Đà Nẵng cuối tuần

Giải Nobel trao cho người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại

17:24, 08/10/2022 (GMT+7)

Tháng 10 hằng năm, thế giới tôn vinh các cá nhân hoặc tổ chức đã có những phát minh, thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế, Văn học và Hòa bình bằng những giải thưởng Nobel. Tiêu chí cao nhất mà nhà khoa học Alfred Nobel nêu trong di chúc là giải thưởng phải được trao cho người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại.

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2022: (từ trái sang) Morten Meldal (người Đan Mạch), Barry Sharpless và Carolyn Bertozzi (đều là người Mỹ).  Ảnh: nobelprize.org
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2022: (từ trái sang) Morten Meldal (người Đan Mạch), Barry Sharpless và Carolyn Bertozzi (đều là người Mỹ). Ảnh: nobelprize.org

Hàng nghìn người đáp ứng đủ điều kiện của Ban tổ chức đều có thể trở thành ứng viên giải Nobel danh giá. Họ có thể là giáo sư làm việc tại các trường đại học, có thể là chính trị gia, người từng đoạt giải Nobel trước đó…

Mùa giải Nobel năm nay đã gọi tên các nhà khoa học về Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học… Những ngày tới, các giải Nobel Hòa bình và Kinh tế sẽ được công bố.

Nhìn chung, mọi giải Nobel đều ấn tượng và thường vinh danh những thành tựu trọn đời. Chẳng hạn, giải Nobel Vật lý 2022 trao cho 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) với các công trình nghiên cứu liên đới lượng tử, mở ra triển vọng lạc quan về ngành công nghệ chuẩn bị xuất hiện trong tương lai gần: công nghệ thông tin lượng tử. Giải Nobel Y học năm nay trao cho GS. Svante Pääbo - người tiên phong phát triển các phương pháp phân tích ADN cổ đại giúp tiết lộ nguồn gốc của loài người. Ông Svante Pääbo (người Thụy Điển đang làm việc tại Đức) cũng đã phát hiện gen có liên quan Covid-19.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp giải Nobel gây tranh cãi xung quanh việc người được nhận có xứng đáng hay không, hoặc quyết định được đưa ra bị ảnh hưởng chính trị hay không.

Năm 1976, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ở Stockholm (Thụy Điển) khi nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman đến nhận giải Nobel Kinh tế. Đây được xem là một trong những giải thưởng Nobel Kinh tế ồn ào nhất. Quan điểm của Friedman cho rằng vai trò chính của chính phủ là bình ổn nguồn cung tiền đã gây tranh cãi vì nhiều chuyên gia lúc bấy giờ nhận định chính phủ phải đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Năm 1984, giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Israel Shimon Peres vì họ đã kiến tạo Hiệp định hòa bình Olso nhằm thành lập chính quyền nhà nước Palestine với quyền kiểm soát ở dải Gaza và Bờ Tây. Sự lựa chọn này đã gây ra không ít tranh cãi. Thậm chí, một thành viên Ủy ban Nobel Na Uy đã từ chức vì cho rằng thật sai lầm khi trao giải cho ông Arafat.

Năm 2009, ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ gần 1 năm thì được nhận giải Nobel Hòa bình về những nỗ lực phi thường để tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc. Báo chí Mỹ dùng cụm từ “vinh dự và nghịch lý” để nói về “giải thưởng bất ngờ” mà tổng thống của họ nhận vào thời điểm đó. Điều đáng nói, Tổng thống Obama đến Na Uy nhận giải chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi chính ông ra lệnh triển khai thêm 30.000 binh sĩ cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Dù không phải mọi quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hay Ủy ban Nobel đều nhận được sự đồng tình, nhưng giới quan sát cho rằng tiêu chí mà nhà khoa học Alfred Nobel nêu trong di chúc vẫn được duy trì để giải Nobel luôn là đỉnh cao của tri thức và nghệ thuật nhân loại.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel. Giải thưởng được trao vào dịp cuối năm cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập giải thưởng về kinh tế để tưởng nhớ Nobel và giải Nobel Kinh tế ra đời từ đó.

Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển lựa chọn. Giải Y học do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định và giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.

Một giải Nobel thường được trao tối đa cho 3 người. Từ năm 1901-2021, giải thưởng đã được trao 609 lần cho 975 cá nhân và tổ chức. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ.

PHÚC AN (tổng hợp từ nobelprize.org, AFP, NYT)
.