Huyền tích suối nước nóng Tây Viên

.

Thung lũng Tây Viên của miền trung du xứ Quảng lọt thỏm trong bạt ngàn màu xanh của ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Những dãy núi xa xa bao quanh ngôi làng trù phú này như muốn cất giấu bao điều bí ẩn đã chôn vùi trong lòng đất, cùng bao câu chuyện truyền miệng hoang đường về hai mạch nước nóng phun trào có từ xa xưa.

Ở suối nước nóng Tây Viên, bể Ục Ông xây theo hình lục giác (ảnh trên) và bể Ục Bà xây hình ô van. Ảnh: T.M
Ở suối nước nóng Tây Viên, bể Ục Ông xây theo hình lục giác (ảnh trái) và bể Ục Bà xây hình ô van. Ảnh: T.M

Giữa một nổng đất cao hơn mặt ruộng vài tấc của cánh đồng thôn Tây Viên, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, có hai mạch nước nóng đã xuất hiện hàng trăm năm qua. Không biết ai đã đặt cho tên đất, tên làng nhưng theo nghĩa bóng được truyền lại thì Tây Viên là cái làng hoa viên, bồng lai, tiên cảnh ở phía tây. Các bậc tiền nhân dùng từ để phân biệt một ngôi làng đều có dụng ý bởi nơi đây vào mùa xuân, tiết trời bắt đầu ráo  hoảnh, êm dịu thì cảnh sắc thiên nhiên càng thêm thơ mộng, hữu tình.

Mỗi buổi sớm đầu ngày từ làng Tây Viên nhìn về phía mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Hòn Tàu, Hòn Dung, Hòn Châu và Núi Chúa sừng sững, ai cũng thấy một phong cảnh tuyệt vời. Những đám mây trắng vờn đuổi theo từng cơn gió nhẹ rồi sà xuống quyện vào màu xanh của núi rừng hùng vĩ. Núi, mây đan xen, vấn vít, bảng lảng du dương. Vô vàn giọt sương đêm long lanh như ngọc treo dày trên cây lá óng ánh khi gặp cái nắng vàng ươm càng làm cho bao lối nhỏ, xóm nhỏ của làng Tây Viên thanh lặng, yên bình tựa bức họa đồ.

Sự tích về hai mạch nước nóng trên cánh đồng làng Tây Viên được người đời gói ghém, thêu dệt tuy có khác nhau nhưng đều dừng lại trong sự lý giải đầy bí ẩn của thiên nhiên.

Chuyện kể rằng, ngày xưa làng Tây Viên là xứ sở hoang dã với nhiều loài thảo dược quý hiếm nhưng chưa được con người biết tới. Để giúp dân quanh vùng lập làng, cày cấy ruộng đồng, biết sử dụng nguồn dược liệu phòng, chữa dịch bệnh, Ngọc Hoàng sai chư thần xuống xem điền thổ Tây Viên. Trong một đêm mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm vừa dứt, từ trên đỉnh Núi Chúa xuất hiện hai con trâu vàng sải chân sà xuống giữa cánh đồng cô quạnh, mênh mông. Màu chói sáng của hai trâu vàng bừng chiếu ra xa, lan rộng nên dân quanh vùng đều nhìn thấy.

Sáng hôm sau thung lũng Tây Viên vẫn lặng lẽ, im lìm như không có việc gì xảy ra nên dân chúng cầm gậy, dây dừa đi tìm. Họ chia nhau từng tốp băng trong các đám cây dại rậm rì để kiếm trâu. Khi tới khu đất giữa làng thì thấy hai con trâu nằm chết sóng soài cách nhau chừng 20 mét. Họ xúm nhau chôn cất hai con trâu lạ đàng hoàng, tạo ụ nấm để về sau còn nhớ nơi nghỉ ngơi của trâu.

Chỉ sau một thời gian ngắn, dân làng ra thăm lại mộ hai con trâu thì trước mắt họ xuất hiện điều kỳ lạ, đó là hai cái nấm mộ trâu biến mất, thay vào đó là vòi nước từ lòng đất trồi lên tạo thành hai vũng nước trong vắt, bốc hơi nghi ngút như nước nấu sôi. Cho đây là chuyện linh thiêng của trời đất, dân làng lấy tre gai rào quanh và đặt tên Suối Ục. Lúc đầu, dân chúng gần xa múc nước về nhà thờ cúng, cầu mong trâu thần phù hộ cho cuộc sống luôn được bình an. Mỗi khi gió đông lạnh giá ùa tới, họ ra Suối Ục múc nước gánh về tắm rửa. Càng tắm thấy người càng khỏe mạnh, công việc nhà nông càng hanh thông.

Một câu chuyện khác cũng tương truyền là ngày xưa xứ đất Tây Viên hoang sơ lắm. Bỗng từ đâu có cặp vợ chồng dắt díu tới đây đốn cây dựng nhà, khai phá lập làng rồi lặng lẽ từ biệt trần gian. Ông bà muốn để lại cho dân chúng hậu sinh điều gì đó tốt đẹp từ tấm lòng của mình nên đã biến thành hai dòng nước nóng cho dân chúng chữa bệnh. Từ đó hai vũng nước được dân gian đặt tên là Vú Ông, Vú Bà hay còn nhiều tên gọi khác như Ục Ông, Ục Bà, Vũng Ông, Vũng Bà…

Trải qua bao đời, hai mạch ngầm nước nóng phun trồi từ lòng đất lên chảy thành một con mương nhỏ róc rách, len lỏi xuôi qua các thửa ruộng rồi nhập vào dòng khe nước mát khá lớn cách đó không xa. Mãi đến năm 1998, có một doanh nghiệp phối hợp chính quyền địa phương xây dựng hai bể xi-măng ngay tại địa điểm có mạch nước nóng phun lên. Mỗi bể có diện tích chừng 15m2, gom dòng nước nóng rồi đóng ống sắt ngay chính giữa bể để nước tự chảy như cái vòi nước máy cho người dân dễ dàng sử dụng. Bể Ục Ông xây theo hình lục giác, bể Ục Bà xây hình ô van mềm mại để phân biệt hai mạch nước ngầm được hình thành từ… truyền thuyết.

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, hai vòi nước nóng ngầm này xuất phát từ chân dãy Hòn Tàu xanh thẳm, có trữ lượng nước ngầm rất lớn và luôn ổn định. Hòa tan trong nước là các chất khoáng, can xi, lưu huỳnh, sắt, kali… rất tốt cho sức khỏe con người. Nhiều người dân địa phương cho biết vào mùa nắng nóng, trời cao xanh lồng lộng chỉ nhìn thấy trong đáy bể nước nóng phủ màu bùn trắng, sủi bong bóng tăm, hơi nước bốc lên nhè nhẹ từ sức nóng 80oC nhưng khi mùa đông âm u, lạnh lẽo thì hai bể chứa luôn vờn quyện màu trắng toát khói sương bồng bềnh, huyền ảo.

Bây giờ người dân thôn Tây Viên muốn luộc trứng có thể mang tới thả xuống đáy các bể nước nóng là có thể ăn được. Tuy nằm ở phía tây đèo Le, chỉ cách đường ĐT611 chừng 100 mét, nhưng hai mạch nước nóng này ít có người lui tới bởi việc đi lại chỉ men theo bờ mương nho nhỏ phủ cỏ trơn trượt, khó khăn.

THÁI KIỀU VI

;
;
.
.
.
.
.