Đà Nẵng cuối tuần

CHÍNH QUYỀN VÌ DÂN

Hợp lòng dân

08:21, 05/03/2023 (GMT+7)

Nhờ duy trì hoạt động đối thoại, tiếp công dân, nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài liên quan đến nội dung kiến nghị, phản ánh được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo, hợp lòng dân, tránh phát sinh “điểm nóng”, gây bức xúc trong dân.

Lãnh đạo huyện Hòa Vang trao đổi với đại diện người dân tại dự án Tuyến đường vành đai phía tây 2 để đi đến thống nhất công tác đền bù, giải tỏa. Ảnh: T.Y
Lãnh đạo huyện Hòa Vang trao đổi với đại diện người dân tại dự án Tuyến đường vành đai phía tây 2 để đi đến thống nhất công tác đền bù, giải tỏa. Ảnh: T.Y

Thấu tình đạt lý

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, sống tại căn hộ 406, nhà 1D, khu chung cư Phong Bắc (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vẫn chưa quên cảm xúc mừng vui lúc nghe kết luận của lãnh đạo thành phố tại buổi tiếp công dân ngày 15-3-2022, cho phép gia đình tiếp tục thuê căn hộ 406.

Bà kể, năm 2013, do thiếu hiểu biết, bà dốc toàn bộ tiền dành dụm mua lại căn hộ 406 từ người quen. Tưởng đã tìm được chốn an cư, nhưng năm 2021, bà tá hỏa khi nhận quyết định thu hồi căn hộ của Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng, lý do: căn hộ 406 bị chuyển nhượng trái phép. “Lúc ấy, tôi mới biết căn hộ mình mua là nhà ở xã hội, thuộc sự quản lý của Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng, không cho phép cá nhân chuyển đổi, bán, cho thuê lại hoặc cho mượn nhà dưới bất kỳ hình thức nào”, bà Mai nói.

Lo lắng đến mất ăn, mất ngủ là tâm trạng của gia đình bà Mai khi đó. “Cả nhà ôm nhau khóc vì số tiền vay mượn mua nhà chưa trả xong, chồng bị tai biến, cháu mắc bệnh tâm thần, tôi không có công việc ổn định, nếu không được tiếp tục ở đây, thì biết đi đâu, về đâu?”, bà Mai cảm thán. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình bà Mai, một người quen hướng dẫn bà viết đơn gửi Chủ tịch UBND thành phố nhờ xem xét, giải quyết.

Sau thời gian thấp thỏm chờ đợi, bà nhận được giấy mời dự buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND thành phố. Hôm ấy, sau khi nghe bà Mai trình bày, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh bàn bạc cùng các sở, ngành, địa phương, thống nhất cho gia đình bà tiếp tục thuê căn hộ 406 để ổn định cuộc sống. Đồng thời, yêu cầu UBND quận Ngũ Hành Sơn (nơi gia đình có hộ khẩu thường trú) xét hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ, ổn định cuộc sống.

Vợ chồng ông Trần Gió, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bỏ ra 300 triệu đồng mua lại căn hộ 305, nhà C2, chung cư làng cá Nại Hiên Đông thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày nhận quyết định cưỡng chế, 7 nhân khẩu nhà ông Gió tìm đến UBND phường Nại Hiên Đông bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục ở lại căn hộ. Do việc này vượt cấp thẩm quyền, UBND phường hướng dẫn ông Gió làm hồ sơ gửi UBND thành phố. Tại buổi tiếp công dân định kỳ cách đây 3 năm, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng việc mua, bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước là sai. Tuy nhiên, xét thấy gia đình ông Gió thực sự khó khăn về nhà ở, thành phố quyết định tạo điều kiện cho ông tiếp tục thuê căn hộ 305.

Trong các buổi tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tích cực rà soát, nắm bắt hoàn cảnh đời sống người dân để có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý. Bà Đặng Thị Nữ, chủ đầu tư Trường Mầm non Ánh Dương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin đấu giá lô đất 630 Trần Tấn, phường Hòa Hiệp Nam, theo đúng quy định pháp luật.

Theo bà Nữ, ngày 20-2, bà đăng ký gặp Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2, tại đây bà trình bày việc Trường Mầm non Ánh Dương có cổng chính tại 793B Nguyễn Lương Bằng. Năm 2019, bà có tờ trình gửi UBND phường Hòa Hiệp Nam xin mượn lô đất chưa sử dụng 630 Trần Tấn làm cổng phụ và lối thoát hiểm cho phụ huynh, học sinh. Nay bà muốn mua lô đất này để ổn định cơ sở vật chất, đồng thời mở rộng diện tích, tạo không gian cho trẻ vui chơi, sinh hoạt.

