Đà Nẵng cuối tuần
Lan tỏa lối sống tích cực đến với cộng đồng
Để lan tỏa lối sống đẹp và tích cực của văn hóa Thụy Điển trong giới trẻ, ngày 6 và 7-8, tổ chức Mạng lưới du học sinh Thụy Điển tại Việt Nam (Sweden Alumni Network Vietnam - SANV) thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển đã phối hợp với nhiều đơn vị tại Đà Nẵng tổ chức các hoạt động bổ ích và ý nghĩa, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Các bạn trẻ tham gia trao đổi sách vở, quần áo do Mạng lưới du học sinh Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: Đ.L |
Chị Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch SANV cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 400-500 học sinh, sinh viên đã và đang du học ở Thụy Điển. Mỗi năm, SANV tổ chức hơn 10 hoạt động liên quan đến chủ đề bình đẳng giới, phát triển bền vững... Năm nay, trong Tuần lễ thúc đẩy phát triển bền vững, SANV phối hợp Sở Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (DaNang MRCC), Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Đoàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), CLB Sub Đà Nẵng… tổ chức các hoạt động chạy bộ nhặt rác, vệ sinh đáy biển, trao đổi áo quần, sách vở cũ… nhằm lan tỏa tới cộng đồng ở Đà Nẵng về văn hóa Thụy Điển và thúc đẩy phát triển bền vững.
“Hoạt động này đã được chúng tôi tổ chức từ năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang và tiếp tục triển khai rộng khắp các tỉnh, thành khác trong cả nước để kêu gọi các du học sinh Việt Nam đã và đang học ở Thụy Điển lan tỏa văn hóa tích cực của Thụy Điển đến giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung. Đà Nẵng là thành phố du lịch nên chúng tôi mong muốn thông qua các hoạt động của mình sẽ góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”, chị Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
Sử dụng sách và quần áo cũ
Một trong những hoạt động ý nghĩa của SANV được các bạn trẻ Đà Nẵng hưởng ứng là Clothes & Book Swap tại quán cà phê Wonderlust (96 Trần Phú, Hải Châu) khi các bạn trẻ mang đến các món đồ cũ không dùng đến để đổi lấy các món đồ khác mình cần, bao gồm: sách cũ về các lĩnh vực khoa học, văn học, sách giáo khoa và quần áo cũ còn sử dụng tốt.
Tham gia hoạt động này, chị Hoàng Thu Hường, nhân viên văn phòng tại quận Sơn Trà, cho biết: “Tôi rất vui vì thấy mọi người chọn áo quần của mình khi tôi mang tới đây. Tôi cũng lựa chọn được một vài chiếc áo quần từ đồ cũ mà các bạn mang tới. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa thông qua việc tái sử dụng đồ cũ để tránh lãng phí”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Thông, sinh viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Em biết đến hoạt động này qua Facebook và cũng chọn được cho mình một vài cuốn sách thú vị. Những cuốn sách tiếng Anh ở đây vừa có hình ảnh và màu sắc rất đẹp khiến mình cảm thấy hứng thú hơn với việc học tiếng Anh”.
“Fika là hoạt động văn hóa cà phê của người Thụy Điển. Green Fika sẽ kết hợp uống cà phê và những hoạt động thân thiện với môi trường. Do đó, buổi Clothes & Book Swap tại quán cà phê Wonderlust nhằm tăng vòng đời sử dụng sách và quần áo cũ để hướng tới nhiều người sử dụng hơn. Số quần áo còn thừa trong buổi Clothes & Book Swap sẽ được gom lại gửi về UBND phường Thọ Quang để tổ chức chương trình “Ai cần thì lấy” tại Nhà văn hóa phường. Số lượng sách dư cũng được tập trung để xây dựng nguồn sách cho Trường Mầm non Rạng Đông và thư viện sách phường Thọ Quang”, chị Nguyễn Minh Châu cho biết thêm.
Chạy bộ nhặt rác, dọn vệ sinh bãi biển
Cùng với đó, hoạt động Beach Plogging - Chạy bộ nhặt rác và dọn vệ sinh bãi biển, cũng được các bạn trẻ ở DaNang MRCC, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, CLB Sub Đà Nẵng tham gia.
Anh Nguyễn Trung Đức, Bí thư Chi đoàn DaNang MRCC cho biết: “Qua hoạt động này, chúng tôi học cách làm việc nhóm để giải quyết những vấn đề đặt ra. Các bạn đoàn viên, thanh niên và thuyền viên của DaNang MRCC đã tham gia chạy bộ nhặt rác và vệ sinh đáy biển. Chúng tôi đã chạy dọc bãi Nam bán đảo Sơn Trà khoảng 1,2km và lặn biển ở hòn Sụp để dọn rác khoảng 200m2 ở đáy biển. Đặc biệt, công việc lặn biển nhặt rác khá vất vả vì phải làm sao để không làm hỏng rạn san hô và cảnh quan dưới đáy biển. Thông qua hoạt động dọn dẹp vệ sinh kết hợp với chạy bộ vừa rèn luyện sức khỏe bản thân, vừa góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái biển”.
Plogging là sáng kiến đến từ Thụy Điển với hy rọng sẽ có nhiều người tạo ra những thay đổi tích cực cho môi trường sống bằng cách nhặt rác trong khi tập thể dục, cụ thể hơn là chạy bộ. Đây là một hình thức tập thể dục dễ thực hiện và thân thiện với môi trường. Việc thực hành Plogging đã lan tỏa tới hơn 40 quốc gia như Mỹ, Cannada, Ấn Độ, Philippines, Úc, Thái Lan… và Việt Nam.
Mặc dù được tổ chức lần đầu tại Đà Nẵng nhưng hoạt động Beach Plogging đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không chỉ ở bãi biển mà còn dưới đại dương, đồng thời lan tỏa văn hóa sống tích cực của Thụy Điển tới cộng đồng ở Đà Nẵng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
ĐOÀN LƯƠNG