Đà Nẵng cuối tuần
Nỗi đau vẫn chưa nguôi
Indonesia và Úc vừa tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom kép trên đảo Bali ngày 12-10-2002. Tròn 20 năm trôi qua, nỗi đau vẫn còn đó bởi có đến 202 người chết, trong đó có 88 công dân Úc, 38 công dân Indonesia.
Ông Andrew Csabi (công dân Úc) sống sót trong vụ đánh bom năm 2002 đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong buổi lễ ở Lãnh sự quán Úc tại thành phố Denpasar trên đảo Bali của Indonesia. Ảnh: Reuters |
Các buổi lễ tưởng niệm diễn ra đồng thời ở một số địa phương của Úc, Lãnh sự quán Úc tại thành phố Denpasar trên đảo Bali và khu vực gần hiện trường xảy ra các vụ đánh bom kép ở thiên đường du lịch này. Nhiều người đến thắp nến và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân. Tại Úc, 88 con chim bồ câu trắng được thả lên bầu trời tượng trưng cho 88 công dân nước này đã thiệt mạng.
Ám ảnh
Ngày 12-10-2002, Hayati Eka Laksmi (32 tuổi) nhận ra sự bất thường vì chồng là Imawan Sardjono không về nhà sau ca làm đêm. Sardjono là nhân viên cứu hỏa 33 tuổi tại Sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali. Trước khi vào ca đêm, Sardjono thuê một ô-tô chở anh rể và hai người bạn đi ngắm cảnh ở đảo du lịch nổi tiếng nhất của Indonesia. Cả ba ăn tối cùng nhau rồi trở về khách sạn gần CLB Sari ở Kura - thị trấn du lịch sầm uất, có các bar và nhà hàng vốn là mục tiêu tấn công của các thành viên Jemaah Islamiyah (JI) - tổ chức khủng bố có liên quan Al-Qaeda.
Mảnh vỡ của chiếc xe mà Sardjono thuê đã được tìm thấy bên ngoài câu lạc bộ Sari. Chiếc xe bị phá hủy và Sardjono, anh rể cùng hai người bạn có thể đã thiệt mạng.
Giờ đây, bà Laksmi (52 tuổi) vẫn nhớ như in ngày mà bà lao đến các bệnh viện địa phương ở Denpasar nhưng không tìm thấy thi thể chồng. Bà đến khu vực gần CLB Sari, trên mặt đất đầy những mảnh vỡ, bà phát hiện một chiếc giày của Sardjono. “Tôi mang chiếc giày về nhà như một bằng chứng. Tôi nói với các con rằng cha của chúng không thể trở về nhà nữa nhưng bọn trẻ không chấp nhận điều đó”, bà Laksmi kể với hãng tin Al Jazeera.
Bảy ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom kép, Laksmi mới tìm thấy thi thể của chồng tại một bệnh viện địa phương và nhận dạng được nhờ bộ đồng phục nhân viên sân bay. Bà Laksmi chia sẻ: “Chúng tôi đưa thi thể về nhà, nhưng mọi chuyện chưa kết thúc mà chỉ mới bắt đầu. Bọn trẻ nói rằng đó không phải là cha, cha vẫn đi làm việc. Tôi phải lý giải với các con, một đứa 3 tuổi và một đứa 2 tuổi, rằng đó chính là cha các con”.
Con trai lớn của bà Laksmi cam kết nỗ lực để trở thành thành viên của Densus 88 - cơ quan chống khủng bố của Indonesia. Còn người con trai út tìm giải pháp cân bằng tâm lý bằng việc vẽ. Song, lúc mới cầm bút vẽ, anh chỉ vẽ màu đen. “Con tôi lý giải rằng, vì mọi thứ đều bị cháy”, bà Laksmi kể.
Cảnh sát xác định xe của Sardjono đã đi phía sau chiếc xe tải do một kẻ đánh bom JI điều khiển bên ngoài CLB Sari, cách bar Paddy chưa đầy 40m. Kẻ này đã cho nổ chiếc xe tải và một vụ nổ khác xảy ra gần như đồng thời tại bar Paddy đã san phẳng địa điểm này cùng CLB Sari. Ô-tô, xe máy bị giật tung khỏi mặt đất và tiếng nổ mạnh đến mức ở khu vực cách đó 9km vẫn có thể nghe thấy những tiếng nổ. Một quả bom thứ ba đã được cài bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ nhưng không được kích hoạt đúng cách nên không gây thương vong.
Làn sóng bạo lực
Trong phiên tòa vào tháng 11-2008, ba phần tử của JI là Mukhlas, Amrozi và Imam Samudra đã bị xử bắn vì vai trò chủ chốt trong vụ tấn công ở Bali. Kẻ thứ tư là Umar Patek bị kết án 20 năm tù giam. Các công tố viên quyết định không yêu cầu hình phạt xử bắn với Patek do y đã tỏ ra hối hận trong suốt quá trình điều tra.
Umar Patek, biệt danh “kẻ hủy diệt”, thú nhận đã trộn hóa chất để chế tạo bom dùng trong vụ đánh bom CLB Sari và bar Paddy. Tháng 8-2022, Patek làm đơn xin ân xá. Song, các nhà chức trách Indonesia cho biết, chưa có gì bảo đảm tên này sẽ được trả tự do sớm trong lúc chính phủ Úc đang gây áp lực đòi Jakarta tiếp tục giam giữ đối tượng này.
Vụ đánh bom ở Bali do JI thực hiện khơi mào một làn sóng bạo lực tại Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới. Ba năm sau, một vụ đánh bom khác ở hòn đảo du lịch này đã làm 20 người chết. Hàng loạt vụ tấn công sau đó trên khắp Indonesia nhằm vào một Đại sứ quán, các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, nhà thờ, thậm chí cả các trụ sở cảnh sát.
Giờ đây, Indonesia vẫn nỗ lực chống khủng bố. Quốc gia Đông Nam Á này đã thành lập cơ quan chống khủng bố mang tên Densus 88. Tính đến nay, tổng cộng hơn 2.300 người đã bị bắt vì các cáo buộc khủng bố.
"Hai mươi năm trước, một hành động có tính toán và man rợ đã cướp đi sinh mạng của 202 người trên thế giới, trong đó có 88 công dân Úc. Hai mươi năm trôi qua, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai” Thủ tướng Úc Anthony Albanese |
KHÁNH LINH (theo Al Jazeera, ABC News)