, lần này, được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), UBND xã Hòa Bắc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể xã tổ chức “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và lễ hội truyền thống của người đồng bào Cơ tu” để quảng bá, lan truyền về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống đồng bào Cơ tu.
Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Những năm qua, cộng đồng người Cơ tu cùng chính quyền không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình. Lần này cũng vậy, thông qua các hoạt động văn hóa - thể thao, bản sắc của đồng bào được bảo tồn và phát triển, người Cơ tu Hòa Bắc nói riêng, Hòa Vang nói chung được đông đảo công chúng biết đến là một cộng đồng góp phần làm đa dạng văn hóa của thành phố Đà Nẵng”.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và lễ hội truyền thống của người đồng bào Cơ tu” là hoạt động góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, giới thiệu những tinh hoa văn hóa, đồng thời khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Cơ tu trước nguy cơ mai một do sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội và quá trình giao lưu, hội nhập. Qua liên hoan, người dân, du khách biết nhiều hơn đến các hoạt động văn hóa - thể thao của địa phương, từ đó giúp quảng bá, kích cầu du lịch.
“Các hoạt động văn hóa, lễ hội của người Cơ tu đáp ứng được mục tiêu tôn vinh bản sắc văn hóa cộng đồng người Cơ tu vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn truyền thống văn hóa. Không những thế, hoạt động mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm chân thật, những cảm xúc ấn tượng và những cảm nhận khó quên khi được trực tiếp giao lưu, tiếp xúc với đồng bào Cơ tu”, ông Tân khẳng định.
Cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang hiện có khoảng 1.500 người, sinh sống ở 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Lễ hội truyền thống của người đồng bào Cơ tu được tổ chức thường niên, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Ngoài việc tổ chức các bộ môn thể thao truyền thống, thông qua ngày hội, lễ hội, các điệu múa sống động mang âm hưởng núi rừng, các loại nhạc cụ truyền thống, các điệu hát lý, nói lý mang đậm bản sắc của người Cơ tu... cũng được đồng bào thể hiện. Cùng với đó, người dân, du khách còn tận mắt chứng kiến các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đặc sắc như: nghề dệt vải, nghề đan mây tre; thưởng thức hương vị rượu cần và các món ăn, sản phẩm ẩm thực của đồng bào Cơ tu; chứng kiến nghi thức “kết nghĩa” của đồng bào hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. |
THANH TÌNH