Đà Nẵng cuối tuần
Huyền thoại Mẹ đào hầm
Mới đây tôi đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mễ, còn gọi Nguyễn Thị Thưởng, đúng vào dịp Mẹ tròn 105 tuổi. Nhưng lần này không kịp nữa rồi, Mẹ đã cưỡi hạc rời cõi tạm để về chốn thiên thu. Dẫu không bất ngờ về sự ra đi của Mẹ nhưng tôi vẫn thấy chới với, hụt hẫng vô cùng.
Bia tóm tắt sự kiện lịch sử về ngôi nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mễ. |
Thắp nén nhang trước áng thờ, lòng thầm cầu mong anh linh Mẹ mãi thanh thản nơi miền cực lạc, trong tôi ùa về lần gặp Mẹ cách đây 6 năm. Hồi đó, tuy Mẹ đã 99 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh lắm. Mẹ chống gậy, dò dẫm ra sau vườn chỉ cho tôi các vị trí từng có hầm bí mật mà Mẹ đã đào để nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, nay không còn dấu vết gì. Những vị trí Mẹ đã đào 13 căn hầm bí mật vẫn hằn in trong trí nhớ. Mẹ chỉ vào bụi tre lởm chởm gai góc bảo chỗ ni đào 2 căn hầm khá lớn, góc vườn chuối kia 3 hầm, trong nền nhà 1 hầm… Rồi Mẹ kể nhiều chuyện trong chiến tranh lửa đạn mà ánh mắt rưng rưng xúc động. Hình như thời quá khứ đau buồn đã về theo lời kể, gợi trong Mẹ bao niềm nhớ mênh mang. Cả cuộc đời lam lũ của Mẹ Mễ gắn với những đám ruộng, mảnh vườn ở thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lần lượt 9 người con ra đời, Mẹ một tay nuôi nấng bởi chồng Mẹ là ông Lê Phỉ Mễ, thoát ly tham gia cách mạng từ năm 1941 nên thường vắng nhà. Rồi 3 đứa con ra đi vì bệnh tật từ nhỏ, 4 đứa con khác lớn lên theo cha tham gia kháng chiến, cứu nước.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, địch củng cố bộ máy đàn áp, tăng cường các hoạt động chống phá và làng Viêm Tây - quê hương Mẹ là một trong những vùng nông thôn được chúng triển khai các biện pháp tố cộng, diệt cộng nằm vùng. Tuy nhiên xác định Viêm Tây là địa bàn chiến lược, có nhiều lợi thế nên Huyện ủy Điện Bàn đã chuyển một bộ phận cán bộ chủ chốt tới ba gia đình cơ sở (nhà Mẹ Nguyễn Thị Mễ, nhà bà Lê Thị Sang và nhà ông Trần Tự) để hoạt động bí mật. Để bảo đảm an toàn cho các cán bộ hoạt động, Mẹ đã tự tay đào hàng loạt hầm bí mật trong nhà, trong khu vườn của mình rộng hàng ngàn mét vuông, nuôi giấu các ông Ngô Dinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; ông Phan Bốn, Phó Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; ông Phan Dục, Thường vụ Huyện ủy và ông Đinh Tùng, Huyện Đội trưởng Điện Bàn… cùng nhiều cán bộ, an ninh, du kích xã Điện Thắng. Căn hầm bí mật đầu tiên Mẹ đào vào năm 1958 nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa Phạm Ký rồi sau đó đào nhiều hầm khác.
Nhằm đánh lạc hướng, đồng thời tạo cớ cho những người hoạt động cách mạng lui tới nhà mình một cách hợp pháp, năm 1960 Mẹ Mễ mở quán hàng xén (tạp hóa). Từ đây, quán của Mẹ đã trở thành trạm liên lạc, tiếp nhận, chuyển giao nhiều tin tức quan trọng. Sau hơn 4 năm quán hàng xén của Mẹ đã bị bọn mật thám, chỉ điểm phát hiện có nhiều người lạ mặt thường xuyên lui tới mà không mua bán thứ gì, chúng nghi ngờ rồi triển khai lực lượng càn quét, tìm kiếm những căn hầm chìm dưới lòng đất. Trong một lần lùng sục, địch khui được các hầm bí mật tại khu vườn của ông Trần Tự và bà Lê Thị Sang, song do nắm tốt tình hình, cán bộ chủ chốt không bị sa vào tay giặc. Từ ngày hai cơ sở bị lộ, nhiều cán bộ tập trung về các hầm bí mật của Mẹ Mễ để trú ẩn khi bị địch vây ráp bất ngờ, trong đó có ông Năm Dừa, Mười Dư. Năm 1964, ông Lê Phỉ Mễ hy sinh, địch đem thi thể ông phơi nắng trên quốc lộ và nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1969 đứa con trai Lê Phỉ Phương cũng anh dũng ngã xuống ngay trên mảnh đất quê nhà. Thương chồng, nhớ con, Mẹ Mễ càng biến đau thương thành hành động, tích cực đào thêm nhiều căn hầm khác. Biết Mẹ là cơ sở đắc lực của cách mạng, địch bắt giữ, tra tấn Mẹ đủ mọi hình thức nhưng ý chí sắt đá, lòng trung thành với Đảng của Mẹ đã vươn lên chiến thắng kẻ thù. Có lần một cán bộ địa phương từng được Mẹ che giấu, trú ẩn trong căn hầm ngay dưới nền nhà bị địch bắt. Đoán biết người này sẽ phản bội, Mẹ Mễ đã thông báo các cán bộ đang ở dưới hầm nhanh chóng rời khỏi hiện trường rồi Mẹ phá hủy ngay hầm, lấp đất kín miệng, tạo ra dấu vết cũ. Đúng như Mẹ nhận định, ngày hôm sau, địch dẫn người bị bắt đã khai báo về chỉ vị trí căn hầm trong nhà nhưng chúng đã thất vọng và cho rằng kẻ phản bội kia lừa lọc nên áp giải về đồn bốt trị tội. Sự sáng tạo, thông minh của Mẹ đã làm cho địch không còn tin tưởng vào việc khai báo của kẻ chiêu hồi này nữa.
Trong lần tôi gặp Mẹ hồi 6 năm trước, mẹ vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể: “Từ năm Mậu Tuất 1958 đến năm Kỷ Dậu 1969, Mẹ đã đào được 13 căn hầm bí mật trong khuôn viên vườn và nhà của mình. Mẹ đào nhiều hầm như rứa mà chúng không phát hiện, con biết tại răng không? Tất cả từ sự phán đoán của Mẹ thôi. Hễ Mẹ nghi ngờ cái hầm mô trước sau cũng bị lộ thì ban đêm, nhất là những bữa sáng trăng, Mẹ lấy cuốc, xảng (xẻng) đào ngay cái hầm mới, mang đất đó lấp cái hầm cũ rồi trồng cây ngụy trang. Để cho tụi hắn không phát hiện được hầm, Mẹ trồng nhiều bụi thơm lên trên lớp đất mới đào vì cây thơm khó nhận biết trồng mới hay cũ”.
Mặt trời chớm đỉnh đầu, bà Lê Thị Khiết, người con gái thứ hai trước nay phòng không, đơn chiếc phụng dưỡng Mẹ dẫn tôi ra sau vườn, nơi cơ quan chức năng dựng tấm bia xếp hạng ngôi nhà của Mẹ Mễ là di tích cấp tỉnh. Chiếc tivi của nhà bên cạnh bỗng bật lên lời hát: “Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay Mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”. Tôi ngậm ngùi, thương tiếc bởi mẹ vừa ra đi…
THÁI MỸ