Đà Nẵng cuối tuần
Đám cưới đón xuân
Đến đầu làng, tôi xuống xe, bước chầm chậm trên con đường bê-tông. Hôm nay là 30 Tết, sương dường như ấm hơn, rét ngọt ngọt, dễ chịu. Đây là khu ruộng nhà ông Phanh, bà Ún, lúa mới cấy, bắt đầu xanh bén chân. Đây những ngôi nhà thân quen, khói bếp trắng xốp đang bay chầm chậm. Thơm quá, tôi đứng im, hít hà mùi khói ấy để thật no nê cái hương vị quê hương.
Cứ như vậy, tôi lâng lâng, phấn chấn, bay bay... “Nhanh chân lên em, anh muốn về nhà lắm rồi” - Hiêng giục. “Thì từ đây về nhà có mấy bước chân, em muốn đi thật chậm để thỏa những đêm nhớ nhà quay quắt”.
Hiêng sánh vai tôi, đếm từng bước như tôi.
Tết này chúng tôi sẽ làm đám cưới ở quê.
***
Thế là sắp một năm rồi, lần đầu tiên tôi xa nhà lâu thế. Hôm ấy là mùng 8 tháng Giêng. Nhà tôi, đông đủ anh em họ hàng đến chia vui, tiễn đưa tôi đi làm công nhân công ty. Bố tôi đang có lời với mọi người: Ngày mai cháu Liến đi làm xa, gia đình có bữa cơm, chén rượu mời các ông bà, cô chú, các cháu… đến chúc mừng, cho cái Liến lên đường tốt đẹp. Bố vừa dứt lời thì đồng loạt mọi người đứng lên. Các chén rượu đến bố mẹ, đến tôi. Chúc mừng, chúc mừng… vang vang. Đợi hết một đợt chúc, chú Hạ lại gần tôi, dặn dò: "Cháu xuống làm dưới đấy, nhớ phải chăm chỉ, chấp hành nội quy công ty cho tốt, đến nơi, nhớ gọi điện về cho bố mẹ, anh em họ hàng yên tâm. Xóm mình chưa có ai đi làm xa thế này, cháu lại là con gái… mọi người lo lắm". "Vâng, chú yên tâm, công việc sẽ ổn thôi… cháu 19 tuổi rồi, còn bé bỏng gì nữa". "Là chú cứ nói vậy, chú tin ở cháu, cố gắng phấn đấu cháu nhé".
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tiếp theo lại từng người đến chúc mừng, dặn dò, có người còn bày tỏ lo lắng. Chú Hạ từ nãy vẫn “theo dõi” mọi người, chắc thấy nhiều người lo lắng quá, liền nói to: "Thôi, mọi người vui lên, tin tưởng lên… người dưới đất cứ lo người trên cây sao được". “Đúng đấy các ông các bà ạ, lo gì mà lo, xã mình mấy chục người, cả huyện nghìn người đi làm công ty đều khá cả, ai cũng có tiền gửi về phụ giúp gia đình”, Hiêng nói làm mọi người quay hết về phía mâm cuối. Tôi ngạc nhiên, như không tin vào tai mình nữa.
… Suốt mấy ngày Tết, tối nào Hiêng cũng sang nhà tôi chơi. Đã ba tháng Hiêng “có ý” với tôi…. Tết là dịp để Hiêng dễ nói những điều khó nói. Thực ra tôi cũng có cảm tình với Hiêng. Hiêng nhà xóm trên, học trên tôi một lớp, tốt nghiệp THPT thì về ở nhà làm ruộng, làm rẫy. Hiêng chăm chỉ, cư xử được lòng mọi người, bố mẹ tôi cũng mến. Không rõ Hiêng đã nói gì trước đó với bố mẹ tôi mà một hôm mẹ gọi tôi lại bảo, mẹ thấy thằng Hiêng được đấy, con lấy chồng đi. Con chưa lấy chồng đâu, mới 19 tuổi, vội gì. Con cũng đã học xong, không đi học tiếp thì lấy chồng sinh con đẻ cái, chứ định ở một mình mãi à…
Con cũng sẽ lấy chồng nhưng chưa phải lúc, nhìn tấm gương các chị trong xóm mới tí tuổi mà đã hom hem như bà già… con sợ lắm. Mẹ khuyên bảo điều tốt, con không nghe thì kệ con, sau này đừng có trách.
Tôi chưa thể nói cho mẹ biết kế hoạch của mình. Tôi sẽ phải khác, tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn bố mẹ, anh chị mình. Xóm làng bây giờ đã đổi mới, nhà nào cũng nhà xây, đường đi lối lại đều đã bê-tông; các nhà đều đủ ăn, gần 100% có ti-vi, xe máy... Nhưng như thế chưa thể gọi là khá được. Đời sống phải đi lên, tôi - tuổi trẻ thế này, sao có thể bằng lòng được.
