Đà Nẵng cuối tuần
Ơn tình rơm rạ
Chiếc võng trưa đang đu đưa bài ca kẽo cà kẽo kẹt của thâm trầm năm tháng, qua từng thớ dây bện dần mòn. Bà nội đang nằm nghe giọng cô đào Lệ Thủy. Khúc Vọng kim lang sớm đã não nề, qua tay chiếc la-dô cũ càng, lại làm cho giọng ca của cô đào không thể nào xót xa hơn được nữa. Sớm tinh mơ má tôi đã phải ra đồng để lo cơm nước cho dân gặt. Mắt nội tôi ngóng xa theo từng gánh rơm mang hiện thân cuối cùng của một đời mạ. Cơn gió đời thổi chi mà ràn rạt, liệu nội còn được mấy mùa rơm, mùa rạ nữa đây.
Minh họa: TLAThu |
Thời gian âm thầm chảy qua từng sợi tóc đã từng đen mượt và dài của nội. Nội móm mém cười, nụ cười thanh thản của một con người đợi chờ ngày về với đất ruộng bao la, với êm êm dòng phù sa châu thổ. Cơn mưa thời gian thấm dầm vào đời nội qua từng ngón tay trơn nhẵn nhọc nhằn của những đường vân. Ngoảnh lại ai có hay nội nghĩ gì, khi thời con gái đẹp tươi bên ruộng đồng đã lở bồi trôi xa thăm thẳm. Dạo gần đây, lòng tôi cứ thấp thỏm lo khi nội kêu tôi dắt nội ra thăm đồng. Nội cầm trên tay mình là cọng rơm khô cằn. Mắt nội long lanh từng hạt ngọc thương tiễn một đời mạ xanh. Hai chữ thiên thu nội thường nhắc, chắc chỉ còn là chuyện thời gian.
Má tôi mắc nợ rơm rạ xứ quê, món nợ ơn tình trả bằng cả cuộc đời sợ rằng cũng chẳng hết. Mỗi lần má ủ rơm làm nấm cho anh em tụi tôi ăn, má cứ nhắc hoài cơ duyên được gặp tía. Hai vợ chồng xưa nghèo lắm. Má biết tía cũng từ lần ôm chung rơm về nhà chủ sau hồi gặt mướn. Má hay trách yêu tía, tụi bây coi đó, tao thương ổng hổng có nề hà chuyện gì, dị mà ổng đi là ổng như diều cao đứt dây luôn, đi hông hẹn ngày về, đi mà quên luôn câu hò điệu lý xứ quê. Tôi thở dài, nhớ mấy bận tía kể chuyện về anh gặt mướn khù khờ, biết dạ mình thương người ta mà hông dám mở miệng tỏ ý. Tía dùng dằng làm cho má phải tỏ tình trước. Tới cái cớ để nhà trai qua nạp mâm sính lễ cũng do má tôi bày ra. Hơn hai mươi năm về chung sống, tía tôi đã trọn đạo chồng vợ, vẹn tròn nghĩa rể con với hai bên nội ngoại, và hơn thế tía cho bọn anh em tôi là một người tía đáng tin cậy giữa mưa nắng cuộc đời. Sao mà má hờn chi được tía phải hông? Giọng tôi lạc ra phía mộ tía nằm chỗ mấy gốc mãng cầu ngoài vườn. Nhớ buổi đưa linh cữu tía về nơi an nghỉ, đến cả rạ rơm cũng thương rồi lót đường cho tía tôi đi vậy mà.
Mấy anh em tụi tôi lớn lên từ trong cái nghèo, nhưng tuyệt nhiên không ai muốn vong phụ tình xưa. Ấu thơ ấy ngọt ngào quá đỗi trong từng chén nước cơm đường còn ám mùi rơm cháy. Mùa vịt chạy đồng giờ cũng chịu an giấc trong câu hát hoài thương. Bọn tôi đánh rơi tiếng sáo diều, tiếng đàn trâu tìm về sau một ngày làm bạn với nhà nông mệt nhọc, trong từng ổ rạ tụi vịt lựa làm chốn hạ sinh cốt nhục của mình. Mùa gặt bây giờ rộn ràng hơn trong tiếng của mấy cái máy gặt đập liên hợp. Lũ trẻ lớn lên, theo nổi trôi tất bật chốn thị thành rồi mang về hơi thở của thời đại phủ lên xứ quê. Đồng ý là tiền mua được nhiều thứ lắm, chớ còn tấm vé băng đồng thuở cơ cầu nhưng vô lo thì tôi e núi vàng cũng phải lắc đầu xin chịu.
Thoảng khi tôi cũng có những chuyến đi công tác xa, do việc xét xử đòi hỏi đôi chân mình lưu động. Tôi mang ước nguyện của tía, của rơm rạ quê mình làm hành trang xây đời, tô đậm lên màu áo choàng của người chủ tọa. Lâu lâu được về mấy tòa ở miệt cùng bưng biền là tôi mê lắm. Được cái nước mắt thương cho cố xứ có dịp tuôn rơi tự nhiên lúc nhìn khói đốt đồng bay về trời. Đồng nghiệp thấy tôi khóc, hỏi bộ áp lực dữ lắm hả. Tôi cười cười, hông phải đâu chắc cay mắt do khói đồng bay vào thôi.
Ngoài đồng, mạ đến mùa vẫn được cấy. Ngoài đồng, rơm rạ đến mùa sẽ lại được hóa kiếp. Còn ngoài đời, dân xứ tôi vẫn mang hoài món nợ nghĩa ơn từ cọng rơm, gốc rạ.
VĨNH HOÀI