Đà Nẵng cuối tuần

BẢO TỒN VĂN HÓA CHĂM

Kỳ bí di tích Hời

07:54, 16/10/2022 (GMT+7)

Đưa tay vạch đám cây dại mọc lan ra lối mòn dẫn lên “Hố thiêng”, ông Lê Kim Chúng giải thích vì sao nơi này từng có tên là Xóm Cấm, mặc dù địa danh hành chính hiện nay là tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ: “Chỗ ni xưa có nhiều chuyện lạ lùng liên quan tới người Hời, không ai dám bén mảng. Riết một hồi thành Xóm Cấm”.

Ông Lê Kim Chúng bên một tượng Chăm đã gãy đổ còn sót lại.  Ảnh: V.T.L
Ông Lê Kim Chúng bên một tượng Chăm đã gãy đổ còn sót lại. Ảnh: V.T.L

Từ đời ông nội đến đời ông Chúng đều biết đây là nơi người Chăm - bà con địa phương quen gọi là người Hời - sinh sống. Đưa chúng tôi đến bên một bờ đất thấp gần nhà mình, ông nói trước năm 1975, chính quyền chế độ cũ cho đào mương làm “ấp chiến lược” xuyên qua đây làm lộ ra một đường gạch, những hòn đá cổ xếp chồng lên nhau của cư dân Hời xưa.

Hồi đó, nghe đến Hời là ai nấy cảm thấy một luồng gió lạnh chạy dọc sống lưng. Cả vùng còn hoang vu, đêm đêm tiếng gió rít qua kẽ lá cùng với tiếng chó tru xa xa gợi lên những hình ảnh rùng rợn, kỳ bí của những thần thoại xa xưa. Ngôi miếu Bà kế bên những ngày sóc, vọng lại lập lòe đóm lửa và phảng phất mùi hương của những người có lòng đến viếng.

1. Sau năm 1975, HTX Nông nghiệp xã Hòa Thọ (cũ) cho san ủi một phần khu đất này để làm trại chăn nuôi, người dân các nơi rủ nhau về đây ở, ít ai biết đến những bí ẩn còn giấu trong lòng đất; trong số đó có bà Lê Thị Út, ông Chúng gọi bằng chị con nhà bác ruột.

Bấy giờ chỉ mỗi nhà bà nằm chơ vơ nơi rìa xóm, hoang vu, hiu quạnh. “Tối tối, rắn, rết, chuột rủ nhau bò từng bầy vô nhà. Mà lạ lắm, tụi hắn không cắn ai, vô một hồi là kéo nhau đi ra. Thằng út tui hồi đó mới hơn 1 tuổi, có lần lon ton giẫm chân lên con rắn mà hắn không làm chi, im re bò ra khỏi nhà”, bà nhớ lại. Lớn lên, cu út thỉnh thoảng nghe có tiếng lạo xạo như có bước chân người qua lại, hoặc tiếng đá rơi lột rột, ra nhìn quanh quất lại không thấy chi. Có lần nó thấy ngoài trời cả trăm con mắt chăm chăm nhìn về hướng miếu Bà. Bản thân bà cũng gặp không ít chuyện tương tự: “Cứ tới ngày hội của họ (cách bà gọi người Chăm, người Hời - NV), tui nghe có tiếng hát hò xí la xí lô, tiếng bước chân đều đều như là đang múa. Nghe miết rồi cũng quen, không còn sợ hết hồn như trước nữa”. 

Năm 2011, bà nhượng miếng đất bên cạnh cho một người đến mua làm nhà. Thợ nề đào móng thấy lộ ra nhiều viên gạch Hời và một pho tượng cổ bằng đá sa thạch đầu người mình chim. Theo lời cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thì đây là tượng chim thần Kinnari trong thần thoại Hindu và Phật giáo ở Ấn Độ. Từ phát hiện quan trọng này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức khai quật khảo cổ khẩn cấp và đặt tên là “Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ”.

Bà Út, do nhà nằm trong khu vực ranh giới bảo vệ di tích, 3 năm trước đã dời ra đường Nguyễn Đức Thiệu. Khu đất nhà cũ của bà giờ phủ đầy cây dại, cỏ hoang. Rêu xanh loang lổ trên những viên gạch Hời, trên tàn tích của những pho tượng xưa gãy đổ không rõ hình thù. Ông Chúng dừng chân bên một góc tường xây bằng gạch Hời, có lẽ là vết tích của một công trình xưa, kể lại những sự việc kỳ bí diễn ra tại khu đất mà các nhà nghiên cứu cho là “nơi trú ngụ của thần linh”, không khác mấy so với lời kể bà Út.

Hôm đó, nhân nói chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, người đưa chúng tôi về Xóm Cấm, nhà cách đó không xa, kể rằng bà từng được một phụ nữ trong xóm mang cho 2 viên gạch Hời, bảo về nung đỏ đem bỏ vô nước rồi dầm chân để chữa ngoại khoa theo mẹo vặt dân gian. Bà Hồng tỏ ý e ngại thì chị này cười thật hiền: Chị đừng lo, em thắp hương van vái rồi mới xin về. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà chị.

Miếu Bà La Bông, nơi từng đặt hai tượng bò bằng đá sa thạch của người Hời trước khi bị đánh cắp. Ảnh: V.T.L
Miếu Bà La Bông, nơi từng đặt hai tượng bò bằng đá sa thạch của người Hời trước khi bị đánh cắp. Ảnh: V.T.L

2. Nghe kể về những viên gạch, những bức tượng Hời thấm đẫm thời gian, chợt nhớ Đà Nẵng nhiều nơi vẫn còn những vết tích cổ xưa như thế, mỗi nơi để lại ít nhiều câu chuyện dân gian nhuốm màu kỳ bí.

