Đà Nẵng cuối tuần

Minh Giác cổ tự làng Bồ Mưng

08:17, 16/10/2022 (GMT+7)

Từ Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn theo quốc lộ 1A về hướng Bắc đến đường số 1, Bồ Mưng 1, rẽ phải khoảng 500 mét là đến chùa Minh Giác. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại gần 400 năm, tọa lạc tại xứ đất Bồ Minh, nay là thôn Bồ Mưng 1, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Chùa Giác Minh sau khi trùng tu. Ảnh: H.S
Chùa Giác Minh sau khi trùng tu. Ảnh: H.S

Ông Nguyễn Đức Triêm, 80 tuổi hiện là Trưởng ban Hộ tự chùa Minh Giác kể, ngày trước, đây là ngôi chùa làng do tứ tộc tiền hiền của làng Bồ Mưng xây dựng (Nguyễn Lương, Nguyễn Đăng-Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đức). Ban đầu chùa được làm bằng tranh tre để thờ cúng chư vị Thành hoàng.

Không rõ cơ duyên nào mà thiền sư Huệ Quang Minh chọn nơi này làm nơi tu niệm. Theo tìm hiểu của Khuôn hội Phật giáo làng Bồ Mưng thì thầy có nguồn gốc từ các vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... hành hương vào phương Nam tu học và thọ giới Bồ tát tại Hội An theo thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trong quá trình hành đạo thuyết giảng, thầy thấy vùng đất Bồ Mưng thanh bình, lại có ngôi chùa bên cánh đồng thanh tịnh, trang nghiêm. Đây cũng là hạnh duyên đưa thầy đến với chùa Minh Giác của làng.

Sau khi có thầy về trụ trì, hằng đêm có tiếng kinh kệ ngân vang làm ấm thêm ngôi làng, tín đồ Phật giáo theo đạo ngày càng đông và người dân nơi đây cũng hiền lành sống tốt đời, đẹp đạo. Sau đó làng Bồ Mưng đã cúng dường đất đai để xây dựng chùa, tạo điều kiện cho tín đồ thọ giáo tu học.
Phía bên trái ngôi chùa còn tấm bia đá cổ ghi chép lại công đức xây dựng chùa vào thời ấy. Mặt trước bia ghi (phiên âm theo chữ Hán bản gốc): “Minh Giác Tự. Huệ Quang Minh thiền sư bi ký. Bồ Minh [蒲 明] xã cúng Tam Bảo điền nhất mẫu tứ sào. Tư điền cửu sào, thổ trạch thất sào nhất mẫu thất”. Mặt sau bia ghi: “Tích ký. Tam bảo điền nhất mẫu, tuế thứ Nhâm Tý niên. Đại Việt quốc, Cảnh Trị thập niên, tam nguyệt, thập cửu nhật”.

Tạm dịch: Chùa Minh Giác. Bia do thiền sư Huệ Quang Minh ghi lại. Xã Bồ Minh cúng dường Tam Bảo 1 mẫu 4 sào đất ruộng, 9 sào ruộng tư, đất ở 7 sào và 1 mẫu 7. Ghi vào sổ tịch. Cúng dường Tam Bảo 1 mẫu ruộng vào năm Nhâm Tý. Nước Đại Việt ngày 19, tháng Ba, năm Cảnh Trị thứ 10 (1672).

Theo văn bia do thiền sư Huệ Quang Minh ghi lại có thể đoán định rằng ngôi chùa Minh Giác được trùng tu lần thứ nhất với sự cúng dường Tam Bảo của làng Bồ Minh cách đây trong 350 năm (1762-2022).
Về địa danh Bồ Mưng, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Phước Hiệp, người làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng cho rằng, do tương dạng về ngôn ngữ Hán Việt và âm chữ Nôm nên có cách đọc khác nhau. 蒲冥 âm Hán Việt đọc là Bồ Minh, âm chữ Nôm đọc là Bồ Mưng. 朋 đọc là chữ Bằng. 明 đọc là Minh. Do lối viết thảo văn tự xưa thì hai chữ tương dạng nhau có thể có âm nghĩa khác nhau nên Bồ Minh, Bồ Bằng, Bồ Mưng đều là tên của làng Bồ Mưng hiện nay.

