Đà Nẵng cuối tuần
Lỗ Hạc triều dương
Các cụ xưa bất kể sự dị bản, đã giành chiếc thuyền Lộ Hạc trong câu thơ của vua Lê thành Lỗ Hạc - nghĩa là Hạc (từ ruộng) Muối - của làng mình. Gành Lỗ Hạc trông như chiếc thuyền rất phù hợp với tư duy hình tượng của vị vua thi sĩ!
Mõm Lỗ Hạc, còn gọi là hòn Phụng, đón ánh mặt trời lúc bình minh. Ảnh: Đ.D |
Gành đá Nam Ô dân gian từ xưa gọi là Hòn Phụng, có lẽ được tạo sơn không cùng lần với Hòn Quy (núi Xuân Sơn) liền kề ở phía tây chăng mà có kết cấu chất liệu đá khác nhau hoàn toàn. Núi Xuân Sơn là nguyên khối đá mỡ, còn gành đá Nam Ô được thiên nhiên ban tặng gồm các đá khối granit rời và đất, dạng núi thấp nhỏ, vì ở điểm cuối. Gành có 2 phần, phần nổi cao hơn mặt nước biển có nhiều cây cổ thụ và gỗ tạp mọc xanh um.
Từ xưa dân làng nơi đây gọi là Hòn Phụng, phần nhoài ra biển người ta gọi là mõm Hạc. Mõm Hạc vục mỏ trong biển mặn nên có tên Lỗ Hạc như trong bài văn tế lạc thành mộ tiền hiền của làng mô tả về nơi tọa lạc của mộ ấy, khi các cụ ngày xưa viết: “Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án” (Cung Chấn thuộc Đông mom Lỗ Hạc chầu mặt trời buổi sáng, phương ấy có núi Sơn Trà làm án).
Hướng mộ tiền hiền cũng là hướng đất làng Nam Ô ngửa mặt nhìn ra vịnh Đà Nằng tiếp giáp với Biển Đông mênh mông bát ngát, điều này làm các cụ dễ trải lòng bay bổng về địa trạch phong thủy của làng là đất “ngũ nhạc triều quy” (năm ngọn núi chầu về nhau - ĐNCT). Này nhé, nhìn xa về phương Tây có hai núi Ba Viên, Bà Nà hậu ủng, hướng Bắc hướng Nam có núi Hải Vân và Phước Tường là cặp “long sa, hổ sa” cân đối. Phương Đông đột khởi Sơn Trà như một chiếc án thư chờ vương ấn. Năm núi chầu về tích tụ linh khí để thành vượng địa, đất quý - địa linh!
Gành đá Nam Ô là con chim Phụng có mõm Hạc xanh nổi lên giữa bãi cát vàng như đôi cánh chói lóa dưới ánh nắng ngày, ngàn năm xòe rộng muốn bay ra biển lớn. Một hình tượng kỳ tuyệt mà các cụ xưa hay phúng dụ để tự hào! Theo tục truyền, hàng trăm năm năm trước có một vị khách hàng quận công qua đây nghỉ chân đã “cảm cảnh đề thơ” phóng bút vào vách đình làng bài thơ còn lưu dấu: “Đan phượng hàm châu bán nguyệt hình/ Áng tiền đường lộng khởi tam tinh/ Triều lai ngũ thủy long thanh bạch/ Văn võ đinh tài thạnh phát minh”. Tạm dịch: Phượng xanh ngậm ngọc nửa hình trăng/ Vịnh trước nhà sao rực ánh giăng/ Nước về năm ngọn hừng lai láng/ Tài trai phát lộ thịnh võ văn.
Vào những đêm trăng, gành Lỗ Hạc này nhìn từ xa như chiếc thuyền gối bãi vục mỏ vào sóng biển dập duềnh trên mặt vịnh Đà Nẵng, bằng tư duy ấy, khi các cụ đọc hai câu thực trong bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ” của vua Lê Thánh Tôn khi “ở lại cửa biển Hải Vân” trong lần chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 đã ngự tác “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Trăng Đồng Long canh ba đêm tĩnh/ Thuyền Lộ Hạc năm trống (canh) gió đưa).
