.

Đà Nẵng cuối tuần

TẾT MỚI

Tết bình an, tiết kiệm

06:16, 15/01/2023 (GMT+7)

Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm nhưng các hoạt động chuẩn bị đón Tết ở các khu dân cư trên địa bàn thành phố diễn ra khá yên bình và chậm rãi, người dân dường như bắt đầu thích nghi với việc đón Tết trên tinh thần an toàn, tiết kiệm.

Người dân khu dân cư đường Trần Xuân Lê, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê tổ chức cúng tất niên xóm. Ảnh: T.N
Người dân khu dân cư đường Trần Xuân Lê, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê tổ chức cúng tất niên xóm. Ảnh: T.N

An toàn cho người dân và du khách phố “Tây”

Khác với khung cảnh chộn rộn trang trí nhà cửa và đường phố từ những ngày đầu tháng Chạp như mọi năm, người dân phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chuẩn bị đón Tết khá nhẹ nhàng và đơn giản. Tuy có 100 hộ dân đăng ký hộ khẩu nhưng tổ dân phố 21 hiện chỉ có 63 hộ dân cư trú, số còn lại chuyển đi sinh sống ở nơi khác sau khi cho thuê dịch vụ lưu trú và hàng quán. Hiện có khoảng 30 người nước ngoài lưu trú ở các đường Mai Thúc Lân, Hoàn Kế Viêm, An Thượng 10, trong đó chủ yếu là khách Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc.

Do đó, công tác bảo vệ an ninh, vệ sinh môi trường luôn được tổ dân phố và phường Mỹ An đặt lên hàng đầu. “Nhờ kết nối zalo nên các hộ trong tổ đều cập nhật thông tin nhanh chóng đến Ban điều hành tổ dân phố. Đến nay, tổ dân phố 21 đã triển khai trang hoàng băng rôn chúc mừng năm mới, vận động bà con treo cờ Tổ quốc và dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ. Nếu rác thải còn tồn đọng thì nhắc nhở người dân phải đem ra bỏ ngoài đường Mai Thúc Lân, không được để trong khu dân cư cho đến hết ngày mồng 4 Tết. Đặc biệt, tổ quán triệt người dân không được sử dụng loa kẹo kéo làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong khu phố”, ông Đỗ Phước Thương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Song Tấn, Tổ trưởng tổ dân phố 24 cũng cho biết, để tạo không khí vui xuân đón Tết, Ban điều hành tổ dân phố 24 vận động bà con trang trí đèn hoa trên đường An Thượng 5. Đặc biệt, khu dân cư có thành lập CLB “4 an” với hơn 20 người dân tự nguyện tham gia. Hằng tháng, CLB tổ chức họp giao ban để thông báo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm tiếng ồn từ hàng quán, loa kẹo kéo…

Nhờ đó, CLB phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự. Ông Nguyễn Cúc, Phó Ban bảo vệ dân phố của phường Mỹ An cũng cho biết: “Ban bảo vệ dân phố phường gồm có các lực lượng công an, dân quân, dân phòng. Chúng tôi chia thành 3 tổ và trực luân phiên theo 3 ca, mỗi ca 6 người từ 19 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Nếu phát hiện có tình trạng gây rối an ninh trật tự sẽ báo Công an phường đến xử lý”.

Tổ 21 và 24 là hai tổ dân phố nằm trong phố du lịch An Thượng vừa được thành phố khai trương vào ngày 30-4-2022 sau khi hoàn thành giai đoạn 1 để phục vụ du khách. Trong giai đoạn này, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã hoàn thành cải tạo 2 tuyến đường du lịch An Thượng 1 và An Thượng 4 với tổng kinh phí đầu tư 9,87 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh chỉnh trang, làm mới, cải tạo cảnh quan, môi trường... để đón khách du lịch và người dân tham quan.

