Từ xa thoáng thấy cái dáng của bà Năm bưng cái thúng đi xuống con dốc là Mẫn đã chạy ra đường đứng đợi. Bà Năm tới gần, thấy cái mặt hớn hở của Mẫn liền nhẹ nhàng để cái thúng xuống vệ cỏ. Mẫn sà xuống, hít lấy hít để mùi bánh gói thơm lừng. Rồi chẳng đợi bà Năm bỏ bọc đem vào nhà, nó lột bánh ăn tại chỗ. Bánh nóng hổi, Mẫn vừa đổi tay lia lịa vừa lột lớp lá chuối để lộ ra lớp bột gạo mềm mướt. Mẫn vừa cắn vừa xuýt xoa khen bánh của bà Năm ngon nhứt xứ. Lớp nhân bằng tôm khô với thịt heo bằm nhuyễn có thêm lá hành tươi ngon không tả nổi. Bà nhìn thằng nhỏ ăn mà cười, bảo ăn từ từ thôi kẻo nghẹn. Mẫn ăn xong, đưa mấy ngón tay lên miệng mút ra chiều tiếc nuối, nó bảo mình mà có bốn ngàn là ăn hai cái rồi, tiếc là nó chỉ để dành được hai ngàn thôi. Bà Năm mở bọc, lấy ra đưa cho Mẫn thêm một cái bảo ăn đi, hồi nào có tiền thì trả. Mặt Mẫn phân vân, ra chiều nghĩ ngợi. Bà Năm cười giục nó ăn, có cái bánh chẳng lẽ bà không cho nó được. Rồi bà lại tất tả bê cái thúng lên cắp ngang hông, đi bộ ra chợ. Nhà bà làng trên, nhà Mẫn làng dưới, sáng nào bà cũng bưng thúng bánh đi ngang nhà Mẫn. Đường ra chợ xa tít, sương đêm ướt đẫm vệ cỏ ven đường.
Một bữa, Mẫn thấy bà Năm ngồi nghỉ mệt ở cây đa đầu dốc. Dáng lưng cong cong, bà ngồi day nhẹ nhẹ lên lưng rồi xoa xoa hai cái đầu gối rệu rạo. Mẫn đi lại gốc đa rồi ngồi xuống với bà. Trên tay nó có mớ rau dớn tươi non vừa hái ở ven suối. Mẫn cũng mười ba, mười bốn tuổi rồi mà người bé choắt. Mẫn một buổi đi học, một buổi lội khe suối hái thêm rau, bắt thêm con cá con ốc, ít thì để ăn, nhiều thì đem bán phụ ba ít tiền. Mà ba nó bữa làm bữa nghỉ, tiền kiếm được lại đổ hết vào rượu. Mẫn nói trời nắng to quá, đi bộ ra chợ cả tiếng đồng hồ sao bà Năm không đạp xe đạp hay gọi xe thồ đi cho nhanh. Bà cười, giơ hàm răng đã rụng đi vài chiếc bảo mình già rồi, sức đâu mà đạp xe. Còn tiền bán bánh lời được mấy chục ngàn, đi xe thồ là hết.
- Vậy chứ con cháu bà đâu. Nói tụi nó chở bà đi. Dễ ẹc mà!
Bà nhìn xa xăm ra những vệt nắng nhảy nhót đang đuổi nhau trên đồng. Mẫn nói, chắc bà không con không cháu gì rồi. Bà cười, bảo mình có hai đứa con lận. Một đứa lấy chồng trên thành phố còn một đứa nhà sát vách. Đứa xa thì không chở được, còn đứa gần thì… Câu nói bỏ lửng, mắt bà đỏ hoe. Mẫn hỏi dồn, thì sao hả bà? Bà thở dài, thì chẳng biết có còn thương bà nữa không!
Mẫn cười, nhe hàm răng hết cỡ nói bà Năm giỡn hoài. Ai có má mà không thương. Cỡ như nó có má là lôi hết ruột hết gan ra thương cho đã đời. Mà có má chắc vui lắm ha bà Năm! Câu nói thiệt thà của thằng bé tóc xơ rơ cháy vàng, làn da đen nhẻm khiến bà Năm xốn xang.
