Đà Nẵng cuối tuần

Nếp nhà thời hội nhập

05:53, 25/09/2022 (GMT+7)

Nguyễn Đình Chiểu - người Việt Nam được 4 quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng giới thiệu để UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vào tháng 11-2021 vinh danh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại - từng viết về nếp nhà, đạo nhà thời hội nhập trong hai câu mở đầu bài thơ Thà đui: Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ. Đương nhiên thông điệp nghệ thuật và cũng là thông điệp chính trị của cụ Đồ Chiểu không dừng ở phạm vi gia đình, không chỉ nói về chuyện gia phong, gia đạo mà còn và chủ yếu là nói về chuyện đất nước, “ông cha” ở đây là tổ tiên mà cũng là Tổ quốc!

Nếp nhà, đạo nhà thời nào cũng quan trọng nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, cần đề cao và giữ gìn hơn cả là vào những thời điểm đất nước đang hội nhập sâu rộng với văn hóa thế giới. Muốn đất nước hòa nhập mà không hòa tan, rất cần những điểm tựa vững chắc, và một trong những điểm tựa ấy chính là nếp nhà. Thực ra, bản thân nếp nhà không nhất thành bất biến, cũng không ngừng thay đổi theo thời gian - nếp nhà của các gia đình tứ đại hay tam đại đồng đường phổ biến ở thế kỷ trước không hoàn toàn giống với nếp nhà của các gia đình hai thế hệ ngày nay. Có điều, thay đổi đến mấy thì người Việt đương đại vẫn cố giữ nếp nhà của mình. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà hơn 10 năm trước, bộ phim truyền hình Nếp nhà - câu chuyện về một gia đình Hà Nội gốc có ba thế hệ - dài 43 tập của đạo diễn Vũ Trường Khoa từng cuốn hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ kênh VTV1.

Như vừa nói trên, bản thân nếp nhà không nhất thành bất biến mà ngược lại không ngừng thay đổi theo thời gian, đó cũng là điều hợp quy luật. Đi dự nhiều đám cưới, khi nghe trên sân khấu vang lên câu: “Được sự đồng ý của hai bên gia đình…” - hàm ý “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, người viết bài này thường có cảm giác có cái gì thiêu thiếu, thậm chí… sai sai. Nếp nhà thời nay cho phép trong hôn nhân đại sự, trong chuyện về chung một nhà, mặc dầu đôi bạn trẻ vẫn rất cần được sự đồng ý của hai bên gia đình - có thêm yếu tố đồng thuận của các bậc sinh thành thì quá tốt, nhưng có lẽ yếu tố tiên quyết vẫn là sự đồng ý của chính… đôi bạn trẻ. Đặc biệt, nếu đôi bạn trẻ… không đồng ý thì chắc cũng khó có khả năng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, bởi lẽ cha mẹ không đặt thì con… vẫn cứ ngồi, thậm chí không ít trường hợp con đặt đâu… cha mẹ ngồi đó! Thực tế chứng tỏ hôn nhân sắp đặt - thậm chí hôn nhân áp đặt - đã lỗi thời và trên khía cạnh này, nếp nhà của người Việt ngày nay cần phải thay đổi sao cho phù hợp với xu thế thời đại.

