Đà Nẵng cuối tuần
Ngôi trường nữ được thiết kế chống nóng giữa sa mạc
Thị trấn sa mạc Jaisalmer từng là trung tâm thương mại thời trung cổ và là tiểu bang riêng ở bang Rajasthan phía tây Ấn Độ. Nơi đây còn được gọi là "thành phố vàng" với dãy kiến trúc bằng đá sa thạch màu vàng, nơi nhiệt độ có thể lên 49oC vào cao điểm mùa hè.
Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet |
Các tòa nhà ở đây được thiết kế để thích ứng với cái nóng giữa sa mạc. Nữ kiến trúc sư Diana Kellogg, người New York đã nghiên cứu kỹ thuật xây dựng các tòa nhà và áp dụng chúng trong quá trình thiết kế Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati. Ngôi trường nằm ở vùng nông thôn sa mạc Jaisalmer, phía bắc Ấn Độ, hình bầu dục, có thể chịu được nhiệt độ 50oC. Ngôi trường có sức chứa 400 nữ sinh từ mẫu giáo đến lớp mười. Ngoài dạy học, trường đào tạo kỹ năng dệt, thêu và các loại hình nghệ thuật truyền thống. Những người thợ thủ công địa phương đã xây dựng ngôi trường bằng đá sa thạch cắt thủ công và đặt theo tên của "Ratnavati" - con gái vua Marawal Ratan Singh, vương quốc Medapata (nay là bang Rajasthan, Ấn Độ).
Ngôi trường được Architectural Digest India - đơn vị uy tín trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế của Ấn Độ vinh danh "tòa nhà của năm" năm 2020 bởi kiến trúc độc đáo, thân thiện môi trường. Theo Architectural Digest India, thiết kế một không gian học tập thoải mái là thách thức ở trung tâm sa mạc Thar, nơi hạn hán kéo dài và ngày càng gia tăng. Kiến trúc sư Kellogg, người chuyên thiết kế các khu dân cư cao cấp đã ấp ủ ý tưởng xây dựng ngôi trường bằng cẩm thạch sau chuyến đi Jaisalmer năm 2014. Bà kỳ vọng công trình sẽ tượng trưng cho hy vọng và khả năng phục hồi của sa mạc, thông qua việc kết hợp các ưu điểm trong kiến trúc xây dựng truyền thống ở Jaisalmer với thiết kế hiện đại.
"Nhiều phương pháp làm mát không gian được ngành xây dựng sử dụng trong nhiều thế kỷ. Những gì tôi làm là kết hợp các phương pháp để mang lại hiệu quả. Nhờ đó, nhiệt độ trong trường thấp hơn nhiệt độ ngoài trời 20oC. Trần nhà và cửa sổ cao giúp giải phóng nhiệt bị giữ lại trong lớp học", Kellogg nói.
Về vật liệu, kiến trúc sư chọn đá sa thạch nguồn gốc địa phương- một vật liệu có khả năng chịu nhiệt dùng xây dựng các tòa nhà trong khu vực, bao gồm pháo đài Jaisalmer (một di sản thế giới được UNESCO công nhận). Kellogg cho biết vật liệu này ở Jaisalmer rất nhiều, giá thành rẻ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng. Ngoài ra, bà cũng áp dụng phương pháp xây dựng truyền thống khi lót thạch cao vôi bên trong các bức tường để làm mát tự nhiên. Lấy cảm hứng từ các tòa nhà trong khu vực, tác giả lắp đặt bức tường jali - dạng lưới đá sa thạch cho phép tăng sức gió nhờ hiệu ứng venturi (lỗ thông hơi), làm mát không gian sân trường, tạo bóng râm...
Ngôi trường có cấu trúc nghiêng, hình elip giúp không khí lưu thông, đồng thời tăng biểu tượng nữ tính cho dự án dành cho học sinh nữ mà Kellogg gọi là "một cái ôm vòng cung thật chặt".
Nữ kiến trúc sư thừa nhận mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật làm mát nhưng hiệu quả và tính bền vững của chúng sẽ khác nhau tùy từng vị trí. Ví dụ, hướng gió và các loại đá sa thạch khác nhau sẽ điều chỉnh nhiệt độ khác nhau đối với các vật liệu được tìm thấy và sử dụng ở Jaisalmer. Trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati khánh thành tháng 7-2021, đến nay tiếp nhận hơn 400 nữ sinh, đa số nữ sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)