- Vậy chứ bây không có má hả?
- Ba con nói má con chết rồi. Thím con lại nói má bỏ đi theo người đàn ông khác. Mỗi người nói mỗi kiểu nên con không biết má còn sống hay chết. Nhưng từ nhỏ đến lớn con không được kêu tiếng má như thằng Út, con My. Con mà có má hả, con thương má hơn tụi nó luôn á bà Năm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người Mẫn gầy đét, làn da phơi nắng đen giòn. Cái lai quần bung chỉ xơ rơ, mấy đầu móng tay đen đúa nhét đầy đất. Rõ là chẳng có bàn tay chăm sóc dịu dàng của mẹ. Nghe thằng nhỏ nói bà Năm thấy xốn xang. Bà vỗ vỗ vào tay Mẫn, bảo hồi nào đi chợ hay thấy bà thì cứ gọi, bà lấy bánh cho mà ăn. Mẫn lại cười, bảo ăn bánh bà lấy chi mà trả. Nó mở cái bọc ni lông, lôi ra một bó rau dớn đưa cho bà bảo trả nợ cái bánh hôm trước. Bà Năm khen Mẫn tử tế, chứ thật ra cái bánh gói có chút éc, bà quên lâu rồi.
Từ bữa đó, thỉnh thoảng bà Năm đi bán ngang nhà thường dúi vào tay Mẫn vài cái bánh. Mẫn lắc đầu nguầy nguậy, bà cười, có vài ba cái bánh thôi mà. Mẫn hay thấy bà ngồi ở gốc đa sau mỗi bận đi bán về, mắt buồn rượi, nhìn xa xăm ra cánh đồng hun hút gió. Thấy Mẫn tới gần, bà lau vội dòng nước mắt đang rịn ra trên đôi mắt già nua…
***
Buổi chiều, bà Năm ra vườn giật lá chuối. Bà lấy con dao xếp, rọc hai bên sống lá rồi tước lá thành những khổ bằng nhau. Nồi bột gạo quấy trên bếp, mớ nhân bánh với tôm khô và thịt heo cũng đã xong. Bà trải lá chuối ra, trải một lớp bột gạo thêm một lớp nhân, rồi thêm một lớp bột gạo gói lại. Bà gập gập miếng lá chuối vài lần, chiếc bánh gói xinh xắn, vuông vức hiện ra. Sáng hôm sau, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên bà sẽ dậy nhen lửa hấp bánh. Bánh chín, bà bỏ trong một cái bao ni-lông quấn chặt để bánh luôn nóng, xong xuôi bà để vào thúng, bê ra chợ bán.
Thấy thằng bé lên bảy tuổi lấp ló ở sân nhà bên kia, bà lấy nhanh vài chiếc gọi nhỏ: “Bin ơi, qua bà lấy bánh gói về ăn này”. Thằng bé mắt sáng rỡ, chưa kịp đặt một chân sang bên sân nhà bà đã bị mẹ gọi giật ngược và mắng te tát.
- Đã bảo bao nhiêu lần rồi, không có chạy sang bên đó kia mà.
Thằng bé vẫn ư ử đòi ăn bánh gói không thôi. Người đàn bà chuyển giọng dỗ dành, bảo chút xíu cho tiền đi học mua bánh mì thịt mà ăn, ngon hơn ăn bánh gói. Bà Năm biết, thằng bé thèm ăn bánh gói bà làm lắm. Mình nó có thể ăn hết vài chiếc chứ chẳng đùa. Thằng bé ấy là cháu nội bà, còn mẹ nó là con dâu bà. Mới đây thôi nó còn chạy qua chạy lại giữa hai sân, còn đưa tay nhận cái bánh gói nóng hổi của bà nội. Nó ngơ ngác nhìn qua nhà bên kia, thấy bà nội đang ngồi như đóng đinh lên ghế.
