Đà Nẵng cuối tuần

TÀI NGUYÊN RÁC

Vì một Sơn Trà xanh

05:32, 18/12/2022 (GMT+7)

Bán đảo Sơn Trà được xem là “lá phổi” của thành phố. Để giữ cho “lá phổi” được khỏe, trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, đơn vị ngày đêm không quản ngại khó khăn bỏ công sức và tiền của mình để dọn rác, lưới ma... làm sạch môi trường bãi biển và dưới đáy biển quanh bán đảo Sơn Trà, góp phần làm cho “bộ máy lọc không khí” của thành phố luôn được trong lành.

Đoàn viên, thanh niên thành phố tham gia chương trình “Clean Up Son Tra - Vì một Sơn Trà xanh” do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Đ.H.L
Đoàn viên, thanh niên thành phố tham gia chương trình “Clean Up Son Tra - Vì một Sơn Trà xanh” do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Đ.H.L

Còn khoảng 10-20 tấn lưới ma

Câu chuyện rác thải trở nên nhức nhối và cấp bách hơn khi chúng tôi gặp anh Lê Chiến, người sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SaSa có nhiệm vụ cứu hộ cá heo, cá voi; thu gom rác thải, dọn dẹp đáy biển và tái tạo rạn san hô quanh bán đảo Sơn Trà. Công việc thầm lặng của anh được nhiều người yêu biển ở trong và ngoài nước ủng hộ với hơn 41.000 người theo dõi trang fanpage Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển. “Chúng tôi vẫn dọn rác hằng ngày đồng thời kêu gọi các tình nguyện viên cùng chung tay với mình. Rác thải nguy hiểm nhất là những loại không nhìn thấy được, nằm ở những khu vực hoang vắng. Hiện bán đảo Sơn Trà có 3 điểm có lượng rác thải nhựa tích tụ dày dưới biển khoảng 1-1,5m, kéo dài từ 1 đến 1,5km, đó là vùng biển ở khu vực bãi Đá Đen, bãi Cát Vàng và một địa điểm chưa xác định địa danh trên bản đồ”, anh Lê Chiến lo lắng.

Bên cạnh rác thải nhựa, vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà còn tập trung nhiều lưới ma với khoảng 10-20 tấn nằm sâu dưới biển 10-15m. Mỗi lần vớt, người thợ lặn kéo hàng trăm ký lưới ma bơi lên khỏi mặt nước. Để có 1 giờ làm việc dưới đáy biển, anh Chiến cũng như những cộng sự của mình phải chuẩn bị hơn 10 giờ trên mặt nước. Do đó, để làm tốt công việc thu gom rác dưới đáy biển đòi hỏi người thực hiện phải trang bị các kỹ năng cần thiết như biết lặn đạt chứng chỉ quốc tế, có kiến thức về hải dương học để tránh dòng hải lưu và có sức khỏe tốt bởi một phiên làm việc của một người thợ lặn trung bình từ 4-6 tiếng không ngơi nghỉ ở dưới nước.

Trong khoảng 7 năm qua, Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển SaSa đã nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề xử lý lưới ma nhưng vẫn chưa khả thi bởi các tấm lưới ma nằm sâu dưới đáy biển hơn 10 năm đã mục rũa với nhiều thứ bám vào đó như rong rêu, tảo, hà, xi-măng, ngư cụ, sắt thép… Việc thuê công nhân lựa rác tái chế từ lưới ma rất tốn kém, trong khi đó kinh phí thu được mới chỉ bằng 1/100 so với chi phí thuê nhân công. Anh Lê Chiến cho biết thêm: “Chúng tôi làm việc độc lập, tức là tự bỏ tiền ra để nghiên cứu khoa học. Đây là công việc mình phải làm và là trung tâm duy nhất tại Việt Nam thực hiện điều này. Thông qua những gì chúng tôi làm cho biển, hy vọng sẽ lan tỏa và nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường biển. Theo thống kê của chúng tôi, đến nay diện tích san hô ở biển Sơn Trà chỉ còn 1/100 so với những năm của thập niên 80, 90 do khai thác du lịch và cào hà làm vôi của người dân. Việc tái tạo san hô rất tốn kém, để cấy một cành san hô phải mất 250.000 đồng/cành. Muốn phủ kín 100m2 phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nhưng có thể biến mất chỉ vì một tấm lưới ma”.

Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển SaSa hiện có 6 người chung tay thực hiện dự án tái tạo san hô dưới đáy biển. Tất cả họ đều có kiến thức hải dương học, cơ khí và kiến thức tổng hợp để làm vườn ươm con giống với diện tích hàng trăm mét vuông dưới đáy biển. Theo anh Lê Chiến, rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng bậc nhất trên hành tinh, cung cấp sự sống cho 40% toàn hộ sinh vật dưới đáy đại dương. Trung tâm đã phải tiêu tốn khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện tái tạo san hô trong thời gian qua. Đây là giải pháp cho tương lai nên cần thay đổi nhận thức của cộng đồng và sự chung tay của truyền thông để bảo vệ môi trường biển và nước.

“Bãi biển xanh - Không rác thải”

Trong năm 2022, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp các đội, nhóm, câu lạc bộ, tình nguyện viên và sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường tại bán đảo Sơn Trà và dọc các tuyến biển.

Anh Đỗ Lê Ân, Phó Bí thư Chi đoàn Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng  cho biết, Ban quản lý thường xuyên tổ chức định kỳ chương trình “Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng” vào tháng 4 hằng năm bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách đến bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trong đó có một số hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường như: Chương trình “Clean up Son Tra” với chủ đề “Đi bộ nhanh - dọn rác nhiều” thu hút gần 700 tình nguyện viên tham gia. Cùng với đó, Ban quản lý ra quân trồng 100 cây sao đen tại bán đảo Sơn Trà theo đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do UBND thành phố phát động và phối hợp Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện VietFuntastic trồng cây xanh và dọn vệ sinh tại bán đảo Sơn Trà cho các bạn học sinh đến từ Trường G' Connect Hospitality Education Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam lắp đặt 130 thùng rác phân loại thân thiện với môi trường tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển. Ngoài ra, Ban quản lý tiếp tục xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình “Bãi biển xanh - Không rác thải” tại đoạn biển từ công viên Biển Đông đến khu vực công viên Lăng Ông trên tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa với các hoạt động hướng đến một bãi biển xanh - sạch - đẹp và không rác thải nhựa.

Để nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc nói không với rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái biển và san hô tại bán đảo Sơn Trà, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch lễ hội môi trường hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam với các chuỗi hoạt động thiết thực trong tháng 7 và 8-2022 như: Chương trình “Clean Up Son Tra”, triển lãm ảnh đa dạng sinh học, tổ chức workshop với chủ đề “Tái sinh san hô” và hoạt động chạy bộ “Vì một Sơn Trà xanh”. Bên cạnh đó, Ban quản lý còn phối hợp Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (ĐaNang MRCC), Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SaSa, Câu lạc bộ Sup Đà Nẵng triển khai chuỗi hoạt động phát triển bền vững, gồm hoạt động “Underwater Cleanup - Làm sạch đáy biển”, dọn vệ sinh san hô tại khu vực Hòn Sụp; hoạt động “Beach Ploggin - nhặt rác bãi biển”, dọn vệ sinh bãi biển tại khu vực Bãi Nam; hoạt động “Green Lika - tìm hiểu về du lịch bền vững”. 

Anh Nguyễn Trung Đức, Bí thư Chi đoàn DaNang MRCC cho biết, hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và Ngày đại dương thế giới diễn ra từ ngày 1 đến 8-6, đoàn viên, thanh niên DaNang MRCC đã tham gia nhặt rác ở bãi biển gồm chai nhựa, bình thủy tinh, ngư lưới cụ hư hỏng… và khơi thông cống rãnh tại bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, chi đoàn còn phối hợp Mạng lưới du học sinh Thụy Điển tại Việt Nam thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển tham gia hoạt động chạy bộ nhặt rác và vệ sinh đáy biển. “Chúng tôi đã chạy dọc bãi Nam bán đảo Sơn Trà khoảng 1,2km và lặn biển ở hòn Sụp để dọn rác khoảng 200m2 ở đáy biển. Công việc lặn biển nhặt rác khá vất vả vì phải làm sao để không làm hỏng rạn san hô và cảnh quan dưới đáy biển. Thông qua hoạt động dọn dẹp vệ sinh kết hợp chạy bộ vừa rèn luyện sức khỏe bản thân, vừa góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái biển”, anh Nguyễn Trung Đức nhấn mạnh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.