Đà Nẵng cuối tuần
Xóm tạm
Xóm dọc mé sông, chỉ chục căn nhà nằm thưa thớt không ôm nổi dòng nước cuộn nâu. Trẻ con ít, người lớn đi làm cả ngày, chỉ đêm về xóm mới có chút náo nhiệt. Toàn dân tứ xứ tụ hội về đây, rổn rảng giọng ba miền có đủ. Mấy ông nhậu ngồi xúm xít bên lò than nướng mớ cá lau kính vướng lưới nhà ghe chài cho, mấy bà nội trợ tụ tập coi cải lương. Đám con nít loe hoe như những bông mai còn sót lại trên cành sau Tết, túm tụm ngồi trên đống gạch ống chơi trò giả làm cướp biển và thủy thủ. Đống gạch tụi nó đang ngồi, mai mốt này sẽ được dùng để cất lên hai bức vách. Hai vách còn lại dựng bằng tôn, trên nóc lợp thêm dăm miếng nữa, vậy là được một ngôi nhà. Những ngôi nhà khác trong xóm cũng xuề xòa y hệt vậy, chắc do đó người ta kêu xóm này là Xóm tạm.
Thằng Phúc con ông Tề nhà giữa xóm nhảy phốc khỏi chiếc thuyền tưởng tượng bằng đống gạch, tính nhổ bụi sao nhái làm kiếm. Nhỏ Nhàn nhà kế nó ngăn lại, kêu nhổ uổng để nữa nó nở bông coi cũng đẹp.
- Biết kịp ra bông không, mai mốt cất nhà xong người ta dọn tới cũng nhổ hà! - Phúc lè lưỡi, nhưng nể bạn cũng rụt tay lại chuyển qua lượm mấy cành trứng cá rụng ở xa.
Có thể tụi con nít không ngờ được rằng cây sao nhái đó không chỉ kịp nở bông mà còn được giữ lại, bên cạnh vài bụi vạn thọ được trồng thêm vô. Con của chủ căn nhà mới là đứa khoái trồng cây, nhất là mấy loại hoa cỏ nhanh mọc kiểu vầy. Và đặc biệt là nó chưa được ăn Tết đã đời nên lòng nó còn thòm thèm mấy thứ sắc màu rực rỡ lắm.
***
Ba má thằng Khiêm chào ngày mới ở Xóm tạm bằng một cuộc cự lộn. Thường thường ba má nó hay cằn nhằn nhau, nhưng lần này coi bộ lớn chuyện. Ba Khiêm giấu vợ mượn tiền xây nhà, âm thầm chống lại kế hoạch dựng chòi ở tạm của bà.
- Rồi dăm bữa nửa tháng lại dọn sao mà bứng hết mớ đồ này đi được? - Má Khiêm không thèm ngó cái bếp đã đượm lửa đang chờ đặt nồi thịt kho lên hâm nóng, ngồi thụp xuống quẹt nước mắt: - Ông khùng vừa vừa thôi!
- Mình ở đây ít gì cũng phải nửa năm. Mùa mưa tới ở chòi sao mà được, mình không nhớ lần trước mưa dột cặp sách thằng Khiêm ướt nhẹp hết hả? - Ba Khiêm lôi thằng con ra, ông biết nó luôn là viên thuốc xoa dịu những cơn giận của vợ.
Khiêm không dám nói gì, ngồi im thinh mân mê bọc ni lông đựng mớ bông vạn thọ khô, ngó ra trước sân coi chỗ nào gieo thì hợp. Nó chấm chỗ kế cây sao nhái nó năn nỉ ba giữ lại, cây đang nụ chắc sẽ sớm nở. Nó tự đánh lạc hướng chính mình, không dám thừa nhận nó thích kế hoạch cất nhà của ba hơn. Dù gì thì gì, Khiêm đâu có thích cứ phải đổi chỗ ở hoài. Có nhà cửa đàng hoàng, nó tin đó là cái neo giữ gia đình nó ở lại lâu hơn, không trôi nổi như một chiếc xuồng vô định nữa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cầm bọc vạn thọ khô, Khiêm nhớ ông Chín quá. Ông là hàng xóm của nó hồi ở bên Rạch Bọng, ông hiền y như ông ngoại nó, chính ông dạy nó trồng cây và cho nó mớ hạt giống này. Ông hay thủ thỉ với Khiêm, rằng bất cứ loại cây nào miễn biết cách chăm bón và có đất trồng đều sống tươi tốt được. Điều đó làm nó tủi thân, khi nghĩ cái cây còn sướng hơn mình. Cái cây cắm rễ ở yên một chỗ, đâu có như Khiêm, cứ nửa năm bảy tháng lại phải làm một chuyến lênh đênh. Y chang cây lục bình nó thấy trên sông, khi chỗ này, mốt chỗ khác.