Ngay giữa sân nhà bà và sân nhà con trai có một hàng rào bằng sắn. Một bữa, con dâu bà ôm về một đống thân sắn, chặt nhọn một đầu rồi đem đóng cọc chia ranh giới hai sân. Mỗi một thân sắn cắm xuống đất là y như thể cắm vào trái tim của bà, nhức nhối. Vai bà co rúm lại nhìn trân trân ra sân. Con trai bà đi làm về, nhìn hàng rào vợ dựng lên chỉ thở dài một hơi rồi không nói gì nữa. Giá như bữa đó, anh con trai cứng rắn đem nhổ mấy cái cọc thì lòng bà không đau đến như thế.
Mà ngẫm lại cũng đâu có chuyện gì to tát ngoài những chuyện muôn thuở mẹ chồng nàng dâu. Con dâu bà là dân buôn, chuyên chạy hàng theo những chuyến xe, tính tình đanh đá, nóng nảy. Suốt ngày nghe con dâu mắng chồng chửi con nên bà có khuyên vài câu. Bà Năm ngồi nói chuyện với mấy bà trong xóm lỡ miệng nói con dâu dạo này tính nết dữ dằn bị mấy bà kia nói ngược lại con dâu, không quên dặm thêm mắm muối cho câu chuyện đi xa thật xa. Ai ngờ, một buổi chiều con dâu về chống nạnh nói má chồng nói xấu con dâu từ ngoài chợ đến khắp làng khắp xóm. Chuyện nhỏ xíu, vậy mà từ nhỏ lại xé ra to, to mãi đến nỗi hai nhà cách nhau có vài bước chân mà thăm thẳm như hai thế giới vậy.
Thân sắn bén rễ, từ thân lơ thơ lên những mầm non rồi bỗng chốc tua tủa. Màu xanh của những ngọn sắn cứ khiến bà nhức mắt. Thân sắn cao bằng mấy gang tay người lớn, mỗi khi mẹ vắng nhà hay lúi húi nấu cơm dưới bếp Bin nhảy qua nhảy lại như tụi con gái chơi nhảy dây. Kể ra hàng rào thấp tẹt, bà nội chẳng cần gắng sức cũng bước qua gọn hơ nhưng sao mấy tháng rồi bà không bước qua nhà nó? Bin còn nhỏ xíu, đâu biết rằng ranh giới mẹ nó chia cắt còn vững chãi hơn bất kỳ thành quách kiên cố nào. Bà Năm nhiều lần đứng canh, hễ thấy thằng cháu ra sân là dấm dúi cho cái bánh, bịch chè. Còn gì khổ tâm hơn là yêu thương mà lén lút như ăn trộm, nhìn máu mủ ruột rà mà không thể cưng nựng.
***
Mẫn ngó chừng cả tuần nay không thấy bà Năm bê thúng bánh đi ngang nhà. Một bữa, nó sốt ruột quá giang ra chợ, ngó nghiêng cái góc bà hay ngồi thấy trống huơ. Buổi chiều ấy, nó lội bộ lên làng trên hỏi thăm nhà bà Năm bán bánh gói. Nó đi theo chỉ dẫn, đi tắt qua đám bắp đang trổ cờ. Tới nhà bà, Mẫn đứng ngoài sân gọi vọng vào mà chẳng có tiếng trả lời. Nó mạnh dạn đẩy cánh cửa gỗ, đứng nheo mắt một hồi nhìn vào căn nhà đầy bóng tối mới thấy được bà Năm đang nằm trên giường. Bà ho sù sụ, gượng dậy. Gương mặt nhợt nhạt chợt ánh lên niềm vui khi nhìn thấy Mẫn. Bà Năm ốm sốt cả tuần nay. Nhìn tô mì tôm nở bung mềm nhũn chẳng biết pha tự khi nào Mẫn thở dài. Nó xuống bếp nhen lửa, tìm nắm gạo bỏ vào nồi nấu cho bà miếng cháo. Mẫn tìm được một quả trứng gà. Khi bát cháo nóng được múc ra, nó đập cái trứng gà vào, quấy cho tan rồi nêm thêm ít tiêu đem lên cho bà. Bà Năm gượng dậy ăn vài miếng rồi rưng rưng nước mắt.
