Đà Nẵng cuối tuần
Tác phẩm văn học cổ nhất Việt Nam
* Hôm rồi nhân nói chuyện văn thơ Hán Nôm, một cụ đọc hai câu “Hải ánh vân nhi tự xuân/ Vân chiếu hải nhi sinh bạch” rồi nói là nằm trong một tác phẩm cổ xưa nhất của Việt Nam. Chúng tôi tìm mãi mà chưa thấy xuất xứ hai câu này, rất mong được quý báo giải đáp giùm. (Trần Văn Ngọc, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
- “Hải ánh vân nhi tự xuân/ Vân chiếu hải nhi sinh bạch” (Biển phản ánh bóng mây mà tự thấy lòng xuân/ Mây soi chiếu vào biển mà thêm trong trắng). Hai câu này nằm trong bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi biển xuân) được tác giả Khương Công Phụ, sáng tác vào thế kỷ thứ VIII. Tác phẩm được nhiều học giả đánh giá là tuyệt tác, áng văn bất hủ; được xem là tác phẩm văn học cổ nhất của tác giả Việt Nam. Tiểu sử của Khương Công Phụ được trang vansu.vn cho biết như sau: Ông là danh sĩ trong đời Bắc thuộc lần thứ III, tự Khâm Văn, quê ở huyện An Định, quận Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay).
Đời Đường Đức Tông, ông sang Trung Quốc dự thi, đỗ tiến sĩ, rồi được bổ sung chức Thập di. Mỗi khi triều kiến, ông tâu đối phân minh, khiến các quan Trung Quốc đều phục.
Ông thường khuyên Đức Tông nên giết viên Tiết độ sứ Châu Tỷ đề trừ hậu hoạn. Đức Tông không nghe. Kịp khi Châu Tỷ dấy binh đánh phá. Đức Tông phải chạy ra Phụng Thiên, mới nhận ra ông là người tinh tế, bèn phong ông làm Gián nghị Đại phu, Đồng bình chương sự.
Khi công chúa Đường An từ trần, Đức Tông toan làm lễ chôn cất trọng hậu, ông dâng sớ can ngăn mấy lần làm vua phật ý. Bọn gian thần ghét ông, nhân cơ hội gièm pha. Ông bị giáng làm Tả thứ sử, rồi lại đổi ra làm Biệt giá ở Truyền Châu (phụ tá Thứ sử ở Truyền Châu).
Đến đời Thuận tông, cất nhắc ông làm Thứ sử Truyền Châu. Chẳng bao lâu thì ông mất, khoảng năm Ất dậu 805. Ông là tác giả bài phú Bạch vân chiếu xuân hải nổi tiếng.
Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, dưới triều vua Đường Đức Tông (780-803), Khương Công Phụ sang Trường An dự thi và đỗ đầu, được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu về dự thi. Đặc biệt, trong kỳ thi này, em trai của ông là Khương Công Phục cũng đỗ tiến sĩ.
Theo sách đã dẫn, Khương Công Phụ (731-805) tự là Đức Văn, người làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra, lớn lên trong thời Bắc thuộc, Khương Công Phụ sang kinh đô Trường An của nhà Đường (Trung Quốc) tham gia thi tuyển chọn tiến sĩ và đỗ đầu (trạng nguyên). Sau khi đỗ đạt, ông tham gia làm quan dưới thời Đường. Ngày nay, quê ông vẫn còn đền thờ.
Khương Công Phụ vốn tính cương trực, thẳng thắn, không sợ kẻ cường quyền. Đến vua Đường làm sai, ông cũng mạnh dạn góp ý, can ngăn. Trong khi đó, các quan đại thần là người Hán trong triều nhà Đường không dám làm điều này.
Về sáng tác của Khương Công Phụ trang kienthuc.net.vn cho biết, sinh thời, ông sáng tác rất nhiều. Rất tiếc đến nay, các tác phẩm của ông đã thất lạc hết, chỉ còn 2 bài thơ được lưu trong trong Toàn Đường văn, quyển 446, gồm: “Bạch vân chiếu xuân hải” và “Đối cực ngôn trữ gián sách”. Trong đó, bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” có tổng cộng 323 chữ.
ĐNCT