Đà Nẵng cuối tuần

Niềm vui chia sẻ đồ dùng

13:24, 02/10/2022 (GMT+7)

Quần áo, giày dép, bàn ghế, mỹ phẩm, vật dụng sinh hoạt gia đình… không có nhu cầu dùng tới được các thành viên Fanpage “Freecycle Đà Nẵng - Nơi cho, tặng đồ hoàn toàn miễn phí” trao lại cho người khác nhằm lan tỏa thông điệp “cũ người, mới ta” cũng như bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên rác.

Freecycle Đà Nẵng - không gian cho, nhận đồ miễn phí tại Đà Nẵng.  Ảnh: H.L (chụp màn hình)
Freecycle Đà Nẵng - không gian cho, nhận đồ miễn phí tại Đà Nẵng. Ảnh: H.L (chụp màn hình)

Cũ người, mới ta

“Mình có một chiếc ghế ngồi ăn cho em bé, vẫn sử dụng tốt. Ghế có bánh xe, nếu không ngồi ăn thì vẫn có thể tháo chân ra làm xe đẩy. Mình để bụi nên hơi cũ, về chỉ cần lau chùi chút là dùng được. Bạn nào cần có thể ghé lấy. Nhà mình ở đường Triệu Quốc Đạt”, thông tin được chị Nguyễn Thị Phương Trà (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đăng trong Fanpage “Freecycle Đà Nẵng - Nơi cho, tặng đồ hoàn toàn miễn phí” ngày 25-9. Ngay khi đăng tải, vài thành viên trong nhóm đã nhắn tin hỏi xin.

Chị Trà cho hay, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, chị phát hiện chiếc ghế mình mua cho con gái trước đây vẫn còn sử dụng tốt nên muốn tặng lại người có nhu cầu. “Thông tin vừa đăng đã có bạn nhắn tin xin về sử dụng. Tôi thấy vui khi sản phẩm có thể giúp ích cho những ai thực sự có nhu cầu”, chị Trà chia sẻ.

Những món đồ được cho, tặng phần lớn đã qua sử dụng hoặc chủ nhân không có nhu cầu dùng đến. Người muốn xin chỉ cần nhắn tin, hẹn thời gian đến lấy mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Chị Trần Thị Diệu Hiền (23 tuổi, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho biết thỉnh thoảng chị dọn nhà, dư ra một số vật dụng, quần áo đã qua sử dụng. Để sản phẩm trở nên hữu ích, chị giặt rửa sạch sẽ rồi đăng lên Fanpage với hy mọng món đồ nhanh về tay chủ mới.

Chị Hiền kể, có lần chị đăng thông tin tặng máy sấy tóc để lâu không dùng. Một bạn giới thiệu là sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhắn tin xin nhận và mang đến tặng chị chậu xương rồng nhỏ. “Cô bé bảo xương rồng mình trồng nên tách ra vài nhánh tặng tôi thay lời cảm ơn. Quả thật niềm vui được cho đi và nhận về rất đặc biệt, đó không hẳn là vật chất, mà là niềm vui tinh thần được bồi đắp bởi những điều giản dị, dễ thương”, chị Hiền nói.

Xây dựng cộng đồng sống trách nhiệm

Hoạt động tại Đà Nẵng từ năm 2018, cộng đồng Freecycle Đà Nẵng (gần 9.000 thành viên) đưa ra các tiêu chí hoạt động nhằm bảo đảm mục tiêu kết nối các cá nhân có nhu cầu cho, tặng hoặc nhận đồ cũ, mới hoàn toàn miễn phí. Anh Nam Phong (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), thành viên quản trị trang, khẳng định Freecycle Đà Nẵng không phải nhóm từ thiện. Freecycle hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ những món đồ miễn phí. Do đó, thành viên đăng bài cần ghi rõ thông tin món đồ, khu vực sinh sống để người có nhu cầu cân nhắc về quãng đường đi lại nhằm tránh phát sinh phí vận chuyển. “Chúng tôi lập nhóm này vì nhận thấy nhiều người đang lãng phí những món đồ còn giá trị sử dụng.

Chúng tôi tin rằng “cũ người, mới ta”; đồ dùng không còn hữu ích với người này nhưng sẽ phù hợp với người khác. Điều chúng tôi mong muốn là cả người cho lẫn người nhận đều hiểu đúng bản chất thông điệp này. Với những bài viết mang tính chất quảng cáo hay bán hàng, quản trị viên sẽ xóa hoặc “chặn” thành viên khỏi nhóm mà không cần thông báo trước”, anh Phong thông tin.

Có thể nói, vừa tiết kiệm chi phí mua sắm, vừa tránh lãng phí tài nguyên rác là một trong những mục tiêu hoạt động của Freecycle Đà Nẵng. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, một số thành viên Freecycle Đà Nẵng đã chủ động kết nối, tìm kiếm sản phẩm gửi tặng bà con vùng đồng bào dân tộc.

Tham gia Freecycle Đà Nẵng từ năm 2020, Nguyễn Kim Anh, sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết, nhiều thành viên có nhu cầu cho, tặng quần áo số lượng lớn với mục đích từ thiện. Do vậy mới đây, Kim Anh cùng nhóm bạn học đứng ra tập hợp và chuyển đường bưu điện ra huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) tặng thầy cô và các em nhỏ vùng cao. “Ngoài quần áo, chúng tôi xin được khá nhiều đồ chơi, sách và truyện để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ vùng cao”, Kim Anh cảm động nói.

HUỲNH LÊ

.