Theo Phủ biên tạp lục viết năm 1776 của Lê Quý Đôn, làng Bồ Mưng là xã Bồ Bằng - một trong 18 xã, 4 thôn thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Theo Địa bạ Gia Long lập năm 1815, thì dinh Quảng Nam gồm 2 phủ, 5 huyện, 29 tổng, 973 làng xã; trong đó làng Bồ Mưng thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh. Dưới thời Pháp thuộc từ năm 1920 đến tháng 8 năm 1945, Quảng Nam bấy giờ có 8 phủ, huyện, 51 tổng, 1.075 xã, phường, châu. Theo đó thì xã Bồ Mưng thuộc tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn (Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, trang 147, NXB Khoa học Xã hội, 2010).

Theo lời ông Nguyễn Lương Liêm, 90 tuổi, trưởng tộc Nguyễn Lương làng Bồ Mưng, Giác Minh là ngôi chùa có rất sớm do dân làng đóng góp xây dựng và tôn tạo trùng tu qua nhiều lần. Căn cứ bút tích để lại thì chùa được xây dựng kiên cố lần thứ hai vào năm 1920, tường gạch xây vôi, mái lợp ngói âm dương, cột tròn đứng đá, cột kèo có chạm trổ hoa văn, mặt quay về hướng Tây có ba gian: gian giữa thờ Phật Thích Ca, gian phía Bắc thờ Bồ tát Quan Thế Âm, gian phía Nam thờ Quan Thánh Đế Quân. Mái hiên có gian thờ ông Thiện và ông Ác. Hằng năm dân làng cúng kiếng vào những ngày Sóc (mồng Một), ngày Vọng (Rằm) và các dịp lễ lớn.

Cây xà cò (treo dưới đòn dông) khắc chữ Hán còn lưu lại trong gian chùa cổ, phiên âm quốc ngữ: “Khải Định ngũ niên tuế thứ Canh Thân thập nhị nguyệt cát nhật bổn xã đồng tu tạo. Tọa Giáp hướng Canh”. Tạm dịch: Dân làng cùng tạo dựng vào ngày tốt tháng Chạp năm Khải Định thứ 5, Canh Thân (1920). Tọa lạc hướng Tây.

Ngoài ra, chùa có nhà tăng để các thầy giảng đạo và dạy học cho con em trong làng. Năm 1954, thầy giáo Nguyễn Đăng Huýnh đã dạy học tại đây, mãi đến sau này trường làng cũng nằm trong khu vực của chùa, nơi khai tâm cho nhiều thế hệ con em trong làng. Sau khi thiền sư Huệ Quang Minh viên tịch thì khuôn hội và làng cử ra ban hộ tự phân công tín đồ chăm nom thờ cúng thường nhật. Đến năm 2014, Đại đức Thích Nguyên Nhẫn được bổ nhiệm về trụ trì chùa cho đến nay.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, ngôi chùa bị hư hại nặng, sau ngày đất nước thống nhất, bà con tín đồ phục dựng lại và quay mặt chùa về hướng Nam. Do tu bổ nhiều lần nên ngôi chùa ngày một xuống cấp. 5 năm trước có một doanh nhân người làng Bồ Mưng đang sinh sống nơi phương xa quay về thăm quê. Chạnh lòng trước cảnh hoang tàn của ngôi cổ tự, ông phát tâm bồ đề xin đầu tư xây dựng lại chùa. Công trình có kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 4 năm 2017 và hoàn thành tháng 3 năm 2018, bao gồm xây dựng mới chánh điện, nhà tổ, tam quan và khuôn viên. Sau đó, chùa tiếp tục được hoàn thiện nên có cơ ngơi khang trang bề thế như hôm nay.

Có bề dày trên 400 năm với các bi ký còn được bảo lưu, Minh Giác cổ tự là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Quảng Nam. Rất mong được các nhà nghiên cứu cất công khảo sát, sưu tầm để tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa của một vùng đất.

HÀ SÁU

.