Đà Nẵng cuối tuần

Bày cuộc vui mời thiên hạ

16:20, 03/12/2022 (GMT+7)

Có hai hình ảnh trái ngược ở Doha chiều tối 25-11, trước và sau cuộc thư hùng giữa chủ nhà Qatar và đối thủ Senegal: Trước giờ bóng bắt đầu lăn, từng đoàn cổ động viên chủ nhà với y phục truyền thống diễu hành qua các phố bày tỏ niềm khao khát chứng kiến chiến thắng đầu tiên của đội tuyển và rồi sau tiếng còi tan trận, từng tốp người buồn bã và lặng lẽ rời sân. Lại thua! Tỉ số 3-1 nghiêng về đại biểu châu Phi. Đội nhà yếu thật, chưa đủ sức thi thố ở đấu trường đỉnh cao của thế giới. Mới qua 5 ngày, Vòng chung kết Giải bóng đá thế giới 2022 chứng kiến một cột mốc dễ làm nhiều người áy náy: Qatar trở thành đội chủ nhà đầu tiên của World Cup bị loại từ vòng đấu bảng sau hai lượt đấu. Trước đó, ngay trong ngày khai mạc, là một vết buồn khác khi họ trở thành đội chủ nhà đầu tiên bại trận ngay buổi ra quân.

Bỏ ra số tiền lớn, Qatar kỳ vọng World Cup 2022 sẽ giúp nâng tầm hình ảnh quốc gia. Ảnh: Reuters
Bỏ ra số tiền lớn, Qatar kỳ vọng World Cup 2022 sẽ giúp nâng tầm hình ảnh quốc gia. Ảnh: Reuters

Cảm hứng từ nhiều bất ngờ thú vị

Hy vọng để rồi thất vọng. Người Qatar buồn là chuyện đương nhiên. Nhưng khác với vẻ bộc phát thiếu kiềm chế ở nhiều nơi, họ không để nỗi buồn thao trường sai khiến bản thân, dẫn đến hành vi ngang tàng, kệch cỡm. Giấu nỗi buồn vào lòng, họ rời sân đấu trong dáng chịu đựng âm thầm. Từng người như hiểu rằng bên cạnh điều mất mát riêng lẻ nhỏ nhoi kia, họ đang giữ cho mình sứ mạng của xứ sở tổ chức đăng cai vận hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Tự nguyện bày cuôc vui cho thiên hạ, họ hiểu khách bốn phương sẽ chẳng vui gì trước một chủ nhà vừa nhỏ bé vừa thiếu vắng tiếng cười. Trên hành trình tổ chức đăng cai World Cup lần này, Qatar hiểu rõ thực lực bản thân và chuyện đội tuyển nhà không thể đi sâu vào giải là điều ai cũng nhận ra. Nỗi hụt hẫng xuất phát từ việc phải chia tay giải đấu quá sớm, sau hai lần ra sân nhiều nỗ lực nhưng ít dấu ấn.

Trong tâm thế của người bày tiệc hội, Qatar tìm thấy niềm vui trong bao điều bất ngờ, thú vị diễn ra trên sân bóng những ngày qua, những chuyển động nằm ngoài dự đoán phát đi tín hiệu của nhiều đổi thay, tiến bộ hứa hẹn một vận hội thế giới giàu chất lượng. Bản lĩnh, sự quật cường của các đại biểu châu Á - tiêu biểu là hình ảnh Nhật Bản, Ả Rập Saudi đối đầu không khoan nhượng và giành chiến thắng thuyết phục trước hai nhà vô địch Đức và Argentina - trên thực tế nâng thêm chất lượng và tính thu hút của giải đấu.

Chỉ qua một vài lượt trận ở vòng đấu bảng, cuộc diện tranh tài đã vượt khỏi bao dự đoán mang tính truyền thống. Từ vị trí ứng cử viên nặng ký đặt chân vào trận chung kết, vài đội tuyển hiện đang trong thế chông gai của người leo núi, đứng trước nguy cơ sớm từ giã cuộc chơi. Ít người biết đến Enner Valencia của đội Equador trước khi vào giải nhưng hiện chân sút này đang dẫn đầu cuộc đua danh hiệu Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất… Với sân cỏ vốn chuộng kịch tính và các đột phá nằm ngoài trí tưởng tượng của người xem thì đó là vốn quý, một phẩm chất kéo dài tính hấp dẫn.

Như thông điệp phát ra từ đêm khai mạc, vòng chung kết này được tổ chức để mọi người cùng vui chơi, thưởng ngoạn, quên đi bao nhọc nhằn, bất trắc, tai ương. Bằng những gì diễn ra trên sân bóng, các khán đài và nhiều đường phố, Qatar còn gợi nhắc một ý niệm nhẹ nhàng nhưng mới mẻ về vận hội thể thao có sức hút lớn, tính cạnh tranh cao bốn năm tổ chức một lần. Rằng ngoài chiếc cúp tôn vinh đội tuyển giỏi nhất hành tinh, hãy còn một chiến tích đáng trân trọng, có giá trị thiết thực với đời sống con người: sự hòa ái, chân tình để chia sẻ và chung vai vượt qua nỗi buồn, hướng tới niềm vui khi “về bên một mái nhà”.