Ông Phan Thép, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho biết, hiện khu phố “Tây” có khoảng 100 hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, nhà hàng… Tuy năm nay khách du lịch ít hơn mọi năm nhưng công tác bảo đảm an ninh trật tự vẫn được chính quyền địa phương chú trọng. “Chính quyền phối hợp công an, ban bảo vệ tổ dân phố của phường triển khai công tác gìn giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết. UBND phường cũng triển khai họp dân lấy ý kiến để xây dựng quy chế hoạt động cho khu phố du lịch An Thượng được đi vào nền nếp”, ông Phan Thép nhấn mạnh.           

Tiết kiệm nhưng vẫn giữ truyền thống

Khác với phố “Tây” An Thượng, thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) nằm bình yên giữa ngôi làng cổ với 5 ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm và nhiều phong tục văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, năm nay, cùng với xu hướng tối giản do khó khăn về kinh tế, các hoạt động lễ hội thường niên trước, trong và đầu năm mới đều được tiết giảm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam cho biết, mấy năm trước, vào những ngày cận Tết, thôn thường tổ chức bài chòi tại nhà văn hóa thôn và được người dân hưởng ứng rất đông vui. Tuy nhiên, sau Covid-19, kinh tế khó khăn hơn nên thôn ưu tiên cho các hoạt động lễ hội quan trọng.

“Trong ngày 16-1 âm lịch, thôn vẫn tổ chức lễ cầu an cho những người vô gia cư tại nhà thờ 17 tộc họ. Nguồn kinh phí tổ chức do người dân trong thôn đóng góp. Bên cạnh đó, thôn sẽ dành kinh phí để tham gia một sản phẩm trưng bày tại “Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023” do huyện Hòa Vang tổ chức và trang trí hoa trong nhà văn hóa thôn, treo cờ phướn, khẩu hiệu từ ngoài cổng làng vào”, ông Ngô Văn Xí chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều tổ dân cư trên địa bàn huyện vẫn duy trì tổ chức lễ truyền thống “Tắt bếp”. Anh Đặng Chiến (xã Hòa Phong) cho biết, hôm 1-1-2023, bà con tổ dân cư số 7 thôn Cẩm Toại Trung cùng nhau tổ chức đêm “Tắt bếp”. Tất cả những người dân trong khu dân cư thống nhất không nấu cơm ở nhà để tham gia nấu nướng và ăn bữa cơm tất niên cùng nhau, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Lễ “Tắt bếp” có từ trước cuộc kháng chiến chống Pháp ở thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) và đến nay được khôi phục ở nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Diễn ra trong một ngày nhưng với hình thức an toàn, tiết kiệm, lễ “Tắt bếp” trở thành một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, qua đó, khơi gợi tinh thần đoàn kết dân tộc của người dân Việt từ bao đời nay.

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền trong gia đình, tộc họ và cộng đồng dân cư, ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cho biết, năm nay, huyện tổ chức “Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023” diễn ra từ ngày 13 đến 15-1-2023 tại Trung tâm Hành chính huyện, khu chợ đêm Túy Loan và dọc tuyến đường Quảng Xương. Người dân sẽ tham gia trải nghiệm nhiều không gian văn hóa đặc sắc như không gian Tết xưa với các ngôi nhà cổ phục dựng được bài trí đặc tả không khí đón Tết cổ truyền; tham gia các trò chơi hát bài chòi, lô tô, ném lon, ném vòng và xem biểu diễn viết thư pháp, câu đối của thầy đồ. Ngoài việc tham quan, mua sắm, người dân và du khách còn được thưởng thức các món ăn địa phương đậm đà hương vị ngày Tết và xem hội thi “Nấu bánh Chưng, bánh Tét”, hội thi “Tìm kiếm tài năng nghệ thuật”, chương trình nghệ thuật đặc sắc hằng đêm.

Ngày 30-12, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh an toàn; tổ chức các hoạt động lễ hội, vui xuân đúng quy định, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của thành phố.

TÂM NHƯ

.