Trong bối cảnh thành phố đang triển khai đề án xây dựng, mở rộng trường học và đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa giáo dục, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các đơn vị liên quan sớm lập thủ tục đấu giá lô đất 630 Trần Tấn, tạo điều kiện giúp bà Nữ tham gia đấu giá lô đất này theo quy định.

“Việc thành phố chủ trương bán lô đất 630 Trần Tấn theo hình thức đấu giá giúp tôi có điều kiện tiếp cận mua lô đất này. Thời gian tới tôi sẽ theo sát hoạt động làm hồ sơ đấu giá lô đất, hy vọng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ”, bà Nữ mong muốn.

Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

Nhiều chính sách liên quan công tác quy hoạch, đền bù, bố trí đất tái định cư được các cấp, ngành, địa phương thông tin đến người dân thông qua hoạt động đối thoại, tiếp công dân. Năm 2022, UBND huyện Hòa Vang tiếp 161 lượt công dân và 490 đơn khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp đối thoại với 285 lượt công dân là hộ đền bù, giải tỏa, qua đó kịp thời giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, nhiều dự án lớn triển khai trên địa bàn huyện kéo theo số lượng đơn, thư kiến nghị tăng đáng kể. Đơn cử, theo chủ trương quy hoạch Khu đô thị Tây Nam thành phố trước đây, Thanh tra thành phố yêu cầu UBND huyện hủy 65 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại các thửa 759, 592, 162, tờ bản đồ số 9, thôn Quang Châu, xã Hòa Châu do UBND huyện cấp trước đó. Sau nhiều lần kiến nghị, đến nay UBND thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 tại thôn Quang Châu trên cơ sở các thửa đất đã chuyển mục đích sử dụng trước đây.

Theo ông Tôn, vị trí những thửa đất đã chuyển mục đích sử dụng trước đây hiện phù hợp quy hoạch mới. Để bảo đảm quyền lợi người dân vùng quy hoạch, UBND huyện tiếp tục kiểm tra tính pháp lý các lô đất, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. “Hoạt động tiếp dân giúp lãnh đạo huyện ghi nhận thông tin cơ sở, kịp thời tháo gỡ những “điểm nóng”, “điểm nghẽn” trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giúp người dân hiểu chủ trương, chính sách cũng như những quy định liên quan lĩnh vực khiếu nại, tố cáo”, ông Tôn khẳng định.

Từ khi triển khai Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, định kỳ mỗi năm, Thường trực Quận ủy Liên Chiểu tiếp khoảng 40 lượt công dân, chủ yếu liên quan công tác giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, bố trí đất tái định cư, tranh chấp, ô nhiễm môi trường…

Ông Đặng Ngọc Nhân, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Liên Chiểu cho biết, tại buổi đối thoại, Thường trực Quận ủy luôn lắng nghe kiến nghị, phản ánh của người dân, qua đó đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý và có văn bản báo cáo kết quả xử lý về Thường trực Quận ủy. Bên cạnh đó, lãnh đạo quận thường xuyên tổ chức đối thoại công dân nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh tại các dự án như vệt 50m tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, khu du lịch sinh thái Nam Ô, tuyến đường Đàm Quang Trung, dự án bãi rác Khánh Sơn…

Có thể thấy rằng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc đối thoại trực tiếp với công dân là một trong những cách hiệu quả nhất để nắm bắt lòng dân. Thông qua những buổi đối thoại dân chủ, thẳng thắn, những vấn đề người dân nêu ra được các cấp, các ngành giải quyết thấu đáo, kịp thời; sự căng thẳng, lo lắng của người dân được thay thế bằng nụ cười, niềm vui và đôi khi cả những tràng pháo tay khi vướng mắc được tháo gỡ...

Hoạt động tiếp công dân ngày càng đi vào nền nếp khi mới đây, UBND thành phố ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 8-2 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 24-5-2017 của UBND thành phố.

Theo đó, đơn kiến nghị, phản ánh (trừ các trường hợp có yếu tố mật) phải được cập nhật, xử lý trên phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu. Cơ quan, bộ phận được giao xác minh, đề xuất giải quyết vụ việc tiến hành xác minh và có báo cáo đề xuất trong thời hạn không quá 20 ngày; đối với kiến nghị, phản ánh ở vùng sâu, vùng xa, thời hạn không quá 30 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác, đúng thời gian, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có trách nhiệm báo cáo tình hình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn và kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, địa phương mình đến Chủ tịch UBND thành phố thông qua thanh tra thành phố để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

TIỂU YẾN

.