Đà Nẵng cuối tuần
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa: 'Tôi muốn mảng tranh dân gian hoàn thiện hơn'
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa tiếp nhận bộ sưu tập 145 tranh dân gian do nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội hiến tặng. Đây là việc làm có ý nghĩa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống quý báu có nguy cơ bị mai một, đồng thời lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật cho bảo tàng của các nhà sưu tầm tư nhân trên cả nước.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Ảnh: Đ.L |
* Thưa bà, nhân duyên nào khiến bà quan tâm đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và trao tặng bộ sưu tập tranh dân gian có giá trị trong đợt này? Bộ sưu tập tập trung những mảng đề tài gì? Bà hãy kể về quá trình sưu tập nó?
- Trong một dịp du lịch đến thành phố Đà Nẵng, tôi được tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong số những bảo tàng có diện tích rộng, vị trí ở trung tâm thành phố, chuyên môn tốt, trưng bày đẹp. Trong bảo tàng có một vị trí dù là khiêm tốn, trưng bày tranh dân gian làng Sình. Đây là một trong những bảo tàng chú trọng mảng tranh dân gian, mà tôi vừa là nhà nghiên cứu, vừa là người sưu tập tranh dân gian. Tôi muốn bổ sung mảng tranh dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho hoàn thiện hơn, giúp tiếp cận với người dân thành phố Đà Nẵng cũng như khách tham quan du lịch.
Bộ sưu tập tranh lần này bao gồm: Tranh dân gian đồ thế vẽ tay Huế, tranh dân gian kính Huế, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng. Bên cạnh việc hiến tặng bảo tàng tranh dân gian, tôi cũng sẽ cung cấp các tư liệu về các dòng tranh dân gian. Trước mắt đó là các sách về tranh dân gian: Tranh dân gian Huế, tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian đồ thế Việt Nam, tranh dân gian Kim Hoàng.
Tôi bắt đầu sưu tập tranh từ năm 2008 và bắt đầu nghiên cứu tranh dân gian từ năm 2015. Tranh dân gian mang tính dân tộc, đặc trưng cho từng vùng, một trong các đề tài của tranh dân gian là về tín ngưỡng. Việc làm rõ chức năng của tranh dân gian mất rất nhiều thời gian và công sức. Mảng đề tài nghiên cứu của tôi lại là tranh dân gian ở các vùng miền trải dài theo chiều dài đất nước nên quá trình sưu tập rất vất vả.
* Tranh dân gian hiện nay được nghiên cứu và bảo tồn như thế nào ở nước ta? Nó có ý nghĩa gì đối với đời sống văn hóa xã hội hiện nay, nhất là với lớp trẻ?
- Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và tranh kính có rất nhiều nghiên cứu độc lập. Tuy nhiên, tranh dân gian Việt Nam có khoảng 30 dòng tranh dân gian, đó là một khoảng trống rất lớn mà chưa có một nghiên cứu dày công nào. Dưới tốc độ hiện đại hóa, sống nhanh, tranh dân gian Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu không có những nghiên cứu, sưu tập để giữ gìn, bảo tồn thì e rằng đến một lúc nào đó, tranh dân gian bị xóa sổ hoặc được làm công nghiệp thì đó là một sự xót xa, tiếc nuối. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm hệ thống, tổng kết, nghiên cứu, so sánh… để lưu lại những hình ảnh, lịch sử, các nghệ nhân, kỹ thuật sản xuất tranh… Qua việc làm đó, nâng giá trị của tranh dân gian trong mỗi bức tranh dù chỉ được bán với giá 30.000 đồng, nhưng đó lại là hồn cốt, công sức của cả một dân tộc.
Bé cưỡi trâu thả diều - Tranh dân gian Đông Hồ. |
Hiện nay, các bạn trẻ đang có phong trào hướng về các giá trị truyền thống, đó là điều may mắn. Tuy nhiên, thay vì treo tranh như những người trên 30 tuổi thì các nhà thiết kế đã lồng ghép tranh dân gian vào các sản phẩm dân dụng như áo quần, trang trí trên sản phẩm gốm sứ, vẽ trên tường… Người trẻ yêu tranh dân gian một cách khác và theo tôi, cách yêu nào cũng quý, cũng đáng được trân trọng.
* Được biết, bà sẽ tiếp tục trao tặng bộ sưu tập tranh dân gian cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đợt 2 vào tháng 11. Vậy những bức tranh tiếp theo là về chủ đề gì? Theo bà, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cần làm gì để bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị văn hóa những bộ tranh dân gian độc đáo này?
- Trong năm 2022, tôi dự định sẽ làm phong phú, đầy đủ hơn với tranh dân gian đồ thế Nam Trung Bộ (trong đó có tỉnh Quảng Nam), tranh dân gian kính Khơ me, tranh dân gian kính người Hoa - Nam Bộ và tranh dân gian dân tộc thiểu số phía Bắc.
Tôi luôn nghĩ rằng, tranh dân gian của mỗi địa phương được trưng bày nơi nó sinh ra, tồn tại và phát triển sẽ phát huy tác dụng tốt nhất. Ở trường hợp tỉnh Quảng Nam, người dân thường dùng hai loại tranh: tranh dân gian đồ thế làng Sình (Huế) trong các lễ nghi vòng đời và tranh dân gian đồ thế Nam Trung Bộ dùng trong các nghi lễ dành cho nghề ngư nghiệp.
Để bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị văn hóa của những bộ tranh này thì cần làm thông tin tư liệu cho từng bộ tranh, nêu bật chức năng tín ngưỡng của từng bộ tranh, qua đó người xem có thể hiểu được phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như tư duy thẩm mỹ của người dân Quảng Nam nói riêng, người dân Trung Bộ nói chung.
* Trân trọng cảm ơn bà!
ĐOÀN LƯƠNG