Tôi không nói với ai, tự nghĩ, tự tìm hiểu. Hôm ấy ra phố, thấy rất đông thanh niên rủ nhau đi đến chỗ “Ngày hội việc làm”. Tôi vào ngay gian của công ty giày da D&C, trình bày thẳng nguyện vọng của mình. Chị đại diện công ty nói cặn kẽ tiêu chuẩn tuyển dụng rồi dặn tôi cứ về nhà suy nghĩ, bàn bạc với gia đình… tháng 1 tới sẽ là đợt tuyển đầu năm của công ty.
Trước đó, chuyện đi công nhân công ty đã đến làng tôi. Các ông bà già lắc đầu ngay, bảo: "Không được… mình quen làm ruộng làm rẫy, xuống đấy toàn máy móc sẽ lúng túng như gà mắc tóc, tai nạn chết người như chơi". Các thanh niên có vẻ thích thích nhưng chần chừ mãi chả thấy động tĩnh gì. Hỏi sợ gì không đi à, thì thở dài… thôi mình cứ ở nhà cho lành, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, làm người tự do sướng hơn. Tôi lắc đầu ngán ngẩm. Thời buổi bây giờ thích tự do vô kỷ luật thì chỉ có “công ty đói nghèo” thôi.
Tôi chưa nói với ai việc mình sẽ đi làm công ty giày da. Hôm ấy, tôi đang viết hồ sơ thì có điện thoại. Tôi vừa nghe vừa đi ra sân… không biết lúc ấy, Hiêng cũng vừa tới. Tôi quay vào, Hiêng hỏi luôn, em đi làm công ty thật à. Anh vừa đọc trộm rồi phải không… biết rồi thì em nói thẳng luôn - đúng, ăn Tết xong em sẽ đi, không ai thay đổi được quyết định này. Tôi dằn giọng. Hiêng mặt đỏ, rồi tái, bặm môi, nói rít qua kẽ răng - vậy thì kiểu gì chúng ta cũng sẽ chia tay, người làm rẫy ở xóm, người làm công ty, xa nhau gần nghìn cây số… em nghĩ lại đi. Em nghĩ mãi rồi, không nghĩ lại được. Hỏi lại lần nữa, em đi hay ở lại. Đi, không có chuyện ở lại, tôi đáp trống không, kiên quyết.
Hiêng đùng đùng bỏ về, nghe bịch bịch bước chân xa dần. Tôi ngồi phịch xuống ghế, tưởng như đầu sắp nổ tung…
Hôm sau, Hiêng không đến, cũng không gọi điện, nhắn tin. Tôi cũng thế… cố quên, cố đưa ra khỏi đầu cái tên Hiêng.
Ngày thứ ba, tôi đã bình thường trở lại. Thì lúc cả nhà đang ăn cơm, Hiêng đến, chào to. Bố mẹ tôi vui mừng ra mặt, bố đứng dậy lấy chén, rót rượu. Hiêng ngồi xuống, kể lể… cháu bận đi đào móng nhà giúp anh họ bên Thanh Mé, hôm nay mới xong ạ - Hiêng nói và liếc sang tôi.
Tôi ăn cho nhanh rồi chui tọt vào buồng nằm. Hiêng vẫn khề khà với bố. Chợt tiếng bố hỏi: "Chuyện cháu với cái Liến thế nào rồi, sao mãi chưa cho bố mẹ sang thưa chuyện người lớn". "Dạ, bố mẹ cháu rất mong được như thế, nhưng em Liến chưa nhất trí ạ". "Sao, còn chần chừ gì nữa? Con này nghĩ quẩn rồi". Bố đứng dậy, vào giường lôi tôi dậy, kéo ra. "Nào bây giờ con nói đi, hai đứa đã yêu nhau, thằng Hiêng nhiệt tình thế, tại sao mãi không tính chuyện cưới xin". Đến nước này thì tôi phải nói thẳng: "Con sẽ đi làm công ty dưới Quang Minh, chuyện cưới chưa biết thế nào… có thể đám cưới không xảy ra". Bố gầm lên, Hiêng nhìn tôi, len lén xin phép ra về.
Tôi nghĩ như thế là chấm dứt, xong một mối tình. Từ đấy, hai đứa không liên lạc, gặp gỡ gì nữa. Mấy ngày Tết cũng không… Cho đến tận hôm bố mẹ tổ chức bữa cơm liên hoan cho tôi đi.
