Đà Nẵng cuối tuần

RÈN LUYỆN THỂ THAO

Sôi nổi phong trào thể dục dưỡng sinh

08:22, 14/08/2022 (GMT+7)

Thể dục dưỡng sinh giúp người cao tuổi tăng cường thể chất, kiểm soát nhịp thở, duy trì sự dẻo dai cũng như tạo tinh thần sảng khoái, vui vẻ. Qua các bài tập kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, người cao tuổi có thể cải thiện thói quen ăn uống, phòng ngừa những bệnh như Alzheimer (mất trí nhớ), Paskinson (thoái hóa hệ thần kinh), đột quỵ, tim mạch…

Các CLB Dưỡng sinh tại Đà Nẵng tham gia Giải thể dục dưỡng sinh các CLB trên địa bàn thành phố năm 2020. Ảnh: T.Y
Các CLB Dưỡng sinh tại Đà Nẵng tham gia Giải thể dục dưỡng sinh các CLB trên địa bàn thành phố năm 2020. Ảnh: T.Y

Đà Nẵng có gần 200 CLB dưỡng sinh, thu hút hơn 20.000 người cao tuổi tham gia, tạo thành phong trào thể dục thể thao sôi nổi, rộng khắp.

Cải thiện sức khỏe người cao tuổi

Theo thói quen, tầm 5 giờ sáng, bà Lương Thị Hải Như - thành viên CLB Dưỡng sinh quận Liên Chiểu - có mặt tại Công viên Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu. Tại đây, bà Như cùng các thành viên CLB xếp thành những hàng ngang, khởi động cơ thể bằng những động tác đơn giản như lắc bàn chân, giơ tay cao, xoắn hông, xoay người sang hai bên… Khi cơ thể nóng dần, nhóm bắt đầu thực hiện những bài tập dưỡng sinh theo nhịp đếm của hướng dẫn viên.

Bà Như cho hay, điều thú vị nhất trong thể dục dưỡng sinh là các động tác được thực hiện uyển chuyển, kết hợp chuyển động giữa tay và chân theo quy luật cân bằng âm dương, đối xứng, không nhanh, không chậm. Như nhiều phụ nữ trung niên khác, bà Như từng đối mặt với căn bệnh thấp khớp, tê bì tay chân, đau cổ vai gáy, thiếu máu lên não…  Tuy nhiên, sau gần 10 năm theo tập bộ môn dưỡng sinh, sức khỏe của bà cải thiện rõ rệt, tinh thần vui tươi, phấn chấn hơn hẳn.

Hơn 20 năm hoạt động, CLB Dưỡng sinh quận Liên Chiểu thu hút gần 100 hội viên độ tuổi 50-80 tham gia. Bà Vũ Thị Nhu, Phó Chủ nhiệm CLB, đồng thời là hướng dẫn viên bộ môn thể dục dưỡng sinh cho biết, CLB duy trì luyện tập mỗi sáng và mỗi lần kéo dài khoảng 60 phút. Những động tác trong thể dục dưỡng sinh không quá khó, phù hợp với độ tuổi và sức khỏe người cao tuổi. Thông thường, mọi người sẽ tập một số bài cơ bản như khởi động toàn cơ thể, dịch cân kinh, hít thở bằng bụng, kéo giãn cột sống, dưỡng sinh tác động phổi, dưỡng sinh kinh lạc toàn thân, thái cực quyền. Trong điều kiện không thể ra sân, các thành viên được hướng dẫn luyện tập ở nhà, như căng mắt cá chân, nâng gối, vặn mình với ghế…

Theo bà Nhu, người cao tuổi nên tập ít nhất 150 - 300 phút mỗi tuần, nếu có vấn đề sức khỏe, cần trao đổi với bác sĩ về cường độ cũng như bài tập phù hợp. “Thể dục dưỡng sinh là môn thể dục kết hợp nhiều động tác giữa tay và chân, kiểm soát hơi thở, khai thông các huyệt đạo, tác động tốt đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đây là hình thức rèn luyện sức khỏe phù hợp với thể trạng người cao tuổi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Nhu chia sẻ.

