Đà Nẵng cuối tuần
Nếp nhà ba thế hệ
Nếu ngày xưa không hiếm các nếp nhà có ba, thậm chí bốn thế hệ sống chung với nhau, nhất là ở nông thôn, thì nay hình thức đại gia đình này ngày càng ít dần.
Vợ chồng ông Trần Đình Quy chung sức chung lòng xây dựng gia đình, bởi đây là nơi nuôi dưỡng trí tuệ, nhân cách đạo đức để con cháu rèn luyện. Ảnh: V.T.L |
Xúng xính trong bộ áo thụng xanh, ông Trần Đình Quy nở nụ cười lên lão chào chúng tôi khi vừa xong lễ tế Thu ở nhà thờ phái Nhì tộc Trần Đình (làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). 87 tuổi, gắn bó với Hội đồng Gia tộc suốt 6 nhiệm kỳ, 3 nhiệm kỳ làm phó ban, 3 nhiệm kỳ làm trưởng ban, ông là tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ của gia tộc và trong chính nhà mình.
Chìa khóa mở cửa thành công
Trưa nắng nhưng đường làng râm mát. Ông Quy đưa khách về nhà mình. Phòng khách nhỏ treo đầy bằng khen, giấy khen, trong đó có 2 bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam - kết quả của những năm tháng ông khuếch trương phong trào khuyến học trong gia tộc và sau 24 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tại địa phương.
Ông Quy kể, sau khi hòa bình lập lại, vợ chồng ông bạc mặt lo chạy cái ăn cái học cho con. Cái chữ thì thời nào mà chẳng cần, kiến thức là chìa khóa vạn năng mở ra mọi cửa ngõ thành công trong cuộc sống. Gia đình phải là cơ sở học tập đầu tiên nuôi dưỡng trí tuệ, nhân cách đạo đức để con, sau là cháu rèn luyện... Ông biết vậy, nên tích cực đóng góp cho phong trào khuyến học địa phương. Tiếng vang của Chi hội Khuyến học tộc Trần Đình đã vượt lũy tre làng ra đến tận Trung ương Hội, thành quả này có công đầu của ông.
Vợ chồng ông có 8 người con, 5 trai 3 gái, nhà còn khó nên học xong THPT thì 5 người học nghề ra làm công nhân, 3 người tiếp tục học lên đại học. Con ông giờ đã ra riêng, chỉ có người con út sống chung với vợ chồng ông. 5 cháu nội có 1 tiến sĩ, 4 tốt nghiệp đại học, tất cả đã có công ăn việc làm ổn định. Ông lấy làm hài lòng khi nhìn lại cảnh nhà: “Tôi không học hành chi nhiều, chỉ biết thu thập kiến thức qua sách báo, qua công việc từ trong gia tộc đến ngoài xã hội, lấy đó làm vốn để vận dụng vào việc dạy bày con cháu”.
Gia đình ấm êm hòa thuận, kính trên nhường dưới, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, con cái thành đạt, có nghề nghiệp ổn định... là ước mơ của nhiều người, như ông Ngô Đền (70 tuổi), ở tổ 39, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Ông Đền 20 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận Khu dân cư 10B, Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường. Nhà ông có đến 4 thế hệ chung sống. Mẹ ông đã ngoài 90 tuổi, vẫn luôn dặn vợ chồng con trai, các cháu, chắt sống sao cho chan hòa với mọi người. Năm ngoái, khi Covid-19 căng thẳng tại Đà Nẵng, ông cùng cán bộ và hội, đoàn thể các tổ dân phố vận động các mạnh thường quân 220 suất quà tặng các hộ nghèo, khó khăn và 300 suất rau củ quả mang đến tận nhà cấp cho 300 hộ của 3 tổ dân phố trong khu dân cư. Nghe ông nói tổng trị giá các khoản hỗ trợ này lên đến hơn 100 triệu đồng, mẹ ông cười: Mi làm rứa là giỏi đó, gắng làm phúc để đức cho con, cho cháu.
Ông Đền một thời hoạt động cách mạng, bị tù đày nên không học hành tới nơi tới chốn. Đây cũng là nỗi buồn của mẹ ông. Vì thế, ông khuyên con cháu cố gắng học lấy cái chữ để giúp ích cho xã hội và gia đình. Ba cháu nội của ông, năm nay một được chuyển thẳng vào đại học, một là học sinh THCS xuất sắc, còn đứa út vừa vào lớp Một. Ông hy vọng đến đời cháu mình sẽ khác, kiến thức sẽ là người dẫn đường đưa các cháu đến cửa ngõ thành công trong cuộc sống.
Nhà ông Ngô Đền (thứ hai, từ trái sang) có đến bốn thế hệ chung sống thuận thảo, yêu thương. Ảnh: V.T.L |
“Chi bộ” trong gia đình
Theo chân ông Võ Văn Tiến, Phó ban công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, chúng tôi đến thăm ông Ngô Trường Vinh (82 tuổi), nhà nằm sâu trong kiệt 23. Tuổi già mắc nhiều chứng bệnh, có lần ông Vinh nằm viện vì bị đau tụy nặng khó qua khỏi, một bà đi thăm bệnh nghe vậy liền “mách nước”: Chi chứ cái đau tụy dễ chữa òm, xắt trái chuối chát gần già, phơi khô rồi nấu nước uống như nước chè là khỏi. Vợ ông, bà Bùi Thị Tạ, chẳng biết hư thực thế nào, nhưng nghĩ còn nước còn tát nên đưa ông về, bao nhiêu buồng chuối chát trong vườn nhà cùng với bà con hàng xóm láng giềng nghe tin mang tới, bà đều chế biến thành trà chuối chát cho ông uống hằng ngày. Nhờ vậy mà ông qua khỏi.