Rồi những ký ức cũng đứt đoạn, khi phải liên tục tạm biệt hàng xóm cũ và làm quen với những con người mới. Trước là bà Tư Thiện, tới út Mén, rồi Bảy Sương, cô Tuyết Linh… Và gần nhất là ông Chín. Những con người đáng mến lướt qua trí nhớ của Khiêm, khiến lòng nó dấy lên cảm giác mông lung của nỗi buồn vô định. Nó chống lại điều đó bằng cách nhảy xuống giường đi kiếm cây dao mòn lưỡi má hay dùng để phạt cỏ dại ra sân.
- Đang nắng đi đâu đó Khiêm? - Má đã hâm xong nồi thịt kho, lúi húi chuẩn bị xào nhanh rau muống thì thấy thằng con đã ra tới cửa.
- Con đi gieo vạn thọ!
- Trồng chi nữa đi cũng bỏ hà! - Má chặc lưỡi, thây kệ Khiêm, đổ dầu vô chảo nóng một cái xèo.
Ba Khiêm tới gần hồi nào hổng hay, đặt tay lên vai nó vỗ vỗ:
- Chiều mát hả gieo, con! Nhớ ông Chín dạy buổi nào mới hợp gieo trồng hông?
Khiêm khựng lại, ngước mắt lên nhìn ba. Nắng như vầy tới con người còn muốn cháy khét, đám vạn thọ chắc bị nướng chín luôn. Nhưng thay vì dạ, Khiêm chỉ gật đầu, bởi nó sợ nếu mở miệng sẽ cất lên câu khác. Vậy buổi nào thích hợp để nó gieo một niềm tin ở lại chớ không phải tiếp tục dọn nhà?
***
- Dạ, má con kêu đem qua cho nhà mình tô chè! - Phúc đứng nép ngoài cửa nói vọng vô. Sau lưng nó, nhỏ Nhàn lóng ngóng cất giọng - Má con kêu cho bánh ít!
Má Khiêm nhìn ra, thở dài cái sượt, kêu con ra bưng đồ vô, không quên dặn phải cảm ơn.
- Mới dọn lại hả? - Phúc đưa tô chè cho Khiêm, hớn hở cười - Tối ra chơi với tụi tao nha!
- Ra chỗ tàu hải tặc á! - Nhàn cười theo, đưa Phúc dĩa bánh bưng phụ Khiêm đem vô chớ mình Khiêm bưng sao hết.
- Tàu hải tặc là chỗ nào? - Khiêm thắc mắc.
- Đống cát trước nhà tao á! - Phúc nhe răng cười - Hồi trước là đống gạch của nhà mày, giờ chuyển qua đó.
Khiêm à một tiếng, hiểu ra chỗ vui chơi của con nít xóm này không cố định. Nó tưởng tượng trước khi nhà nó dọn tới đã có một đám con nít chơi trước sân, tíu tít bàn nhau coi thành viên mới của xóm ra làm sao. Chưa chi mà nó thấy mừng khi ngó hai người bạn nhí dễ mến quá.
Má Khiêm không lạc quan như vậy, bà lo lắng nhìn tô chè và dĩa bánh, lòng vơ vẩn nhớ mấy chuyện không hay. Biết là ở đâu cũng có người này người kia nhưng bà không làm sao để thôi lo sợ được. Những nỗi sợ như khói, ám riết khiết suy nghĩ cũng xám đi, chẳng thể vui vẻ chi nổi.
Khiêm còn nhỏ, nó không biết hết những khúc mắc trong lòng người lớn. Hồi ở chỗ cũ, nó chỉ biết có ông Chín tốt bụng hay cho nó trái cây vườn. Chớ nó không hay má nó bán rau ngoài chợ bị người ta ăn hiếp, cũng chính mấy người trong xóm. Có người còn đặt điều với chủ đất, nói gia đình Khiêm là dân trộm cướp mới không ở cố định một chỗ, khiến chủ đất sợ kiếm cớ đuổi đi sớm.