Còn nhớ lần về làng La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, nghe ông Ba Hậu, trên 80 tuổi, kể chuyện người Chăm đi tìm vàng Hời. Ngày trước giữa đồng La Bông có một lùm cây, gọi là lùm Cây Khế, cạnh đó có một cái tháp cũ của người Hời, chung quanh có khoảng gần trăm ngôi mộ vôi cổ. Dân làng to nhỏ với nhau ra vẻ bí mật rằng, ban đêm nhìn ra ngoài lùm thấy rùa vàng, gà vàng (dân gian gọi là “vàng Hời”) rủ nhau đi ăn, nửa khuya mới lọ mọ quay về.

Lần nọ, có mấy người Chăm từ Ninh Thuận ra bán thuốc dạo, lân la hỏi đường tìm lên tháp. Thỉnh thoảng họ lại lôi trong túi ra miếng giấy, mở ra chăm chú xem rồi quay nhìn quanh quất khu mộ vôi cổ. Người ta đồ rằng họ xem bản đồ và chừng như định vị một nơi nào đó. Lui tới đâu chừng gần hai năm, một đêm nọ, họ lẻn về xới tung mấy ngôi mộ cổ để tìm “vàng Hời” tổ tiên chôn giấu, chẳng rõ họ có tìm thấy gì không, chỉ biết sau đó họ không quay lại lần nào nữa.

Chuyện “vàng Hời” thực hư thế nào chưa ai xác quyết được, nhưng chuyện hai con bò bằng đá sa thạch “đi” từ lùm Cây Khế đến miếu Bà thì chẳng ai nghi ngờ gì. Theo mô tả của ông Nguyễn Tài, nguyên Phó trưởng thôn La Bông, mỗi tượng bò dài khoảng 80cm, cao 40cm, đặt trên tảng đá ngoài lùm Cây Khế, bên tháp Hời cũ. Một đêm, kẻ trộm định bụng khiêng hai con bò đem bán, khi đi ngang qua miếu Bà thì bất giác bò rống lên một tiếng rõ to, bọn trộm thất kinh hồn vía, quăng bò chạy lấy người. Dân làng đèn đuốc chạy ra, hè nhau mang cặp bò vào đặt dưới cây sanh xòe tán sum suê như cái dù khổng lồ bên miếu.

Không lâu sau, có lẽ xuất phát từ tin đồn dân gian rằng bên trong tượng bò có vàng Hời, một đêm nọ trộm lén đập gãy cổ tượng bò mà chỉ thấy toàn đá, báo hại làng phải nhờ người gắn lại. Thế rồi, hơn chục năm trước, cặp bò cũng không cánh mà bay! Một anh am hiểu về văn hóa Chăm cho rằng 2 con bò này là bò thần Nandin - vật cưỡi của thần Shiva, là một biểu tượng thân thiết của dân tộc Chăm. Nhiều nơi không biết giá trị của chúng nên đã vô tình tiếp tay cho tình trạng “chảy máu cổ vật”!

3. Trở lại với di tích Chăm Phong Lệ. Rất may là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã “ra tay” kịp thời, không để nơi này “chảy máu cổ vật”. Cách đó không xa từng có một bàu trồng sen và một ngôi chùa nhìn ra bàu có tên Liên Trì tự. Ông Chúng một thời làm bảo vệ Bảo tàng Điêu khắc Chăm nên ít nhiều hiểu biết về văn hóa Champa. Trong lập luận của ông, Bàu Sen là nơi người xưa lấy đất về nung gạch Chăm. Còn đá sa thạch tạc tượng được vận chuyển bằng bè từ La Vân - tên một làng cổ nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nơi có mỏ đá la vân, được Đại Nam nhất thống chí liệt vào phần Thổ sản Quảng Nam. Xưa, cứ đến cuối tháng âm lịch là nước sông Cẩm Lệ dâng cao tràn vào Bàu Sen, rất thuận tiện cho việc đưa bè chở đá vào. 

Ông Chúng lúc nhỏ cùng chúng bạn chạy lên chơi đồi Ông Ích Khiêm (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), thấy nơi đây có nhiều vỏ hàu, dây thừng... Lớn lên mới biết đó là vết tích cho thấy xưa biển từng ăn vào đất liền đến mức đó. Đồi Ông Ích Khiêm và Bàu Sen, một bên non một bên nước tạo nên nét phong thủy theo quan niệm người xưa. Rất tiếc, Bàu Sen giờ đã bị san lấp, nhà cửa mọc lên san sát. Chùa Liên Trì cũng đã “cải danh” thành chùa Bàu Sen. Cũng may, còn có “Hố thiêng” vừa được phát hiện trong di tích Khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Bà Út thỉnh thoảng về thắp hương miếu Bà, dạo quanh khu vườn xưa, nơi bà vô tình ở trên “nhà của họ”. Ông Chúng thì mỗi khi khách đến tìm hiểu di tích xưa lại kể về gạch Hời, về “Hố thiêng” còn hiển hiện, và không quên nhắc đến những điều kỳ bí đã đi vào ký ức người dân Xóm Cấm...

“Hố thiêng” nghìn năm tuổi

Sau 3 lần khai quật khảo cổ (vào các năm 2011, 2012, 2018), Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận di tích khảo cổ cấp thành phố vào ngày 27-11-2020. Tại nơi được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ X này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng di tích tháp Chăm. Đây là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học trong quá trình nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số. Đây là trung tâm của tháp, nơi người Chăm đặt vật thờ tự, báu vật để làm thiêng hóa ngọn tháp sau khi xây dựng, có ý nghĩa là nơi trú ngụ của thần linh.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

 Bút ký VĂN THÀNH LÊ

.