Đà Nẵng cuối tuần
"Rắc rối giới" gợi mở cách đọc về giới ở Việt Nam
Phải mất đến vài thập niên, Rắc rối giới (tựa gốc tiếng Anh: Gender Trouble, ra mắt năm 1989) của tác giả Judith Butler mới được dịch ở Việt Nam và là bản dịch đầy đủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Rắc rối giới của Judith Butler là một trong những quyển sách về nữ quyền và lệch pha được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử. Sách được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam |
Tính đến năm 2015, Rắc rối giới là quyển sách nghiên cứu về nữ quyền và lệch pha được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử, được dịch gần 30 thứ tiếng. Tạm gác lại những cái mác “đầu tiên” hay “nhất” ấy, sự có mặt của tác phẩm trên kệ sách nghiên cứu về giới và tất thảy những gì liên quan đến nó thật sự là một may mắn đối với độc giả nói chung và người đọc Việt nói riêng. Tác giả Judith Butler là người đồng tính tác phẩm của bà chú trọng đến vấn đề này. Trong lời giới thiệu bản dịch công phu này (“ngốn” của nhóm dịch Tiên Phong vài năm), TS, dịch giả Nguyễn Thị Minh (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) - người hiệu đính quyển sách cho biết, việc đọc Rắc rối giới là cả một thách thức vì văn phong và lượng kiến thức khổng lồ trong sách.
Rắc rối giới là sự nghiên cứu của Judith Butler về giới (gender), giới tính (sex) và những vấn đề xung quanh nó bằng phương pháp phê bình nội tại (phê bình một vấn đề dựa trên chính những đặc điểm cốt yếu của nó hơn là dựa vào những yếu tố khách quan). Sách gần 400 trang, gồm 3 chương, là sự đào sâu dường như đến tận gốc rễ những vấn đề như dị tính, đồng tính, tính đồng nhất, bản thể, sự phức tạp của giới, chính trị giới… và cũng là hành trình mà Judith Butler điểm mặt chỉ tên những tên tuổi khổng lồ thuộc về những vấn đề mình nhắc đến như Freud, Julia Kristeva, Foucault… Nhóm dịch và người hiệu đính đã thực hiện công việc tỉ mẩn, nghiêm cẩn đó là chú thích tất cả những khái niệm trong sách rất chi tiết để độc giả tiện tra cứu và hiểu sâu từng vấn đề. Tác phẩm nổi tiếng này ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đại chúng, cấp nghĩa cho từ vựng nhiều từ mới như kiến tạo xã hội, rắc rối, tính biểu hành… Rắc rối giới cũng mở ra hướng nghiên cứu liên ngành khi nhà nghiên cứu cộng đồng, nhà ngôn ngữ, nhà dân tộc học thấy được trong quyển sách những khái niệm mang tính gợi mở cao chứ không đứng yên.
Là một nhà lý thuyết giới, chính trị học, Judith Butler nổi tiếng đến độ giới hàn lâm dường như ai cũng biết tới bà. Rắc rối giới có thể xem là công trình cực kỳ quan trọng của bà, thúc đẩy công việc nghiên cứu nữ quyền/lệch pha, nhưng đó là ở bối cảnh phương Tây. Khi được mang về Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung (trước đó sách đã được dịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), việc quyển sách được “tân trang” (refashioning) - chữ dịch của Nguyễn Thị Minh - như là một quá trình tất yếu bởi bối cảnh văn hóa bản địa. Từ việc đi cấp nghĩa, giờ đây, Rắc rối giới dường như được sống một đời sống thứ hai, phù hợp với bối cảnh văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như ở ta. Trong tầng tầng lớp lớp chữ nghĩa của Judith Butler, chúng ta khả dĩ tìm ra một hướng đi mới trong việc tiếp cận lý thuyết của bà khi có sự so sánh với những ý niệm/suy nghĩ dường như đã quá quen thuộc với người Việt - mà bản thân những ý niệm/suy nghĩ này mang tính phân biệt rõ ràng về giới - Nam tu nữ nhũ; Nam thực như hổ, nữ thực như miêu; Đàn ông không râu bất nghì… Dẫu áp cách đọc của Judith Butler vào trong bối cảnh văn hóa có phần kín kẽ như ở Việt Nam bước đầu có phần hơi khiên cưỡng, nhưng nếu can đảm và quyết liệt, biết đâu được, hành vi ấy phát sinh một ý niệm kép sóng đôi với ý niệm ban đầu, và từ đây, biên độ đối thoại và tiếp tục “tân trang” quyển sách được đẩy đi xa hơn…
Rắc rối giới là “tân binh” trong tủ sách giới và phát triển là Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ Việt Nam. Trước đó, một cuốn sách đóng vai trò sổ tay cho dân nghiên cứu giới đã được Nguyễn Thị Minh dịch và giới thiệu khá cặn kẽ là Những khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Key Concepts in Gender Studies) của 2 tác giả Jane Pilcher, Imelda Whelehan. |
THẾ SANG