Mẫn ngó ra cái thành quách bằng hàng rào cây sắn thở dài. Mẫn nói mỗi lần có người nói má con theo trai là con gân cổ lên cãi lại. Con không muốn người ta nói xấu má. Mà mỗi lần con cãi, người ta lại nói con hỗn. Người ta nói ba con nát rượu, má bỏ theo trai thì lấy đâu ra ai dạy dỗ mà nên người. Bà già sát nhà con nói má bỏ đi là tại ba. Ba nhậu nhẹt, say xỉn, đánh đập hoài rồi ba theo người đàn bà khác khiến má không chịu nổi nên mới bỏ đi. Người đàn ông kia chỉ là má quá giang ra bến xe tỉnh. Người ta chỉ thoáng thấy cái lưng của má ngồi trên chiếc xe honda vậy mà họ đồn thổi thành câu chuyện má bỏ chồng theo trai đến tận bây giờ. Mỗi lần con nhắc má, ba nói má chết rồi. Mà người chết rồi thì đừng có nhắc tới nữa! Ba đốt hết ảnh của má. Bà già ấy nói con có đôi mắt của má, một đôi mắt buồn. Con thường soi gương, nhìn vào mắt con và tưởng tượng ra gương mặt của má.
Mẫn ngồi một lát thì có tiếng xe máy về bên sân bên kia. Mẫn đứng dậy, bước qua hàng sắn. Con trai bà Năm đang gạt chân chống xe định bước vào nhà.
- Bà Năm đau nặng, sao chú không đưa đi bệnh viện đi. Nãy con qua thấy bà sốt cao lắm. Sao chú ở sát bên mà không biết?
Một thoáng nhíu mày, rồi anh ta tất tả nhảy qua hàng rào. Bà ho sù sụ, người yếu ớt, gầy gò dưới lớp chăn mỏng. Thấy bà có vẻ không ổn, anh ta vội vã dìu bà lên xe máy, Mẫn ngồi sau ôm chở bà ra trạm xá. Sau một hồi thăm khám, bác sĩ bảo bà viêm phổi nặng, có lẽ dầm mưa, sao mà để nặng đến vậy mới đưa đến bệnh viện, trễ nữa không khéo chẳng qua khỏi.
Bà được tiêm thuốc, truyền nước, thiêm thiếp nằm trên giường. Mẫn và người con trai ngồi trên ghế băng lạnh ngắt. Mẫn nói: "Chú nghe bác sĩ nói không? Chậm trễ xíu nữa là chú chẳng còn má mà gọi nữa!".
Mẫn nói cuộc đời lạ quá chú ha. Sao người có má lại không biết thương. Còn như con muốn thương đến hết ruột hết gan mà biết má ở phương trời nào. Hôm bữa, làng dưới con có đám tang chú có nghe tiếng chiêng tiếng trống vọng lên không? Bà mẹ của ông Bảy chết. Bà cụ già lắm, hơn trăm tuổi chứ ít gì. Ông Bảy ngót nghét tám mươi. Bữa chôn mẹ xong ông Bảy ngồi khóc ơ hờ, khóc như một đứa con nít vậy á. Mà già trẻ lớn bé, ai mất mẹ không khóc! Ông già tóc trắng như cước, cứ ngồi bên đời mà khóc… Bởi vậy, con mà có má như chú thì con ráng thương đến hết gan hết ruột của mình!
Người đàn ông gục đầu xuống, chiếc cổ như giấu xuống đôi vai run run. Mấy dòng nước mắt trào ra chảy dài trên gương mặt sương gió. Tự nhiên lại thoáng thấy những ngày mình còn nhỏ, má cõng anh, bước từng bước qua con đường lầy lội giữa cánh đồng. Anh ôm cổ má, nói con thương má nhứt trên đời, thương hoài thương mãi thôi…
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN