Đà Nẵng cuối tuần

Nói không với bạo lực phụ nữ, trẻ em

07:49, 16/10/2022 (GMT+7)

Xã hội càng phát triển thì vấn đề bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ và xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái càng được đặt lên hàng đầu. Để nhìn sâu hơn thực tế vấn đề này, cần nhiều hơn sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội và trươc hết, là chính bản thân phụ nữ, trẻ em gái phải biết tự bảo vệ chính mình.

Phụ nữ và trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Ảnh: NGUYỄN QUANG VINH
Phụ nữ và trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Ảnh: NGUYỄN QUANG VINH

Vấn đề toàn cầu và trách nhiệm quốc gia

Theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để bảo đảm bình đẳng giới về mặt pháp lý, thông qua phê chuẩn Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), ban hành Luật bình đẳng giới (2006) và Luật Hôn nhân và Gia đình (2000), đưa ra quy định cấm phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới trong quá trình cải cách Hiến pháp (năm 2013).

Ngoài ra, một số biện pháp được áp dụng dưới các luật này là các bước quan trọng để hướng tới BĐG thực chất như yêu cầu của Công ước CEDAW. Điều 4 của Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhấn mạnh việc hỗ trợ các nạn nhân, xử phạt hình sự và giáo dục thủ phạm; Điều 3 của Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng cách tiếp cận toàn diện, đa ngành để bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và trừng phạt những kẻ phạm tội…

Mới đây, ngày 4-10, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ), đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ phụ nữ. Tại sự kiện này, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nêu rõ ý kiến đề cao tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực nhằm vào phụ nữ, trẻ em gái.

Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần xác định vai trò của phụ nữ vừa là mục tiêu, động lực, chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng sự phát triển bền vững và xây dựng một xã hội công bằng. Theo đó, các nước cần lồng ghép vấn đề giới và việc trao quyền cho phụ nữ cần được bảo đảm trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch quốc gia nhằm bảo đảm rằng phụ nữ và trẻ em gái được tham gia thụ hưởng công bằng, đầy đủ trong tiến trình phát triển; đồng thời khẳng định, bình đẳng giới luôn được coi trọng trong các chính sách quốc gia. Việc bảo đảm vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước không chỉ là những cam kết mà còn là chuẩn mực ở Việt Nam.

Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa đã nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được như có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực; phụ nữ là lực lượng lao động chính và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, cũng như đề cao các sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này ở các cơ chế liên quan của LHQ.

Nói không với bạo lực phụ nữ, trẻ em

Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em đặt ra yêu cầu cấp bách với toàn xã hội. Thống kê mới nhất cho thấy, cứ 3 người phụ nữ thì có gần 2 người phải chịu ít nhất 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. Dịch bệnh Covid-19 có thể trở thành chất xúc tác làm cho tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em gái gia tăng.

Tại Việt Nam, tỉ lệ bạo lực gia đình thời điểm tháng 4-2020 tăng 7% so với tháng 12-2019. Hàng trăm nguyên nhân, lí do được cơ quan chức năng chỉ rõ, như bạo lực gia đình, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới với mức độ ngày càng tinh vi hơn đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống và quyền được phát triển của phụ nữ, trẻ em; đặc biệt, gây tổn thương sâu sắc đến phụ nữ, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có gia đình tan vỡ.

Bên cạnh đó, chính sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, còn cam chịu, nhiều nơi còn coi vấn đề bạo lực phụ nữ là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình. Các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính. Từ đó, dẫn tới trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, ít có kiến thức kỹ năng phòng tránh xâm hại, nhất là xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến tệ nạn ngày càng phức tạp, nhiều phụ nữ, trẻ em gái vì nhẹ dạ cả tin trên mạng khiến bị lừa, tổn thương…

Tại Đà Nẵng, thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách về công tác bình đẳng giới được thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả, phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Để tiếp tục triển khai hiệu quả mục tiêu bảo vệ phụ nữ, trẻ em, ngày 24-4-2020, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân và sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội về thực hiện BĐG.

Để cụ thể hóa Chỉ thị số 39-CT/TU, UBND thành phố cũng phê duyệt Đề án “Thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2035”. Đề án xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn 2020 – 2025 có 80% trở lên xã, phường (hoặc cộng đồng) hoặc thôn/làng quê; trường học và cơ sở giáo dục; công sở, nhà máy, xí nghiệp, trên phương tiện giao thông công cộng có quy ước/quy chế/quy định/nội quy về an toàn, không quấy rối tình dục và bạo lực với phụ nữ và trẻ em. 50% địa điểm công cộng bảo đảm cơ sở hạ tầng an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em. 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm thực hiện các nội dung kế hoạch hoạt động tại địa phương, đơn vị về thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em; bảo đảm 100% nạn nhân bị bạo lực được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời.

BẢO KHÁNH

.