Đà Nẵng cuối tuần
Đầu tư nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng
Nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi gắn kết người dân trong các hoạt động chung của làng, xã, tổ dân phố hay địa bàn khu dân cư… Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành văn hóa, chỉ trên 50% nhà sinh hoạt cộng đồng cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, số còn lại diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp hoặc nằm ở vị trí chưa phù hợp.
Trước thực tế này, thành phố nghiêm túc rà soát, đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp trong công tác quy hoạch, xây dựng, nhân lực, kinh phí tổ chức hoạt động cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ đội ngũ làm công tác quản lý.
Tuổi trẻ phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) tổ chức cắt tóc miễn phí cho người dân tại khuôn viên Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 1, phường Hòa Hiệp Bắc. Ảnh: T.Y |
Điểm hẹn của toàn dân
Rộng 125m2, nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực Nại Hưng 2A (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là nơi sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại các tổ dân phố từ 85 đến 91. Trung bình mỗi năm, địa điểm này tổ chức 10-20 hoạt động liên quan. Ở cách nhà sinh hoạt cộng đồng hơn 100m2, bà Nguyễn Thị Lợi thường xuyên qua lại thăm nom, quét dọn. Đó không đơn thuần là trách nhiệm, mà như thói quen theo bà Lợi nhiều năm nay.
Bà Lợi nhớ lại thời điểm nhà sinh hoạt cộng đồng mới xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Khắc Cần, bà xắn tay cùng mọi người nhổ từng cọng cỏ mọc quanh công trình, mường tượng ra cảnh người dân vào, ra, cười nói rộn ràng trong các hoạt động chung của địa phương.
Là Tổ phó tổ dân phố 88, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội từ thiện khu vực Nại Hưng 2A, không ít lần bà Lợi kêu gọi mạnh thường quân đến nhà sinh hoạt cộng đồng trao quà hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ở vai trò “chủ nhà”, trước mỗi hoạt động, bà Lợi dành thời gian đến nhà sinh hoạt cộng đồng quét dọn, bố trí bàn ghế, phông bạt đầy đủ. “Việc tổ chức trang trọng, đầy đủ thủ tục cũng là cách thể hiện lòng biết ơn đối với mạnh thường quân đã quan tâm đến công tác an sinh xã hội tại địa phương. Nếu không có nhà sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi khó có sự chuẩn bị chu đáo đó”, bà Lợi chia sẻ.
Đưa vào sử dụng cuối năm 2017, nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 40, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu trở thành niềm tự hào của người dân trong khu vực. Bởi lẽ, đây là kết quả của sự đồng thuận toàn dân: biến bãi rác thành địa chỉ sinh hoạt cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Thu Hiệp, Bí thư Chi bộ khu dân cư 40 kể, từ năm 2004 đến 2017, khu đất gần 1.000m2 ở góc đường Ngô Thế Vinh luôn trong tình trạng ô nhiễm, mọc đầy cỏ dại. Để tạo không gian xanh, sạch, đẹp tại khu vực, chi bộ khu dân cư 40 họp, bàn phương án thu gom rác, san lấp, tráng nền xi-măng, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư. Để thực hiện, chi bộ vận động đảng viên đóng góp 200.000 đồng/người, người dân 100.000 đồng/hộ nhưng số tiền nhận được gần 270 triệu đồng, cao hơn dự kiến rất nhiều. Sẵn kinh phí, chi bộ quyết định láng nền, trồng cây, thiết kế sân tập cầu lông, dụng cụ tập thể dục và rào chắn xung quanh.
Bà Hiệp bộc bạch: “Nhà sinh hoạt cộng đồng và điểm sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 40 nằm cạnh nhau, tạo thuận lợi cho chi bộ, tổ dân phố tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành điểm sinh hoạt thường xuyên của các CLB văn nghệ, dưỡng sinh, khiêu vũ trên địa bàn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức 50 - 60 hoạt động/năm, bao gồm hội họp, tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các cuộc thi quy mô nhỏ…
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, phần lớn nhà sinh hoạt cộng đồng hiện nay được UBND phường giao cho khu dân cư quản lý, trực tiếp là cấp ủy chi bộ khu dân cư hoặc tổ trưởng tổ dân phố, mặt trận, hằng năm cấp kinh phí hoạt động trên cơ sở số dân. Nhiều nơi, kinh phí hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng do người dân đóng góp.