Tương tự, phong trào thể dục dành cho người cao tuổi khá phổ biến ở địa bàn quận Thanh Khê khi 10/10 phường có CLB dưỡng sinh. Mỗi CLB tập trung từ 50-70 thành viên hăng say luyện tập, cải thiện sức khỏe. Ông Lê Văn Huấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thanh Khê Đông cho biết, các cấp hội thường xuyên động viên người cao tuổi tham gia tập dưỡng sinh cải thiện sức khỏe. Bên cạnh những động tác đơn giản, thuần túy, các thành viên chú ý nhiều hơn kỹ thuật biểu diễn, nâng cấp bài tập từ dễ đến khó, theo nhạc đệm.

“CLB Dưỡng sinh phường Thanh Khê Đông hoạt động thường xuyên, sôi nổi, tạo thành phong trào thể dục thể thao cho người cao tuổi. Ngoài cải thiện sức khỏe, thể dục dưỡng sinh giúp các thành viên CLB gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tuổi già, như ăn uống, vận động hợp lý, ngủ đủ giấc, bớt lo âu…”, ông Huấn cho hay.

Lắng nghe cơ thể

Để thu hút người cao tuổi tham gia luyện tập dưỡng sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, định kỳ hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố tổ chức Giải thể dục dưỡng sinh các CLB trên địa bàn. Trung bình mỗi giải đấu thu hút khoảng 400 vận động viên đến từ 24 CLB dưỡng sinh tham gia tranh tài các nội dung như bài quy định 7 động tác (56 nhịp đếm) và bài tự chọn kết hợp kiếm, quạt, dây, gậy, chùy, đao… Ngoài trao giải cho đội có thành tích cao, Ban tổ chức còn dành phần thưởng cho vận động viên cao tuổi nhất.

Ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhìn nhận: Hiện nay, phong trào thể dục dưỡng sinh trên địa bàn thành phố phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều CLB có sự đầu tư về con người, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu giao lưu, cải thiện sức khỏe. Đồng hành với sự phát triển của phong trào, hằng năm, Trung tâm Thể dục thể thao người lớn tuổi thành phố kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao các quận, huyện mở lớp bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn thể dục dưỡng sinh cho hướng dẫn viên các CLB.

Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu và thực hành khoa học dưỡng sinh Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng năng lượng sinh học (được gọi là dưỡng sinh trường sinh học) trong việc nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng cho người già.

Ông Nguyễn Bá Đức, Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh trường sinh học quận Liên Chiểu (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Liên Chiểu) cho biết, CLB ra đời vào năm 2016, thu hút gần 500 thành viên luyện tập. Mục đích của việc thực hành dưỡng sinh trường sinh học là chữa bệnh không dùng thuốc bằng cách tạo sự cân bằng trong cơ thể. Các động tác của dưỡng sinh trường sinh học được xây dựng trên nền tảng khoa học, giúp cơ thể đi vào trạng thái thư giãn, hướng nội và giảm những triệu chứng về huyết áp, mất ngủ, trầm cảm…

“Nói đơn giản, dưỡng sinh trường sinh học là hành động thiền kết hợp bấm huyệt giúp con người tĩnh tâm, trí tuệ minh mẫn, từ đó giảm căng thẳng và xử lý mọi việc ở tâm thế bình thản, an nhiên”, ông Đức nói.

Tham gia CLB Dưỡng sinh trường sinh học quận Liên Chiểu từ ngày đầu thành lập, ông Lương Công Chính chia sẻ, cơ thể khỏe hơn khi thường xuyên thực hành các động tác dưỡng sinh, thiền kết hợp bấm huyệt theo hướng dẫn của bác sĩ đông y. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ phương pháp này, ông Chính động viên 6 người thân trong gia đình tham gia luyện tập, chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày các thành viên dành khoảng 60 phút tập thể dục, thiền dưỡng sinh. Nhờ duy trì thường xuyên, sức khỏe của gia đình cải thiện, đời sống tinh thần nâng cao.

“Tập dưỡng sinh cũng cần lắng nghe cơ thể, bảo đảm phù hợp với điều kiện thời tiết, sức khỏe, theo quy trình giúp cơ thể lưu thông máu huyết, tạo thế cân bằng. Có thể nói, đây là bộ môn quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Bên cạnh đó, cần chú ý chế độ ăn uống, sống tích cực, gần gũi nhằm tạo niềm vui cho mình và mọi người xung quanh”, ông Chính bày tỏ.

HUỲNH LÊ

.