“…Lo gì mà lo, xã mình cả trăm người đi làm công ty đều khá cả…”. Lời của Hiêng chung chung nhưng rõ ràng là ủng hộ tôi. Thật lòng hay ý gì khác đây, hay không cản được thì vờ vịt lấy lòng để tôi quay lại… rồi đám cưới… rồi con cái… lúc ấy tự tôi sẽ an phận.
Mâm bát dọn xong, lúc tôi đang rửa bát ngoài vòi nước thì Hiêng ra, ngồi xuống bên cũng rửa bát… Mặc kệ, tôi không nói gì. Mãi lâu, Hiêng nắm lấy tay tôi bảo, anh cũng muốn đi công ty, giờ làm hồ sơ có kịp không nhỉ? Không biết… Anh muốn hai đứa mình xuống đó được gần nhau, vui buồn, ốm đau có nhau… để em một mình nơi xa lạ anh lo lắm. Tôi quay sang nhìn Hiêng, thấy vẻ mặt tồi tội… Anh có thật lòng như thế không? Nếu thật thì vẫn còn cơ hội, không công ty này thì công ty khác, con trai khỏe mạnh thiếu gì việc làm phù hợp. Hiêng nắm lấy tay tôi lắc lắc, anh nói thật mà…
Tối hôm sau tôi lên xe giường nằm. Sáng hôm sau tìm nhà trọ, rồi đến công ty. Công ty có nhiều bộ phận như chặt may, ghép thành hình, quét keo dán đế, gia công gót đế, vẽ đồ họa mẫu, kiểm tra chất lượng, thợ điện vận hành máy móc công nghiệp…
Tôi được phân công về bộ phận quét keo dán đế. Nhận đồ bảo hộ xong, tôi xuống xưởng luôn. Anh trưởng ca đưa tôi lại chỗ một chị và dặn dò, đây là công nhân mới, kèm cặp giúp đỡ em này nhé. Tôi theo chị về chỗ ngồi làm của mình. Mắt tôi loang loáng những chiếc đế giày chạy trên dây chuyền, những công nhân không thấy ngẩng mặt lên, chỉ đôi tay thoăn thoắt.
Tôi chưa được làm gì, chỉ ngồi cạnh chị nhóm trưởng… xem làm. Tay chị liên tục phết keo, hết chiếc này đến chiếc khác, vừa làm chị vừa nói: "Làm việc này phải gọn gàng, nhanh tay nhanh mắt, lượng keo phết phải vừa đủ… Nào cho em làm thử". Một phút ngượng tay, tôi căng thẳng quét quét… Chưa được, phải quét liền mạch, không nhấc chổi lên như thế keo sẽ không đều… Làm lại đi… Thế thế sắp được rồi đấy…. Tôi đã có sản phẩm đầu tiên, chiếc đế giày mang dấu tay tôi đang đi tiếp bộ phận khác để hoàn chỉnh.
Một tháng trôi qua. Tôi lâng lâng nhận tháng lương đầu tiên. 7 triệu đồng, bằng 7 tạ thóc. Tôi sung sướng gọi điện về cho mẹ. Mẹ nghe một lúc rồi đưa máy cho bố. Bố phấn khởi dặn, đoạn đầu tốt như thế thì con phải cố gắng chăm chỉ chuyên cần… ở nhà yên tâm, có việc gì nặng thằng Hiêng vẫn sang giúp đỡ. … Ô, sao lại Hiêng, tôi đang thầm ngạc nhiên thì rõ tiếng Hiêng… Bố mẹ vẫn khỏe, em yên tâm nhé, nhà mình vừa gặt xong năm nay được mùa đấy. Tôi vui và đi gửi ngay 3 triệu về biếu bố mẹ.
Thời gian thấm thoát, giờ tôi đã hoàn toàn tự tin trong dây chuyền, được tổ trưởng, trưởng ca tin tưởng.
Một tối, tôi vừa ăn cơm xong, đang lướt điện thoại thì có tiếng gõ cửa, rồi tiếng gọi to: "Liến ơi… Liến ơi…". Cửa mở, là Hiêng. Hiêng kể, anh làm ở công ty sản xuất tấm lợp bro xi-măng, cách công ty giày da 3 cây số… ngày nào anh cũng đi ca 9 tiếng, chưa kể một tuần tăng bốn ca đêm...
***
Mùng 8 tháng Giêng, đúng một năm tôi đi công ty, chúng tôi tổ chức lễ cưới. Lần đầu tiên ở xóm có hai công nhân công ty, “rủ nhau” đi làm dưới xuôi, “rủ nhau” thành vợ thành chồng. Người già thanh niên, trẻ con cả xóm đến dự hết để được vui đám cưới đón xuân.
DU AN