Đà Nẵng cuối tuần
Nghề "khát" người học nhưng khó tuyển sinh
Câu chuyện nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp ở một số ngành nghề đang thiếu tiếp tục được bàn nhiều trong mùa tuyển sinh đầu năm học mới. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 320 ngàn thí sinh không tham gia đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Có thể các em có nhiều lựa chọn khác, trong đó có việc chuyển hướng sang chọn học nghề. Số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - đơn vị quản lý các trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc) cho thấy, đến hết tháng 8-2022, các trường tuyển được gần 163 ngàn sinh viên.
Có hàng chục ngành nghề để sinh viên lựa chọn học nghề. Có nghề đang được xem là xu hướng việc làm trong ngắn hạn cũng như dài hạn như: marketing, công nghệ thực phẩm, xây dựng, du lịch. Có những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng… được nhiều sinh viên lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngành khó tuyển sinh, trong đó nổi bật là ngành công nghệ hàn, điện tử công nghiệp, điện - tự động hóa, may, thiết kế thời trang, kế toán. Đây là vấn đề chưa có cách xử lý rốt ráo mà các trường đào tạo nghề gặp phải trong nhiều năm qua, không chỉ ở Đà Nẵng mà hầu hết ở các trường nghề trong cả nước.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nhu cầu về nhân lực nghề hàn đang ở mức rất cao. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), với trình độ tay nghề ở mức cao đẳng, học viên học nghề hàn chiếm vị trí “quán quân” về tỷ lệ có việc làm sau đào tạo, đạt 92,5%. Tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, ngành công nghệ hàn nằm trong nhóm 7 ngành nghề trọng điểm đào tạo của trường vẫn khó khăn với con số tuyển 40 sinh viên/năm. Dù sinh viên ngành công nghệ hàn được giảm 70% học phí và ra trường được doanh nghiệp nhận ngay với mức lương khá, nhưng vẫn rất ít sinh viên chọn học.
Trong giai đoạn nước ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những người được đào tạo cho ngành công nghệ hàn có cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong các lĩnh vực chế tạo sản phẩm. Có thể chính bản thân học sinh và phụ huynh không biết rằng, nghề hàn có thể làm trong các lĩnh vực như: công nghiệp dầu khí (chế tạo, sửa chữa các chân đế giàn khoan, các đường ống dẫn dầu, các bể chứa); công nghiệp chế tạo tàu thủy, tàu đường sắt cao tốc; công nghiệp thủy điện, nhiệt điện; công nghiệp xi-măng; công nghiệp cầu, hầm; công nghiệp chế tạo nhà xưởng, giàn, dầm; ngành chế tạo máy công nghiệp…
Hiện có nhiều phương pháp hàn hiện đại, quá trình hàn không phát sinh khí độc và được ứng dụng ở nhiều công trình khác nhau. Những người được đào tạo, làm việc trong lĩnh vực công nghệ hàn luôn được tiếp cận với những kiến thức mới về năng lượng, vật liệu, điều khiển thiết bị, dụng cụ và kỹ thuật công nghệ mới, nhiều công đoạn do máy thực hiện, người làm việc chỉ cần “đặt lệnh” cho máy. Bên cạnh đó, quá trình học nghề không mất nhiều thời gian, cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở khi công nhân hàn được “săn đón” ở nhiều doanh nghiệp với mức lương cao.
Việc tuyển sinh ngành may công nghiệp cũng lâm vào cảnh khó khăn tương tự như ngành hàn, khi thường xuyên tuyển sinh không đủ dù chỉ tiêu chỉ 30-35 sinh viên/năm. Hiện phần lớn lao động ở các xí nghiệp, công ty may mặc đều chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông, sau đó tự tổ chức đào tạo trong thời gian khoảng 3 tháng. Đây cũng là cách thức để các doanh nghiệp tiết kiệm tài chính bởi lương học việc bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với công nhân chính. Tuy nhiên, nếu chỉ học việc tại cơ sở sản xuất, nguy cơ người lao động bị sa thải sau 40 tuổi là rất cao nếu không có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Ngoài ra, nếu kéo dài tình trạng này thì về lâu dài, thị trường may mặc của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh do người lao động không được đào tạo bài bản.
Đà Nẵng có hơn 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong số đó có 9 trường cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp, còn lại là các trung tâm và cơ sở dạy nghề khác. Mỗi năm các trường có thể tuyển sinh hơn 50 ngàn học viên; cung cấp cho thị trường lao động 15-20 ngàn lao động có tay nghề trung cấp và cao đẳng. Ngoài ra, mỗi năm còn có khoảng 5 ngàn lao động được đào tạo nghề ngắn hạn, đào tạo lại. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt mức 55%, được xem là khá cao so với trung bình của cả nước. Song để phát huy nguồn lực này, cân đối lựa chọn người học và nhu cầu thị trường, cần các trường đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh đến đúng đối tượng để học sinh hiểu rõ hơn ngành nghề và khả năng có việc làm, có thu nhập khi vào đời.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề đều đưa ra cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt với những ngành hiện nhu cầu thị trường rất lớn nhưng ít người học; cam kết hỗ trợ người học xuất khẩu lao động theo nhu cầu, do nhà trường thiết lập; cam kết về quá trình học tại trường sẽ được các doanh nghiệp khảo sát, thẩm định và ký hợp đồng tuyển dụng… Hy vọng các chính sách này sẽ tạo nên sức hút và củng cố niềm tin ở người học.
HIỀN LƯƠNG