Đà Nẵng cuối tuần

Múa cọ trên nón lá

14:50, 10/09/2022 (GMT+7)

Mặc dù không qua trường lớp hội họa nào nhưng anh Phan Quang Nhật (30 tuổi, trú phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẽ lên nón lá những địa điểm nổi tiếng của thành phố Huế như: chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, sông Hương, núi Ngự Bình, hay hình ảnh cô gái, con đò, cánh cò, đồng quê…

Anh Phan Công Nhật (thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh cùng gia đình người Bỉ đến tham quan và vẽ tranh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Phan Công Nhật (thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh cùng gia đình người Bỉ đến tham quan và vẽ tranh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mô hình du lịch nghệ thuật “Nhà vẽ nón lá” của anh Nhật tại kiệt 373 Bùi Thị Xuân (phường Thủy Biều) thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tự vẽ tranh.

Rẽ nghề

Nhật mê vẽ tranh nhưng không đủ điều kiện theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Sau khi học hết lớp 9, Nhật quyết định học nghề vẽ tranh lụa. Sau 7 năm vẽ tranh lụa, anh bỏ nghề vì không còn phù hợp. Một buổi chiều dạo trên cầu Trường Tiền, Nhật thấy các cô gái mang áo dài, đội nón lá truyền thống chụp ảnh. Anh cảm nhận chiếc nón lá nếu được tô điểm thêm hình ảnh sẽ bắt mắt và độc đáo hơn. Thế là anh có ý tưởng đưa họa tiết lên nón lá. Quan trọng hơn, anh nhận ra du khách thường loay hoay khi chọn mua một món quà lưu niệm mang đậm xứ Huế. Việc vẽ phong cảnh của Huế lên nón lá là cách để du khách lưu lại kỷ niệm.

Thế nhưng, Nhật gặp trở ngại khi chuyển sang vẽ trên nón. Vẽ trên lụa, màu thấm nhanh; còn vẽ trên nón, màu dễ bị lem, chảy ngược xuống. Vẽ tranh trên nón đòi hỏi họa sĩ phải cảm nhận màu sắc thực và học cách pha màu. Nhật mất hơn 2 năm tìm cách pha màu hài hòa và giữ màu không bị chảy. “Mình không cho phép bỏ cuộc vì đam mê, khi vẽ tranh thì cảm giác mình là chính mình, sự thoải mái giúp mình nạp năng lượng để sáng tạo mỗi ngày. Đến lúc vẽ được chiếc nón hoàn chỉnh, mình đăng lên mạng xã hội và được mọi người khen, mình rất thích thú. Từ đó, mình quyết tâm sống với nghề và cố gắng vẽ những chiếc nón đẹp hơn”, Nhật nhớ lại.

Trải nghiệm tự vẽ tranh

Nhật chia sẻ, vẽ tranh trên nón có 3 bước: sơn màu nền cho nón; phác họa khi khô màu nón; vẽ chi tiết hoàn thiện. Nón vẽ xong được phơi nắng khoảng 10 phút, vào mùa mưa thì sử dụng phương pháp sấy. Mỗi ngày Nhật vẽ 20 chiếc nón, thời gian hoàn thành 20 phút/chiếc và bán với giá 100.000 - 150.000 đồng tùy mẫu khách lựa chọn. Ngoài vẽ nón, Nhật còn vẽ trên lồng đèn, nia tre… Nhờ quảng bá qua Facebook và Zalo, Nhật được khách hàng đón nhận và lượng nón tiêu thụ ổn định. Nhiều cửa hàng lưu niệm trong nước tìm đến Nhật đặt mua nón lá…

Sau 5 năm vẽ tranh trên nón lá, Nhật mong muốn ai cũng có thể thử sức với bộ môn này. Nhật tận dụng căn nhà mình sinh sống cạnh hồ sen nên thơ, có những lũy tre xanh mát để mở mô hình du lịch nghệ thuật “Nhà vẽ nón lá” (kiệt 373 Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều) vào tháng 2-2022. Vào ngày lễ hay cuối tuần, căn nhà nhỏ lại rộn ràng tiếng cười nói của du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tự vẽ tranh.

Chị Phạm Như Ý, du khách đến từ Nha Trang chia sẻ: “Nhóm mình đến Huế du lịch, tình cờ biết mô hình “Nhà vẽ nón lá”. Dưới sự hướng dẫn của anh Nhật, mình hoàn thiện chiếc nón với hình ảnh chùa Thiên Mụ xinh đẹp chỉ 20 phút”.

Một gia đình người Bỉ hào hứng vẽ nón lá có họa tiết quốc kỳ Bỉ và Việt Nam, bên cạnh là hình ảnh cô gái lái đò trên dòng sông Hương. Những chiếc nón do khách tự vẽ sẽ lưu lại ký ức của họ ở Huế và theo chân họ ngao du khắp nơi trên thế giới.

Mới đây, Nhật xuất hiện chia sẻ chuyện nghề trong chương trình “Cà phê sáng” trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là động lực để anh tiếp tục chặng đường phía trước. “Vẽ tranh trên nón tạo cho mình niềm vui mỗi ngày và có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Mình mong muốn trong tương lai sẽ mở rộng địa điểm vẽ tranh và đưa nón lá xứ Huế đi khắp thị trường trong và ngoài nước”, Nhật cho hay.

HUỲNH TƯỜNG VY

.