Đà Nẵng cuối tuần

Đà Nẵng ít tiếng còi xe!

14:08, 19/02/2023 (GMT+7)

Việt Nam có lẽ là nước mà tiếng còi xe vào loại to nhất. Thôi thì đủ kiểu bấm còi, hở cái là bim bim nhiều khi váng cả đầu người đang tham gia giao thông. Người viết chưa đi nhiều, chỉ hai nước gần ta Lào và Campuchia, xứ họ xe cũng nhiều, nhưng lạ là rất ít nghe tiếng còi.

Vấn đề ở đây là tình trạng quá ồn ào khi còi xe được sử dụng vô tội vạ, nhiều tuyến đường ô nhiễm âm thanh bởi tiếng còi xe đến mức căng thẳng, khó chịu, thậm chí tức gây giận cho người tham gia giao thông. Liệu Đà Nẵng sẽ trở thành là nơi ít tiếng còi xe nhất nước không? Trao đổi với một số người, nhiều ý kiến cho là không tưởng.

Theo họ, việc này không thể làm được, vì nếu không bấm còi thì trật tự, an toàn giao thông sẽ không thể kiểm soát. Với ý thức giao thông như hiện nay, với mật độ xe máy, ô-tô dày đặc như các đô thị nước ta thì việc hạn chế không sử dụng còi xe xem ra bất khả thi. Nhưng thử đặt vấn đề một cách khác hơn: vì sao các nước làm được mà mình không làm được? Dĩ nhiên nước họ cũng nhiều xe, thậm chí một số nơi còn nhiều hơn ở ta, nhưng tình trạng tham gia giao thông trên đường có vẻ thanh bình, điềm đạm và từ tốn trật tự, rất ít tiếng còi xe. Đường là để đi, không cần phải quá vội vã, trườn lướt bất chấp như một số người tham gia giao thông hiện nay. Đã có người nước ngoài nói rằng, ra đường ở xứ ta như tham gia một môn thể thao mạo hiểm.

Ý kiến khác cho rằng làm ra chiếc xe thì cái còi là bộ phận “hữu cơ”, nghĩa là phải bóp còi để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Bóp còi trở thành điều không bàn cãi. Điều này không ai phủ nhận, vấn đề ở đây là tình trạng lạm dụng quá mức, xem inh ỏi là việc đương nhiên, không mảy may nghĩ rằng ý thức bấm còi cũng là khía cạnh của văn hóa giao thông. Ước chi Đà Nẵng là nơi đầu tiên của cả nước người tham gia giao thông có cách ứng xử với còi xe thân thiện và văn minh, bấm còi trong những lúc thật cần thiết và lịch sự khi bấm còi xe vừa đủ để người tham gia giao thông biết, để tránh, chứ không phải bấm để thể hiện ta đây hoặc trút giận dữ vào con đường.

Có nhiều ý kiến bạn đọc đề nghị phải tăng mức hình phạt hiện tại vì còn quá nhẹ không đủ răn đe, thậm chí khởi tố những tài xế lắp còi xe, bấm còi xe sai quy định. Những chuyện tưởng nhỏ ở nước ta nhưng không hề nhỏ đối với các nước. Cũng theo một số chuyên gia, sở dĩ vấn nạn bấm còi xe hiện nay vẫn diễn ra nhức nhối do khung hình phạt còn quá nhẹ, cơ chế, môi trường để lực lượng chức năng xử lý vi phạm còn gặp khó khăn về thiết bị xác định âm lượng để xử phạt theo chứng cứ cụ thể. Tại Khoản 3, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng với người điều khiển xe có hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định...

Đã có một cuộc “thăm dò” về việc giảm tiếng ồn do bấm còi khi tham gia giao thông, câu trả lời là vẫn có thể nếu mỗi người đi đường có ý thức. Nếu khi tham gia giao thông mỗi người bớt đi sự nôn nóng, giữ được sự điềm đạm cần thiết, tôn trọng nhau nhất là những lúc đông người thì tình hình có thể cải thiện. Chất lượng cuộc sống được nâng lên bằng những việc không lớn như ý thức văn hóa khi bấm còi xe, thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm điểm sáng về sự thân thiện với môi trường trong lành. Thành phố sẽ là nơi đầu tiên rất ít tiếng còi xe, tại sao không thể?

Cái tốt, cái đúng nhất là hành động thể hiện văn hóa, văn minh thường bắt đầu từ số ít, từ những việc tưởng rằng không thể. Hãy tạo ra sự tự hào cho chính mình bằng việc làm, có thể ban đầu khó, rất khó nhưng sẽ trở nên dễ dàng nếu trở thành ý thức của mỗi người dân. Tạo ra bản sắc riêng, niềm tự hào riêng bắt đầu từ việc rất nhỏ: ý thức tôn trọng người khác khi tham gia giao thông. Bấm còi và cách bấm còi cũng là một khía cạnh nói lên tính cách con người. Hãy cùng nhau bắt đầu cho một cuộc vận động hướng tới văn minh: thành phố ít tiếng còi xe.

NHÃ ĐAN

.