Trước đó, rồi trước đó nữa, có lần nào êm ả đâu. Không có lửa thì khói ở đâu ra. Má Khiêm cũng như bao người, muốn gia đình yên ổn một chỗ làm ăn lắm chớ. Ngặt nỗi không hiểu xui rủi kiểu gì, hết lần này tới lần khác, họ luôn bị ép phải rời đi. Dù lúc mới đến, xóm giềng đối xử với họ hết sức ngọt ngào, như tô chè dĩa bánh mới được đem cho này đây…
***
Má Khiêm nhớ như in lúc đó, cơn mưa dầm không dứt xối xả như muốn nhấn chìm mọi thứ trong sự ảm đạm của nó, Khiêm nằm trên giường, lên cơn sốt hầm hập. Nhà không còn tiền, ba Khiêm đi hỏi mượn mấy người trong xóm tới giờ vẫn chưa thấy về.
- Anh! - Vừa thấy bóng người xé mưa lao vô nhà, má Khiêm mừng rỡ nhào tới hỏi - Mượn được không anh?
Ba Khiêm im lìm, lắc đầu. Hay ông đã thốt lên một tiếng tuyệt vọng nào đó, mà cơn mưa đã nuốt chửng mất khiến bà vợ không nghe được.
- Không mượn được thì mình đòi… Bà Nhung, cô Tím nợ cả năm hứa trả hoài có chịu trả đâu! - Má Khiêm nắm lấy vai chồng lắc lắc, cố bắt lấy một hy vọng.
- Bà Nhung đóng cửa không thèm ra… - Ba Khiêm quay đi không dám nhìn mặt vợ - Con Tím, nó ôm nợ bỏ trốn rồi.
Má Khiêm chỉ biết kêu trời một tiếng, quỳ mọp xuống bên giường. Dù mưa rát rạt, bà vẫn nghe được nhịp thở khó nhọc của con. Nghĩa tình chi đâu, khi bây giờ đây chẳng một ai xòe bàn tay ra giúp đỡ.
***
Má Khiêm nhớ lại, một lần khác, gia đình bà ở trong căn nhà khang trang. Xứ này coi bộ mọi người lành, hàng xóm giới thiệu cho vợ chồng bà mướn nhà giá rẻ còn tìm giúp cho chỗ vay để sửa sang ở lâu dài. Mọi thứ tưởng đã vui, đã có thể an tâm nằm ngủ mỗi đêm chớ không còn phải nơm nớp lo vài tháng nữa trôi giạt xứ nào.
Cho tới một ngày ba Khiêm về nhà với gương mặt thểu não, nhìn bốn phía căn nhà khang trang với cái nhìn tan nát. Cái nhìn của một con thú sa bẫy. Và ông cất lên tiếng đứt lìa của gốc cây bị phạt ngang bằng lưỡi cưa nhọn:
- Mình bị lừa rồi mình ơi!
Chẳng có sự tốt lành nào ở đây, tất cả là một sự thông đồng. Chủ nhà lấy cớ sửa sang nhiều ảnh hưởng phong thủy, không chỉ tăng giá mướn mà còn bắt đền. Chỗ hàng xóm giới thiệu cho vay thật ra là chỗ vay nặng lãi. Một lần nữa, má Khiêm chỉ biết kêu trời, mong ông trời nhìn xuống mà thương cho gia đình này, mãi không tìm được nơi để dừng chân lại…
- Má bệnh hả má? - Thấy má cứ đứng nhìn tô chè, dĩa bánh hoài, Khiêm lo quá hỏi liền.
- Đâu có gì đâu con! - Bà ráng cười cho Khiêm an tâm, múc chè ra chén - Nè, con ăn đi!
Khiêm múc một muỗng, reo lên, ngon lắm má. Bà chầm chậm ăn thử, ừ ngon. Chè bưởi, vị the the đắng còn sót lại trong từng cùi bưởi bọc bột năng, chẳng biết có phải điềm báo chi không nữa. Bà hướng mắt ra sân, chỗ cây sao nhái đã he hé bông, những cái bông màu hồng đơn độc giữa khoảng sân trống trải. Phải mà được ở lâu, bà sẽ cùng Khiêm ra trồng đủ thứ cây. Bà nhớ mảnh vườn hồi xưa ở quê lắm.
Có lẽ vì chói nắng, má Khiêm không thấy được những mầm vạn thọ đã nhú lên, xanh rì. Thấy cũng chẳng để làm gì, đâu ai biết chúng có lớn nổi không.
***
Má Khiêm đang ngồi phụ lặt nấm rơm bên nhà thằng Phúc thì có điện thoại tới. Vừa nghe xong, buông điện thoại, bà xanh lét gần như sắp xỉu. Bà ngoại thằng Phúc sốt sắng đỡ lấy, lo lắng hỏi dồn, chuyện gì chuyện gì.