Cụ Đồ Chiểu gắn việc giữ nếp nhà, đạo nhà với việc thờ ông cha - hàm ý giữ nếp nhà phải đi liền với tôn trọng huyết thống. Điều này cũng phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á, có điều không nước nào trên thế giới - ngoại trừ Việt Nam - dùng một từ đầy sắc thái huyết thống để chỉ người chung một nước, cùng một quốc tổ là từ đồng bào. Chính vì thế mà “họ chín đời chẳng rời nhau ra” - đương nhiên họ ở đây là họ nội. Và người Việt đương đại đang có xu hướng khắc phục nhược điểm “hậu nội bạt ngoại” này trong tư duy huyết thống của ông cha xưa, trong đó có chuyện đặt tên con theo họ kép - họ cha trước họ mẹ sau. Người con gái của cụ Phan Châu Trinh là bà Phan Thị Châu Liên lấy chồng là ông Lê Ấm, sinh con là nhà ngoại giao Lê Thị Kinh thường lấy tên là Phan Thị Minh và nhà văn Lê Khâm thường ký bút danh là Phan Tứ; em bà Phan Thị Châu Liên là bà Phan Thị Châu Lan lấy chồng là ông Nguyễn Đồng Hợi, sinh con là nhà ngoại giao Nguyễn Thị Châu Sa - tên khai sinh của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình… Thậm chí, người viết bài này có ông bạn họ Lê lấy vợ cũng họ Lê, sinh con gái đầu lòng định đặt tên Thanh Anh và rất muốn đặt tên con theo họ kép để thể hiện quan điểm bình đẳng giới - nhưng chẳng lẽ lại… Lê Lê Thanh Anh nghe trùng lắp quá. Tiếp tục suy nghĩ theo xu hướng đổi mới tư duy huyết thống ấy, cuối cùng ông bạn tôi đã đặt cho con gái cái tên rất thuyết phục và góp phần đưa mình vào danh sách các “ông chồng quốc dân”: Lê Mai Thanh Anh, Mai chính là họ của bà ngoại cháu…

Làm gì cũng cần sự nêu gương của người bề trên, như trong trường học, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, việc gìn giữ nếp nhà càng không thể ngoại lệ. Ngày làm quan Tổng đốc Hà Ninh, cụ Hoàng Diệu gửi về biếu mẹ già ở quê nhà một tấm vải lụa để mẹ may áo, nào ngờ bị bà cụ gửi trả và kèm theo một chiếc roi dâu hàm ý nhắc nhở con trai làm quan phải liêm khiết, phải hết lòng lo cho dân cho nước… Ngày nay, ở nhà thờ cụ Hoàng Diệu tại xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), câu chuyện tấm lụa và chiếc roi dâu này được ghi lại trong một bức tranh tường không chỉ là nếp nhà cao quý đáng tự hào và cần gìn giữ của con cháu nội ngoại họ Hoàng làng Xuân Đài, mà còn là bài học nóng hổi tính thời sự với đông đảo du khách thập phương đến viếng lăng mộ người giữ thành Hà Nội năm xưa. Cho nên, nếp nhà phải bắt đầu từ ông bà, cha mẹ và cả anh chị trong gia đình: Cha mẹ luôn tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, chắc chắn con cái cũng sẽ luôn tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ; anh chị luôn tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, chắc chắn các em cũng sẽ luôn tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ ông bà như vậy... 

Nếp nhà là một di sản văn hóa phi vật thể của người Việt. Và nếu gia cảnh rất đa dạng - “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, thì nếp nhà và cách gìn giữ nếp nhà của các gia đình Việt Nam thời hội nhập cũng vô cùng phong phú. Thế nhưng, khác nhau đến mấy, thay đổi đến đâu thì mẫu số chung của nếp nhà Việt Nam ngày nay vẫn phải bảo đảm 4 yếu tố cốt lõi: Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương và Chia sẻ. Trong đó, theo tôi yếu tố cốt lõi nhất là Yêu thương. Đây cũng là 4 nguyên tắc cơ bản trong bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hồi đầu tháng 2 năm nay nhằm tạo hành lang pháp lý để nếp nhà Việt Nam mãi mãi trường tồn cùng đất nước.

Một nhân vật trong truyện ngắn Nếp nhà của cố nhà văn Nguyễn Khải đăng trên Báo Nhân Dân hồi tháng 5-2005 đã nói: “Con người ta ai ai cũng có phần thiện phần ác. Muốn dưỡng thiện diệt ác thì trong nhà phải có gia pháp, ngoài xã hội phải có luật pháp. Trong gia pháp có phần truyền thống và danh dự của dòng họ, có phần đạo đức của người trên và nghĩa vụ của kẻ dưới. Gia pháp cũng phải theo thời mà điều chỉnh, quá ngược với thời thế thì con cháu khó theo, quá xu mị thời thế thì bỏ mất gốc rễ”.

TRẦN NGUYÊN HẬU 

.