Các cụ xưa bất kể sự dị bản, đã giành chiếc thuyền Lộ Hạc trong câu thơ của vua Lê thành Lỗ Hạc - nghĩa là Hạc (từ ruộng) Muối - của làng mình. Gành Lỗ Hạc trông như chiếc thuyền rất phù hợp với tư duy hình tượng của vị vua thi sĩ! Trống cầm canh từ cái làng chài núp mình bên gành đá, mà ban ngày nhìn từ xa vừa như chiếc thuyền gối bãi vừa giống hình con Hạc vục mỏ trong biển mặn để đêm ấy trống canh văng vẳng gió đưa ra đến thuyền vua... để chiếc thuyền Lộ Hạc trong bài thơ kia cho đến bây giờ nhiều danh gia vẫn còn tranh cãi. Chợt nghĩ, cái làng của các cụ hơn nửa ngàn năm trước có cuộc sống bình lặng và quy củ đến thế sao?
Mom Hạc kia vẫn gác mỏ trên sóng nhìn ra cửa biển mịt mù trong thời khắc lê minh (lúc rạng sáng), từng khối mây đùn lên từ chân trời phía ấy tạo ra thiên hình vạn trạng in trên màu trời dát vàng dát bạc trước buổi bình minh,... để hình thành câu đồng dao “Ngó ra ngoài biển mù mù/ Thấy ba ông Phật che dù nấu cơm/ Một ông xách bát đi đơm/ Hai ông ứ hự nồi cơm chưa vần”. Ôi! Một cảnh yên bình no ấm quá. Những hình tượng thay đổi từng ngày phía ấy báo cho biết trời yên biển lặng hay biển động sóng cồn.
Mom Lỗ Hạc vẫn chầu mặt trời buổi sáng chói rạng ở phương đông, phía bán đảo Sơn Trà (Chà) bềnh bồng trên mặt vịnh lăn tăn ánh sáng mặt trời ban mai. Núi Sơn Trà như đài khí tượng tiên báo gió mưa “Đời ông cho chí đời cha/ Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa” để “Mây đắp mé bắc bấc chồm, mây phủ sườn nam nồm rộ, Sơn Trà đội mũ là gió đông mềm”.
Từ hiên làng Nam Ô nhìn về hướng nồm rộ ấy, từng khối cao ốc mọc lên từng ngày báo cho biết sự phát triển của một thành phố trẻ vươn cao tráng lệ để người ta bảo không có góc đứng nào thu được toàn cảnh phát triển của thành phố Đà Nẵng trong tầm mắt như ở đây. Từ hướng ấy, trong những đêm biển lặng, phía Đà Nẵng hừng lên ánh sáng đủ màu làm nền cho sự sinh động của các thuyền rực sáng ánh điện đan xen trên mặt biển đêm tìm luồng cá nổi, đẹp biết bao!
Cũng bên hiên làng chiều nay lại nhớ hình ảnh “Chiều chiều ra biển ngó trông/ Anh đi mành cội gió giông chưa về” của người vợ chờ chồng còn nơi biển khơi với tâm trạng biết bao lo lắng của thời xưa ấy. Bên hiên chiều của bến làng trước mặt, đã từng là “Bờ cha thuyền động máy reo/ Mai về chở nắng về theo đầy thuyền/ Mẹ chờ quảy nắng lên nguồn/ Chiều về nắng nhạt lòng thương hai bờ” (thơ Đặng Phương Trứ) là một cảnh rộn ràng no ấm. Những chiếc thuyền đánh cá chở khẳm cá tươi lặc lè cập vào bến làng, sáng trưa chiều tối, rộn rã tiếng cười, tiếng nói, tiếng kĩu kịt của những quang gánh cá tươi trong ngày được mùa đắc biển. Tất cả là hình ảnh no ấm đẹp đẽ của cái làng biển một thời vang bóng.
Lỗ Hạc vẫn triều dương! Bến biển làng xưa, chừ vẫn là bóng con thuyền Lỗ Hạc cổ tích ấy. Nhớ xưa, thuyền buôn ghe bầu các lái ghé đậu đến đi rộn ràng, còn đâu bóng dáng của những đôi mành đánh cá sáng chiều vào ra nhộn nhịp. Ngày nay, những chiếc thúng nhôm đã thay thế, neo đậu san sát dập duềnh trên bến làng như để nhắc nhớ sự tồn tại của làng biển đã từng “người ta đi biển có đôi” nghĩa là đi biển ngày xưa trên thuyền có nhiều người để chia sẻ hiểm nguy nặng nhọc, còn bây giờ thì trên chiếc thúng nhôm ấy thì chỉ có một mình anh “đi biển mồ côi một mình”…
ĐẶNG DÙNG