- Chồng con té từ giàn lao phông, người ta đem vô bệnh viện rồi bà ơi… - Má Khiêm mếu máo kể.
- Trời đất ơi à… - Bà ngoại Phúc tái mét mặt, la rần trời - Ba thằng Phúc đâu, ra tao biểu coi!
Tức tốc, ba Phúc chở má Khiêm vô bệnh viện coi tình hình. Khiêm chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, ngơ ngác nhìn người lớn xôn xao như bầy ong vỡ tổ. Những con ong đang tìm cách bảo vệ nơi ở của mình.
- Nghe bà dặn nè, con ở đây chơi với thằng Phúc ngoan nhe hông! - Bà ngoại Phúc xoa đầu Khiêm - Bà đi đây cái rồi quay lại!
***
Tới bây giờ, khi ngồi đút cháo cho chồng, má Khiêm vẫn cứ tưởng mọi chuyện vừa qua chỉ là một giấc mơ. Nhưng ba Khiêm nằm đó, cái tay trật thấm đầy thuốc rượu, cả người ê ẩm chứng tỏ mọi chuyện không phải là mơ. Phước đức tổ tiên để lại, ông chỉ bị nhẹ chớ không ảnh hưởng chi nhiều. Cái tủ hứng ông bể nát, không hiểu sao miểng kiếng lại không găm vô người, tới bác sĩ nghe kể tình hình còn phải thốt lên, số ông này hên quá sức.
Đúng là hên thiệt. Bà ngoại Phúc đi vận động quanh xóm quyên góp được ít tiền phụ chợ cho nhà nó. Mọi người còn kéo nhau tới năn nỉ chủ đất, chủ nợ chỗ ba Khiêm vay cất nhà xin khất vài tháng cho gia đình nó. Chớ ba Khiêm là lao động chính, bị tai nạn vầy tạm thời đâu có làm ăn gì được.
Má Khiêm không biết nói gì, trong suốt quá trình đó, bà chỉ biết khóc. Bà khóc vì mừng, khóc vì không dám tin mọi chuyện xảy ra là thật. Mọi người tốt với gia đình bà quá.
Đút thêm muỗng cháo cho chồng, má Khiêm lại chảy nước mắt. Tô cháo này cũng là do nhà Nhàn đem qua cho, nấu bằng nấm rơm nhà Phúc. Dường như cảm nhận được tình cảm của mọi người gửi gắm, ba Khiêm gục gặc khen ngon.
Cả hai vợ chồng nhìn vào mắt nhau, đồng thời đọc trong đó suy nghĩ về những cái cây. Mặc kệ má rầy sớm muộn cũng dọn đi trồng chi cho mất công, Khiêm vẫn âm thầm trồng từng cây một. Đám vạn thọ đã nở bông tưng bừng. Cây mãng cầu gieo bằng hột, giờ đã cao ngang lưng quần nó. Mấy cành bồ ngót nó cặm chơi ai dè bén rễ xanh mướt. Thứ khó trồng nhất, một bụi hồng giâm bằng cành xin từ nhà ông Ba cuối xóm, cũng đã trổ những búp lá mới. Đất này lành, cây cối đâm chồi điềm nhiên quá.
Hai ông bà còn nhớ tới câu chuyện thằng con kể, về những cái cây mọc trong xóm. Xoài, ổi… có cả vú sữa nữa. Chúng do những gia đình trong xóm trồng, có người vẫn ở đây, có người đã dọn đi. Tất cả mọi người, khi trồng xuống một cái cây, không hề nghĩ bao lâu sẽ có cuộc chuyển dời. Họ đơn giản nghĩ, nếu họ không kịp ăn trái, thì hàng xóm ăn, những người mới dọn tới sẽ ăn. Có hề chi một tình cảm để lại, khi mà ở hay đi, họ đều cho và nhận rất nhiều ở đất này.
Má Khiêm nghĩ về một vườn cây, nơi có những cái cây ăn trái lâu năm. Biết đâu được, gia đình họ sẽ ở lại cùng với những cái cây, ngắm nhìn chúng xanh tươi, kết trái. Họ sẽ dành dụm tiền, tới một lúc nào đó, đủ để mua lại miếng đất này. Hoặc, kể cả khi phải rời đi, trong tim mỗi người đã trồng một cái cây, cây của niềm tin, rằng dù ở đâu đi chăng nữa, vẫn còn những con người quý giá, biết yêu thương và giúp đỡ nhau.
Ở Xóm tạm này, mọi thứ có thể sơ sài, chứ tình người thì chỉn chu, bền chặt.
PHÚC GIANG