Đầu tư, tìm giải pháp phù hợp
Đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân cư, nhưng trên thực tế, số lượng, chất lượng nhà sinh hoạt cộng đồng ở Đà Nẵng chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thậm chí, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu có 3.158 hộ dân (tính tới thời điểm cuối năm 2022), nhưng đến nay không có nhà sinh hoạt cộng đồng do chưa bố trí được quỹ đất.
Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, toàn thành phố hiện có 521 nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn trên tổng số 2.900 tổ dân phố/thôn. Trung bình, mỗi nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ khoảng 440 hộ gia đình. Dù vậy, số lượng không đi kèm chất lượng khiến hiệu quả hoạt động của nhà sinh hoạt cộng đồng chưa cao.
Ông Hà Vỹ cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nhưng đánh giá tổng thể, mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng đến nay vẫn chưa bảo đảm, cả về số lượng lẫn quy mô, kết cấu xây dựng, trang thiết bị, nhân lực và công tác quản lý… Chưa kể nhiều địa điểm diện tích xây dựng dưới 50m2, như nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Tân Hòa B (36m2); khu vực Tân Lập 2 (12m2) thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tại quận Thanh Khê, nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực Xuân Hòa - Bế Văn Đàn (phường Hòa Khê) rộng 35m2, Tân An B2 (phường Xuân Hà) rộng 40,2m2…
“Một phần nguyên nhân do hiện nay Nhà nước chưa có hệ thống văn bản quy định quy chuẩn, tổ chức, hoạt động, nhân sự, quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, chưa có sự phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý, tổ chức hoạt động”, ông Vỹ nói.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, quận có 10 phường, quy mô 203 chi bộ khu vực dân cư và 589 tổ dân phố. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, địa phương xây dựng 82 điểm sinh hoạt cộng đồng, mỗi điểm bố trí sinh hoạt từ 1 đến 7 chi bộ, do các chi bộ tự sắp xếp thời gian phù hợp. Thời gian tới, để tăng số lượng, chất lượng lẫn hiệu quả hoạt động, UBND quận Thanh Khê đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép chọn địa điểm để quận có cơ sở tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân (dự kiến quy hoạch 8 địa điểm). Cho phép chuyển đổi công năng một số cơ sở trường học nhỏ lẻ không đủ điều kiện phục vụ dạy học sang phục vụ sinh hoạt cộng đồng như cơ sở 2 Trường Mầm non Tường Vy, cơ sở 3 Trường Mầm non Thủy Tiên, cơ sở 2 Trường Mầm non Tuổi Hoa… Trong quá trình đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thiết chế văn hóa thể thao cấp phường, nhà văn hóa, nhà đọc sách báo, cơ sở trường học,… UBND quận sẽ tính toán, bố trí để các khu dân cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng được sử dụng kết hợp. “Trên cơ sở số lượng nhà sinh hoạt hiện có, UBND quận đưa vào danh mục đầu tư xây dựng, nâng cấp hằng năm tùy theo mức độ cần thiết. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, địa phương đã đưa vào kế hoạch đầu tư 19 nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng kinh phí khoảng 17,05 tỷ đồng”, ông Công thông tin thêm.
Ở cấp độ thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động các nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời đưa ra các giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng cũng như bố trí nhân lực, kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa cơ sở này.
“Để tăng hiệu quả hoạt động, chúng tôi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, trình thành phố phê duyệt quy hoạch mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng, hướng dẫn quy chuẩn chung về diện tích, quy mô, kết cấu, quy cách và trang thiết bị đi kèm. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm, bố trí nguồn vốn, kinh phí hoạt động hằng năm và sớm ban hành văn bản quy định công tác quản lý, tổ chức hoạt động hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó có nội dung sử dụng các công trình công cộng hiện có. Đồng thời, phát huy và gắn trách nhiệm quản lý, tổ chức hoạt động cho các hội, đoàn thể tại địa phương nhằm đa dạng hóa loại hình hoạt động”, ông Hà Vỹ nhấn mạnh.
TIỂU YẾN