Đà Nẵng cuối tuần
Phòng ngừa ngộ độc chì từ đồ dùng bằng sành, sứ
* Xin cho biết vì sao đồ dùng bằng sành, sứ dễ gây ngộ độc chì và cách phòng ngừa như thế nào? (Bích Vân, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Các đồ dùng như: đĩa, bát, chén, ly, tách... bằng sành, sứ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Song nếu các đồ này không được sản xuất bảo đảm công nghệ an toàn sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc chì đáng tiếc.
Muốn tránh ngộ độc chì, nên tránh mua các đồ dùng bằng sành, sứ nhiều hoa văn, màu sắc. Ảnh: V.T.L |
Thông thường, đồ sành, sứ, gốm có chứa các chất như chì, cadmium... trong men trang trí hoặc hoa văn. Nếu sản phẩm không đạt nhiệt độ nung chuẩn từ 1.200oC - 1.500oC, sử dụng phụ gia chì với nồng độ cao để làm cho các nguyên liệu nhanh chảy ở nhiệt độ thấp... càng nhiều hoa văn, màu sắc càng sặc sỡ, hàm lượng chì càng cao. Các hoa văn phần lớn đều được dán đề-can hoặc vẽ trên men và nung ở nhiệt độ thấp để giữ được màu sắc đẹp. Vì vậy không thể loại hết được chì. Các đồ sành, sứ này khi tiếp xúc với thực phẩm có tính axit như: dưa chua, dưa nộm, cà phê, sữa, rượu, bia, nước hoa quả, nước đường, canh nóng... chì trong bột màu sẽ thôi ra từng tý một. Khi lượng chì vào cơ thể tích tụ đến một mức nhất định sẽ gây ngộ độc.
Để kiểm tra đồ sành, sứ có bị nhiễm độc chì hay không, trang sulonghau.com.vn (Công ty CP Sứ Long Hầu) đã dẫn lời kỹ sư Phạm Văn Lâm ở Viện Hóa học đưa ra một số lời khuyên cũng như cách thử đồ sứ bằng nước và dấm, giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra phát hiện xem đồ sứ có trong gia đình có an toàn, bảo đảm chất lượng, cũng như biết cách sử dụng đồ sứ an toàn.
Theo đó, thực hiện kiểm tra độ nung và kim loại nặng độc của bát đĩa gốm sứ bằng cách ngâm bát vào dung dịch dấm ăn. Nếu bát có dấu hiệu trắng ra hoặc dấm đổi màu thì không nên dùng.
Kiểm tra bằng nước, đổ một ít nước vào chỗ không tráng men của bát, cốc, đĩa (có thể là phần đế), nếu không hút nước là sản phẩm đạt chất lượng. Nếu thấy bát, đĩa hay cốc đó hút nước nhanh tức là xương bát nung không đủ nhiệt, có pha thêm chì nên chỉ cần nung ở 800oC đến 1.100oC (thay vì 1.200oC-1.500oC) đã ra thành phẩm.
Để giảm giá thành (cho dễ bán chạy), các nhà sản xuất nung thủ công các sản phẩm sành, sứ theo quy trình không chuẩn, thậm chí bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian, chi phí nên càng độc. Những sản phẩm độc hại này càng thôi nhiễm chì cao nếu đựng đồ ăn nóng, chua, nước hoa quả... bởi ở nhiệt độ cao, có axít, kiềm muối sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.
Lưu ý, không muối dưa trong bình gốm tráng men. Không lưu trữ thực phẩm trong các đồ đựng gốm tráng men mà không biết đó là loại men gì. Tránh sử dụng hằng ngày đồ tinh thể chì pha lê. Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng hằng ngày đồ uống nóng trong cốc gốm. Không sử dụng bát đĩa khi thấy lớp men bị mòn nhanh.
Để tránh ngộ độc, không nên chọn mua, sử dụng các đồ sành, sứ quá nhiều màu sắc sặc sỡ để đựng thực phẩm như màu vàng, xanh lam, màu đỏ... Nên chọn các đồ sứ bên trong không màu. Nên chọn các đồ sứ của các cơ sở có công nghệ sản xuất an toàn với lò nung bảo đảm từ 1.200oC - 1.500oC. Khi mới mua đồ sành, sứ về nên ngâm vào trong dấm, như thế sẽ làm tan phần lớn chì còn ứ đọng trong sản phẩm.
ĐNCT