Đà Nẵng cuối tuần

Số người siêu giàu tăng nhanh trên thế giới

16:31, 29/10/2022 (GMT+7)

Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Henley & Partners (có trụ sở tại London, Anh) và cơ quan tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth cho thấy, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ hiện có nhiều siêu triệu phú nhất thế giới với khối tài sản trị giá từ 100 triệu USD trở lên. Giới siêu giàu này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Thành phố Mumbai của Ấn Độ dự kiến sẽ lọt vào top 20 thành phố giàu có nhất thế giới vào năm 2030. Ấn Độ hiện xếp thứ ba toàn cầu về số siêu triệu phú với 1.132 người. Ảnh: unequalscenes.com
Thành phố Mumbai của Ấn Độ dự kiến sẽ lọt vào top 20 thành phố giàu có nhất thế giới vào năm 2030. Ấn Độ hiện xếp thứ ba toàn cầu về số siêu triệu phú với 1.132 người. Ảnh: unequalscenes.com

Cuối những năm 1990, người có khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên được xếp vào nhóm siêu triệu phú. Song, giờ đây xuất hiện một định nghĩa mới về tầng lớp siêu giàu này khi giá trị tài sản đã tăng đáng kể. Họ được gọi là “centi-millionaire”, tức những người sở hữu ít nhất 100 triệu USD, hầu hết là các đại gia công nghệ, giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn đa quốc gia, các nhà tài chính và những người thừa kế tài sản.

Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về số siêu triệu phú

Dĩ nhiên, các centi-millionaire không giàu hơn các tỷ phú USD như Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates…, nhưng siêu triệu phú lại đông hơn tỷ phú gần 10 lần và số lượng đang tăng nhanh. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ trong 20 năm, số siêu triệu phú đã tăng gấp đôi. Sự tích lũy vốn của họ tăng nhanh đáng kể nhờ những tác động đột phá về kinh tế và xã hội của công nghệ.

Trong số 25.490 siêu triệu phú toàn cầu, Mỹ dẫn đầu với 9.730 người (chiếm 38%). Trung Quốc xếp thứ hai với 2.021 người. Vị trí thứ ba thuộc về Ấn Độ. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, 80% số người trên thế giới rơi vào tình trạng đói nghèo do Covid-19 trong năm 2020 đến từ Ấn Độ, nhưng quốc gia Nam Á này vẫn sở hữu 1.132 siêu triệu phú. Điều đáng nói, dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong 10 năm tới về số người siêu giàu.

Trong khi đó, Anh xếp thứ tư với 968 siêu triệu phú; tiếp đến là Đức với 966 người, Thụy Sĩ 808 siêu triệu phú. Danh sách top 10 còn có Nhật Bản (765 người), Canada (541 người) và Úc (463 người). Bất chấp các lệnh trừng phạt bủa vây do chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Nga vẫn xếp thứ 10 với 435 người, vượt qua Pháp (380 người) và Ý (298 người).

Centi-millionaire không bao giờ lo lắng về tiền

TS. Juerg Steffen, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Henley & Partners của Anh cho biết, các centi-millionaire giàu đến mức họ không cần suy nghĩ về khoản tiền chi tiêu. “Thực tế, với mức độ giàu có như thế, các siêu triệu phú không bao giờ phải lo lắng về tiền”, TS. Juerg Steffen nói.

Ở châu Á và châu Phi, số người siêu giàu sẽ tăng nhanh trong những năm tới, thậm chí có thể vượt Mỹ và châu Âu vào năm 2032. Các tác giả tham gia nghiên cứu cũng dự báo rằng, số người siêu giàu sẽ tăng nhanh nhất ở Việt Nam, Ấn Độ và Mauritius. Trong đó, Việt Nam dự kiến có tỷ lệ tăng đến 95% số người sở hữu ít nhất 100 triệu USD ở các lĩnh vực bất động sản, công nghệ và dịch vụ tài chính.

Với Mauritius, đảo quốc nằm ở Tây Nam Ấn Độ Dương có thể chứng kiến ​​số cư dân là siêu triệu phú tăng 75% vào năm 2032. Ba quốc gia khác ở “lục địa đen” lọt vào top những thị trường có tỷ lệ triệu phú tăng nhanh nhất trong 10 năm tới gồm: Rwanda (70%), Uganda (65%) và Kenya (55%). Ở nam bán cầu, New Zealand và Úc cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng đặc biệt về số siêu triệu phú, với mức tương ứng 72% và 60%.

Chuyên gia Andrew Amoils, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của New World Wealth nhận định: Nhiều thị trường mới nổi và các quốc gia nhỏ có số tỷ phú khá ít nhưng số siêu triệu phú lại đông. Chẳng hạn, Kenya không có tỷ phú nhưng có 14 siêu triệu phú, Malta có 2 tỷ phú nhưng có 26 siêu triệu phú. Công ty Tư vấn Henley & Partners cho rằng, hầu như không có con đường cố định nào có thể giúp bạn trở thành một centi-millionaire. Những người này giàu lên từ tài sản được thừa kế, một số khác nhờ vào việc đầu tư thành công, một số người kiên trì khởi nghiệp, có nhóm khác tự vươn lên trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau…

Theo Báo cáo tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) năm 2022 của Ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse Group AG, đến năm 2026, thế giới sẽ có hơn 87,5 triệu người sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên, tăng từ con số 62,5 triệu người trong năm 2021. Số triệu phú sẽ tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc.

KHÁNH LINH (theo MSN, RT)

.