Đà Nẵng cuối tuần

Xương ống quyển hay xương ống khuyển?

16:47, 11/02/2023 (GMT+7)

* Hôm rồi trong xóm có cậu bé chơi đá bóng bị bong gân chỗ xương ống chân. Ông nó nói may quá, chứ gãy ống quyển thì nguy. Ba nó lại nói chỗ đó gọi là xương ống khuyển. Vậy, ống quyển và ông khuyển, cách gọi nào đúng? (Nguyễn Trung Quang, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Không ít người có cách gọi không chính xác về xương ống chân - phần xương ở giữa đầu gối và bàn chân. Tác giả bài viết Nhật Kim Anh kể hậu trường bị xe tông suýt gãy chân ở “Lưới trời” đăng trên Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.gov.vn) viết: “Quá trình quay "Lưới trời", Nhật Kim Anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mới đây trong một cuộc trò chuyện, nữ diễn viên nhớ lại hậu trường ám ảnh suýt bị xe đụng gãy chân. Đó là một cảnh quay trên phố lúc Út Hạnh cứu bác sĩ Minh khi phát hiện có một chiếc xe đang lao tới. Trong quá trình tập dượt, chiếc xe cổ không may bị mất thắng, lao vào Nhật Kim Anh, suýt đâm vào xương ống khuyển của cô”.

Xương ống quyển và nẹp bảo vệ xương ống quyển trong đá bóng. Ảnh: ST
Xương ống quyển và nẹp bảo vệ xương ống quyển trong đá bóng. Ảnh: ST

Một bài viết đăng trên Hệ thống y tế Thu Cúc (benhvienthucuc.vn): “Xương ống chân hay còn gọi là xương ống đồng, xương ống khuyển. Người bị đau xương ống chân thường cảm thấy đau nhức trong xương gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt”.

Thực ra, cách gọi đúng cho phần xương này là xương ống quyển (một số tài liệu y văn cũng gọi xương ống quyển là xương chày). Từ điển tiếng Việt giảng “ống quyển” (danh từ) có hai nét nghĩa: (1) ống để giấy làm bài thi của những người đi thi trong thời phong kiến (từ cũ); (2) ống chân, cẳng chân (phương ngữ).

Bài viết Cận cảnh đồ nghề đi thi của sĩ tử hàng trăm năm trước đăng trên kienthuc.net.vn cho biết, trong thời phong kiến, khi đi thi, giấy viết được sĩ tử cuộn lại và đựng trong ống quyển, là một ống dài làm bằng gỗ có nắp đậy, chống được nước. Ống quyển có thể chỉ là ống tre đơn giản, cũng có khi được chế tác cầu kỳ, tùy thuộc vào gia cảnh của sĩ tử.

Trong tác phẩm “Lều chõng” - tiểu thuyết phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố, đăng lần đầu trên Thời vụ số 109 ra ngày 10-3-1939, tác giả đề cập việc ngày xưa, khi đi thi, thí sinh lại phải mang theo lều, chõng, ống quyển, thức ăn... lặn lội xa xôi lên kinh thành. Tiểu thuyết có đoạn nói về chàng sĩ tử Đào Vân Hạc sau khi coi qua đầu bài (đề thi) thì trở về lều, giở ống quyển lấy quyển nắn nót viết..., xong chàng lại bỏ quyển vào ống, bó gối ngồi nghĩ đến bố cục của bài thi...

Phải chăng hình ảnh chàng sĩ tử ngồi bó gối bên ống quyển trong các kỳ thi thời phong kiến đã khiến cho từ “ống quyển” (với nghĩa ban đầu là “ống để giấy làm bài thi của những người đi thi trong thời phong kiến”) có thêm nghĩa phái sinh là “xương ống chân”? Y văn cũng đã định nghĩa: “Phần xương ở giữa đầu gối và bàn chân gọi là xương ống chân, ống đồng, hay ống quyển. Phần này bao gồm hai khớp xương chính đó là xương mác (fibula) và xương chầy (tibia). Hai khớp xương này chịu phần lớn lực tạo ra khi chạy bộ, do đó rất dễ dẫn đến chấn thương”.

Để tránh chấn thương cho xương ống quyển, hiện trên thị trường có bán các loại ốp (nẹp) bảo vệ ống chân trong đá bóng, là phụ kiện cần thiết khi chơi môn thể thao vua giúp bảo vệ đôi chân nhưng không ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của người sử dụng. Các loại nẹp này không cần dây, chỉ việc ốp vào xương ống quyển và mang tất dài, dễ mang vào và tháo ra.

ĐNCT

.