Theo lời Phó ban công tác Mặt trận thôn, gia đình ông Vinh, trừ người con gái đầu, 5 người còn lại đều là đảng viên. Bà Tạ chăm chồng từng li từng tí, vừa là vợ, vừa là điều dưỡng. Vợ chồng người trưởng nam dù bận rộn công việc nhưng vẫn tranh thủ trông nom, mua đồ ăn, đi chợ, tắm rửa cho cha, dọn dẹp, giặt giũ giúp mẹ... lo chăm sóc cho cha lúc mẹ bệnh nằm viện, chở cha khám bệnh định kỳ... Sống giữa tình thương yêu của người bạn đời và con cháu, ông Vinh như được thêm liều thuốc quý, nhờ vậy vẫn “cầm cự” được sau gần 20 năm mắc bệnh.
Ở tổ 78, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cũng có một gia đình 3 thế hệ với 4 đảng viên. Đó là ông Lê Ngọc Tiến (69 tuổi), thành viên Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ Đảng, Trưởng nhóm thiện nguyện Tình Thương (vận động mạnh thường quân mua quà tặng người nghèo). Mẹ vợ ông, bà Ngô Thị Em, đã ngoài bát tuần, thỉnh thoảng kể cho cháu nghe chuyện xưa ở quê, làng Hương Lam, xã Hòa Khương - nơi bà cùng chồng sống những năm tháng hoạt động cách mạng cam go nhưng vẫn bền gan kiên trinh, nhiệt huyết.
Ông Tán Thanh Dũng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Khu dân cư Hòa Phú 7, phường Hòa Minh cho biết: “Anh Tiến tuy không phải là dân gốc ở đây (ông quê xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn), nhưng chừ là già làng trưởng bản của khu dân cư, được cán bộ, nhân dân tin tưởng. Mỗi khi nói về gia đình văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư, mọi người lại nhắc đến nếp nhà 3 thế hệ của ảnh, như chi bộ trong một gia đình”.
Nhà của những nhà giáo
Đó là ngôi nhà 3 thế hệ ở cuối con hẻm K48 Lê Duẩn, Đà Nẵng. Cao niên nhất là ông Nguyễn Hạ, nói như ngôn ngữ bây giờ là thuộc thế hệ 3x đời cuối. Cha mẹ ông một thời cơ cực nuôi 9 anh chị em ông ăn học. Mẹ ông làm nông. Cha là tú tài nho làm nghề thầy thuốc, mọi người gọi là ông thầy Quang, từng là nhân vật trong một bài viết đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vì những công trình phiên dịch các văn bia Hán - Nôm ở các ngôi mộ cổ. Cha ông đã dành cho anh em ông những trải nghiệm của một đời người theo học “chữ của thánh hiền”; đến phiên mình, ông truyền đạt lại cho cháu con những đạo lý làm người ở đời.
Vợ chồng ông Hạ đều là nhà giáo, xem 9 người con của mình như một lớp học ghép nhiều thế hệ và nuôi dạy tất cả ăn học tới nơi tới chốn, 8 người tốt nghiệp đại học và trên đại học. Vợ chồng ông giờ ở với gia đình người con trai thứ, PGS.TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh, sớm chiều khuây khỏa với tiếng cười, giọng nói của hai đứa cháu nội.
Trong gian phòng khách nhỏ nhắn, ông Hạ cho treo nhiều tấm biển nhỏ bằng gỗ có ghi mấy chữ quốc ngữ như: Tâm, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… Vợ chồng ông thỉnh thoảng cho cháu chạm vào các hoa văn, các nét chữ để làm quen. Khi cháu lớn lên chút, ông lần hồi giảng giải, ví như chữ Nhân: Nhân là con người, cũng có nghĩa là lòng nhân ái, tức là thương người… Cứ thế, trước khi đến trường học chữ, cháu đã được hai ông bà - nhà giáo dạy về đạo đức làm người.
Người dâu thứ của ông đang công tác tại Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng, tính tình thuần hậu, đảm đang, luôn quan tâm đến gia đình lẫn họ tộc bên chồng, được mọi người trong dòng họ yêu thương. Đến ngày sinh nhật của ba mẹ chồng hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chị đều gửi hoa, tặng quà chúc mừng. Dịp lễ, Tết, nhất là mỗi khi giỗ chạp, chị thu xếp công việc cơ quan để có thể làm tròn vai con dâu một cách toàn vẹn nhất có thể.
Ông Hạ tuy sống với thứ nam, nhưng tình thương vẫn chia đều cho các con, các cháu. Mấy tháng trước nghe tin đứa cháu nội con của người trưởng nam trong Thành phố Hồ Chí Minh bị ốm, ông vào thăm hỏi, dặn dò, không quên mang tặng cháu mấy cuốn sách. Vậy đó, cái khí chất nhà giáo luôn thôi thúc ông quan tâm chuyện học hành, trước đây là các con, bây giờ là các cháu. Mỗi lần đi ngang qua hẻm K48 Lê Duẩn, lại nghĩ đến ngôi nhà 3 thế hệ, nơi có những tấm lòng nhà giáo mong muốn ở đời mọi điều tốt đẹp hơn mà trước hết là chính gia đình mình...
VĂN THÀNH LÊ