Mùi sân cỏ, mùi cuộc đời

“Tôi đang tận hưởng niềm vui chơi bóng đá” là câu nói mới nhất của Lionel Messi, lặp lại ý tưởng nhiều lần anh nung nấu: cầu thủ ra sân luôn dành hết tài nghệ vì niềm vui công chúng và xem niềm vui ấy là của chính mình. Càng lớn tuổi, người ta càng nhìn sự vật theo góc nhìn mới, chú ý đến các chi tiết nhỏ mà trước đấy họ ít khi để ý đến. Có thể vì thưởng thức niềm vui chơi bóng nên chàng trai 35 tuổi này thường ra sân với tâm lý thoải mái, ít chịu áp lực.

Người dẫn dắt anh ở đội tuyển - huấn luyện viên Lionel Scaloni - cũng bảo rằng đội bóng của ông không chịu sức ép phải đăng quang ngôi vô địch và vì vậy, ông luôn dặn học trò mình mỗi lúc vào sân, chỉ cần tận hưởng niềm vui. Argentina sau lúc bị chàng tí hon Ả Rập Saudi đánh bại ở ngày ra quân đã rơi vào thế khó. Để được đi tiếp với giải đấu, họ phải gồng mình vượt qua hai đối thủ không hề yếu là Mexico và Ba Lan. Chiến thắng là động lực nhưng với cách nghĩ của Messi và thầy mình, họ sẽ vào trận bằng sự thanh thản hướng tới niềm vui chứ không phải bằng mọi giá?

Ít nhất một cảnh báo vừa được gióng lên liên quan đến dấu hiệu thờ ơ coi thường sức khỏe, sinh mạng con người chỉ vì chuyên chú chạy theo thành tích thao trường. Ban lãnh đạo đội tuyển Iran trong trận đấu với đội tuyển Anh đã bị công chúng chê trách vì để Alireza Beiranvand tiếp tục thi đấu sau lúc thủ môn này va chạm dữ dội với một đồng đội khiến sống mũi bị gãy, máu chảy đầm đìa. Beiranvand lúc ấy ra hiệu xin rời sân nhưng không ai trong ghế huấn luyện nghe thấy và điều này khiến người xem phẫn nộ. Trong mắt nhiều người, cái đẹp phải đi đôi với các giá trị nhân bản. Niềm vui thao trường không thể đi kèm với nỗi hoảng sợ vì không ai tìm thấy cảm hứng cùng lúc với việc chứng kiến nỗi đau của đồng loại.

Cả nỗi buồn của người thất bại lắm lúc cũng cần được sẻ chia một cách chân thành. Chân sút Breel Embolo của đội tuyển Thụy Sĩ sau lúc đưa bóng vào lưới đội Cameroon và giúp đội nhà giành chiến thắng thay vì ăn mừng cùng đồng đội đã đứng lặng, tay nâng cao về phía trước rồi ôm mặt ra chiều áy náy. Anh gốc người Cameroon, lớn lên tại Yaounde trước khi cùng gia đình định cư tại Thụy Sĩ từ năm lên sáu. Khoác áo quê hương thứ hai nhưng anh đồng thời cảm nhận nỗi đau từ bàn thua và cảnh thất thế mà đội tuyển xứ sở nguồn cội của mình phải hứng chịu. Dáng buồn Embolo tối ấy trở thành một nét đẹp lay động lòng người.

Những danh hiệu âm thầm

Những chiếc bao mỏng trên tay, hồn nhiên len qua từng dãy ghế trống, hàng chục khán giả Nhật Bản nán lại nhặt gom từng mớ chai lọ, giấy vụn bị vứt lăn lóc trên khán đài sân Al Bayt vào tối khai mạc. Một đoạn clip tình cờ ghi được cảnh này của một chàng trai Bahrain có mặt trên khán đài lúc ấy đã khiến nhiều người cảm kích. Đội tuyển Nhật Bản tối ấy chưa ra sân, những người nhặt rác không hề làm màu để được khen ngợi. Tất cả chỉ vì đó là thói quen đã thành quán tính của người “không để rác lại sau lưng sau lúc rời đi”. Chàng trai Bahrain ghi được khoảnh khắc sinh động kia tự nhủ với mình sẽ bắt chước các bạn Nhật Bản với các thói quen đẹp để cuộc sống vui hơn. Một khán giả Việt Nam trong lúc mơ về một vòng chung kết có sự góp mặt của đội tuyển nước mình vào năm 2026 hoặc 2030 cũng viết lên câu bình đầy cảm khái: “Khi cổ động viên Nhật cúi xuống nhặt rác, nhiều cổ động viên nơi khác phải ngước mặt lên nhìn”.

Nghĩa cử này đã kịp lan tỏa. Nhiều khán giả Morocco sau trận đấu giữa đội nhà với đội Croatia cũng nán lại gom rác trước lúc rời khán đài. Cái đẹp sân cỏ đâu chỉ đến từ các đường bóng và tài nghệ cầu thủ.

Theo dõi và hòa mình vào một giải đấu, với công chúng, đâu chỉ qua những pha đi bóng hay những cú sút ghi bàn!

Khu chợ Souq Waqif ở Doha những ngày này sôi động hình ảnh vui nhộn của chàng trai Abubakr Abbass tình nguyện ra phố ân cần chỉ đường cho khách phương xa đến thăm thành phố mình. Giọng nói vui nhộn và cách hướng dẫn sốt sắng của anh khiến khách lạ thấy gần gũi, ấm cúng. “Vui quá, anh ấy khiến tôi cười!”, một du khách nói như reo.

Abbass có thể chưa nghe thông điệp từ đêm khai mạc. Anh hành động chỉ đơn thuần vì niềm vui, vì thói quen mang nụ cười đến cho đời…

ĐÌNH XÊ

.