Đà Nẵng cuối tuần
Khách sạn 3 sao tìm hướng đi
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, 7 tháng năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng 83,0% so với cùng kỳ. Số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm 7 tháng ước đạt 2,5 ngày/lượt khách (khách quốc tế ước đạt 2,4 ngày/lượt; khách trong nước 2,5 ngày/lượt). Tuy nhiên, khi mùa hè qua đi, thị trường khách nội địa giảm, nhiều khách sạn phải tìm kiếm thêm các nguồn khách mới, nhất là khối 3 sao trở xuống.
Nhân lực ngành du lịch là một trong những yếu tố được đánh giá sẽ tạo ra sự khác biệt cho các cơ sở lưu trú. Ảnh: THU HÀ |
Đà Nẵng hiện có hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch từ hạng 3 sao và tương đương trở xuống (bao gồm các loại hình khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, homestay). Theo Sở Du lịch, tính đến nay, hơn 800 cơ sở đã mở cửa hoạt động trở lại.
Chuyển đổi số để thu hút khách
Anh Trần Đức Thông, Quản lý khách sạn Draco Hotel & Suites (An Thượng 2, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, với dòng khách sạn từ 3 sao trở xuống, thị trường khách là khách nội địa. Các khách sạn 3 sao trở xuống ưu điểm là giá thành rẻ, đáp ứng được nhu cầu của khách trong mùa cao điểm hè. Tuy nhiên, khi mùa hè qua đi, các khách sạn này dần vắng khách. Khi chưa có dịch bệnh, nguồn khách Âu, khách từ các thị trường quốc tế khác bù đắp cho sự thiếu hụt này nhưng hiện nay khi các thị trường khách quốc tế chưa nhiều thì sẽ có rất nhiều khó khăn.
Do đó, anh Thông cho rằng, để tạo được sự khác biệt và hấp dẫn khách, các khách sạn cần phải có hướng đi riêng để duy trì nguồn khách ổn định. Như khách sạn Draco Hotel & Suites dù mới đi vào hoạt động nhưng công suất phòng trong tháng 7 đạt khoảng 70%; tháng 8 ước khoảng 50%. Có được điều này, anh Thông và các cộng sự phải nỗ lực rất nhiều.
“Thay vì chỉ bán phòng ngủ đơn thuần, chúng tôi cố gắng tạo phong cách riêng, đa dạng dịch vụ như có phòng gym, spa, hồ bơi, bar, pub… và bán các gói combo, đi kèm một số tour trong ngày hoặc dịch vụ tại cơ sở lưu trú. Các combo này sẽ giúp khách có nhiều lựa chọn phù hợp với thị hiếu. Nhưng dù gói sản phẩm nào thì cũng luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu”, anh Thông chia sẻ.
Thực tế, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, xu hướng của khách hàng có nhiều thay đổi. Để nhanh chóng tiếp cận các khách hàng mới, tiềm năng, anh Thông đã áp dụng 4.0, chuyển đổi số, các dịch vụ của khách sạn đều có thể thanh toán online, thuận tiện cho khách. Nhân lực cũng là một trong những yếu tố then chốt, nhân viên phải bảo đảm chuẩn chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản để mang đến sự hài lòng nhất cho du khách. “Chỉ cần một phản hồi, đánh giá tốt của du khách trên các trang đặt phòng trực tuyến đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc từng bước khẳng định thương hiệu”, anh Thông phân tích.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Điều hành khách sạn Biển Vàng (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) cũng nhấn mạnh yếu tố nhân lực. Chính sự tận tình, chu đáo của các nhân viên sẽ giúp khách sạn “ghi điểm” với khách hàng, đối tác. Thay vì đón khách du lịch đơn thuần, nhiều năm qua, khách sạn Biển Vàng hướng tới thị trường khách MICE (hình thức du lịch kết hợp khen thưởng hội thảo, hội nghị).
Bà Trinh bày tỏ: “Hằng năm, từ tháng 8, khi học sinh đi học trở lại thì việc đi du lịch của các gia đình thưa dần nhưng vẫn có khách công vụ, đi làm việc. Khi nhắm đến thị trường khách này, chúng tôi xác định phải làm rất chỉn chu, tỉ mỉ, bởi khách quan tâm đến sự kiện của họ có được tổ chức chu đáo hay không. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu của khách, chúng tôi đầu tư hội trường, hướng dẫn nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, tạo uy tín cũng như có được sự tin tưởng của khách hàng, nhờ vậy mà công suất phòng của khách sạn khá ổn định”.
Tăng giá trị thương hiệu hướng đến phát triển bền vững
Theo anh Trần Đức Thông, những doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ khối từ 3 sao trở xuống nên có sự thay đổi trong tư duy kinh doanh; thay vì cạnh tranh nhau thì cần tạo được niềm tin cho khách hàng, tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp mình để cùng nhau phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng vai trò của các hội, hiệp hội, nên có sự kết nối giữa các khách sạn cùng khối để tạo sự liên kết, hợp tác; có thêm các quy định, quy chuẩn cụ thể để các doanh nghiệp phải tham gia các chương trình tập huấn của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh nhìn nhận, thị trường khách sạn 3 sao trở xuống đang gặp một số khó khăn, đó là sau khi phục hồi du lịch, các khách sạn 4-5 sao bằng các kênh quảng bá riêng đều có các chương trình với những mức giá rất hấp dẫn để thu hút khách nội địa trong lúc khách quốc tế chưa nhiều. Điều này sẽ gây áp lực đối với các khách sạn 3 sao trở xuống phải chia sẻ nguồn khách. Vì thế, các khách sạn ở khối này cần phải khai thác mạnh mẽ thị trường từ các điểm đến nội địa có các chuyến bay thẳng tới Đà Nẵng và đường bộ thuận tiện. Một số thị trường quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia với phân khúc khách chi trả thấp cũng là một thị phần khách giúp các khách sạn 3 sao tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở lưu trú du lịch, kể cả các cơ sở lưu trú du lịch quy mô nhỏ từ 3 sao trở xuống thu hút khách. Từ tháng 5 đến nay, nhiều cơ sở lưu trú du lịch 3 sao trở xuống có công suất hơn 50%, nhiều khách sạn ven biển đạt 80-90% vào các ngày cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật.
Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ sở lưu trú du lịch đầu tư, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, nhân sự, dịch vụ, vẫn còn một số cơ sở lưu trú du lịch nhỏ gặp khó khăn khi đón khách vì dịch bệnh kéo dài 2 năm, nhiều cơ sở đóng cửa thời gian dài, gặp khó khăn về nguồn vốn, kinh phí đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch hiện nay; khách chủ yếu lựa chọn lưu trú tại các cơ sở ven biển nên những cơ sở xa biển hoặc ở trung tâm thành phố sẽ ít khách, doanh nghiệp không đủ chi phí để tuyển dụng lao động đã qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ.
Vì thế, Sở Du lịch đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo từ cuối tháng 3-2022 đến nay đã tổ chức hơn 17 lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ khách và đăng tải các nội dung đào tạo nghiệp vụ trên website daotaodulichdanang.com để các doanh nghiệp chủ động tham gia tập huấn, đào tạo tại đơn vị; đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chủ động trong việc tuyển dụng và kết nối với các nền tảng tuyển dụng trực tuyến (Vietnamworks, Hoteljobs, Facebook…), chủ động tuyển dụng toàn thời gian và nhân viên thời vụ.
Sắp tới, Sở Du lịch tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch nhằm khuyến khích người lao động ngành du lịch đã có kinh nghiệm trở lại làm việc; đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo, các hiệp hội, hội nghề nghiệp tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng từng cấp độ phục hồi du lịch; tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong kinh doanh lưu trú du lịch.
THU HÀ