Đà Nẵng cuối tuần
Văn hóa liêm chính - nhìn từ thực tiễn Đà Nẵng
Văn hóa liêm chính là một bộ phận của văn hóa nói chung, của văn hóa công sở nói riêng; là nội dung cốt lõi trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cũng là nội dung quan trọng trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực [1].
Nội dung 5 xây (Trách nhiệm, Chuyên nghiệp, Trung thực, Kỷ cương, Gương mẫu) và 3 chống (Chống quan liêu, Chống tiêu cực và Chống bệnh hình thức) đã thực sự hướng đến mục tiêu hình thành văn hóa liêm chính trong toàn bộ hệ thống chính trị của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Người dân đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả ở Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Trong bài tổng quan Đấu tranh phòng, chống tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược đăng ở phần 1 cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm liêm chính (ở các trang 21, 40, 40, 43, 44) và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng văn hóa liêm chính (ở các trang 31, 34, 34, 37, 44).
Phấn đấu suốt đời, không nghỉ, không ngừng
Ngày 31-3, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) phối hợp Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ban Nội chính Trung ương) và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Trong bốn giải pháp mà hội thảo đề xuất, có giải pháp “xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, tiêu cực”.
Giải pháp này được Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề cập trong hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 5-12-2022. Trong văn hóa liêm chính còn có vấn đề liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học và liêm chính nghệ thuật trong sáng tạo văn chương nghệ thuật, cũng đang là những điểm nóng ở nước ta hiện nay.
Văn hóa liêm chính rất thời sự như vậy nhưng không phải là vấn đề mới. Hàng ngàn năm nay ông cha ta đã bàn về văn hóa liêm chính. Theo cách nghĩ của người xưa, việc xây dựng văn hóa liêm chính là cả một quá trình phấn đấu suốt đời, không nghỉ, không ngừng. Tiếng Việt có hai từ nghe giông giống nhau: Tinh tế và Tử tế. Làm người tinh tế không dễ nhưng làm người tử tế khó hơn nhiều. Người tinh tế có thể lúc tinh tế lúc không tinh tế, nhưng người tử tế thì lúc nào cũng phải tử tế!
Trong 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào tháng 5-2017, có một di sản liên quan đến văn hóa liêm chính: Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng hằng năm. Vào thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn cũng đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu. Thời Pháp thuộc, nội dung Hịch văn Minh thệ được chính quyền Pháp ở Đông Dương dịch ra tiếng Pháp để lưu truyền rộng rãi. Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu là một lễ hội dân gian độc nhất vô nhị về chống tham nhũng của Hải Phòng. Người khởi xướng lễ hội này từ năm 1561 là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung.
Trong những năm chiến tranh, Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu bị gián đoạn, đến năm 2003 mới chính thức được phục dựng. Hịch văn Minh thệ bằng chữ Hán dịch ra tiếng Việt nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”; “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề”; “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”; “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ mười tám tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử…”.
Hạn chế lớn nhất của Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu là người đứng ra thề chỉ đóng khung trong làng Hòa Liễu - “từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ mười tám tuổi trở lên”, quan chức cấp xã trở lên không thuộc diện được thề, chỉ được mời dự để chứng kiến cấp dưới thề, nhưng chỉ vậy cũng đã góp phần gầy dựng văn hóa liêm chính trong bản thân các khách mời…
Phải bắt đầu từ công tác đảng viên
Như đã nói trên, văn hóa liêm chính là một nội dung cốt lõi trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong Di chúc công bố năm 1969, Bác Hồ nêu tâm nguyện về liêm chính và văn hóa liêm chính: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Gần hai mươi năm trước đó, vào ngày 20-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL về “Quy chế công chức Việt Nam”; trong đó, điều 2, mục II, chương 1 quy định rõ: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đây là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức truyền thống mà liêm chính là giá trị cốt lõi, được Bác Hồ thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Bác còn yêu cầu: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ”. Bác không gọi đích danh nhưng đây chính là văn hóa liêm chính.
Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đề cập một cách hệ thống, toàn diện đến đức liêm chính không chỉ của cán bộ, công chức là trong tác phẩm Đời sống mới (tháng 3-1947, ký bút danh Tân Sinh): “Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”. Trong bài Thế nào là Liêm - với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác Hồ từng chỉ rõ: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm” [2].
Cũng trong bài Thế nào là Liêm, Bác Hồ đòi hỏi: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Vì thế ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã ký ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hình thành văn hóa liêm chính, chẳng hạn ngày 27-11-1945, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 223 về việc xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân. Đây là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ có 5 điều với 300 chữ nhưng Sắc lệnh số 223 hội đủ nội dung cơ bản của một văn bản quy phạm pháp luật về việc chống tham nhũng và cũng thể hiện tính nghiêm minh và nhân đạo của một Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân.
Đặc biệt, vào ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành bản Quốc lệnh - tức là lệnh của nguyên thủ quốc gia, gồm 20 điều với hai phần Thưởng và Phạt. Trong phần Thưởng của Quốc lệnh này, những người có công được khen thưởng rất lớn, đủ sức để làm động lực kích thích cái tốt đẹp phát triển; nhưng phần Phạt thì cũng rất nghiêm khắc. Trừng phạt phản quốc, tham ô, lãng phí thì từ điều phạt thứ nhất đến điều phạt thứ mười trong bản Quốc lệnh, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đều ghi mức xử lý cao nhất là tử hình. Có thể khẳng định rằng, bản Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành là văn bản đầu tiên về khen thưởng, xử phạt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[3].
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I vào ngày 31-10-1946, có đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về các vụ việc ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng mới xảy ra. Thay mặt Chính phủ, Bác Hồ trả lời: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết (…) Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các ủy ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” - cho "kỳ hết" ở đây tức là không có vùng cấm, là không có ngoại lệ, là không có tình trạng triệt để theo kiểu chỗ triệt, chỗ để thiếu công bằng, không thuyết phục.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trở lại cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, có thể thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện đậm nét thông điệp chính: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”. Trong bài viết Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đăng trên Tạp chí Cộng sản số 8-1986 với bút danh Phan Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đảng phải đổi mới công tác của mình, nhất là đổi mới quan niệm và tư duy, đổi mới bộ máy và hình thức tổ chức, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới phong cách và lề lối làm việc… nhìn thẳng vào tình hình, thấy rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa”. Như vậy, xây dựng văn hóa liêm chính phải bắt đầu từ công tác đảng viên, trước hết từ việc kết nạp đảng viên mới. Lê-nin từng quan niệm rất đúng về vấn đề kết nạp đảng viên và sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những người không giữ được lời tuyên thệ trước Đảng kỳ: Thà ít mà tốt! Thế nhưng điều Đảng ta đang ra sức phấn đấu là làm thế nào để không ít mà vẫn cứ tốt, để đông mà vẫn cứ mạnh, vẫn cứ “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nhiều diễn đàn, và quan trọng hơn là vẫn nêu được gương sáng về văn hóa liêm chính.
Xây dựng văn hóa liêm chính còn phải bắt đầu từ công tác cán bộ, trước hết là từ việc trao quyền lực cho cán bộ, theo nguyên tắc vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc, tránh tình trạng người làm được thì không được làm còn người được làm thì… làm không được, rất dễ dẫn đến những hành vi thiếu liêm chính. Những người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng khi tham mưu về việc chọn cán bộ để tiến cử với cấp có thẩm quyền, vẫn luôn nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”[4]; đặc biệt vẫn luôn nhớ chuyện Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179) đời nhà Lý, khi lâm trọng bệnh đã quyết tâm tiến cử Trần Trung Tá đang bận lên biên thùy bàn việc định giới với nước láng giềng nên ít đến thăm, kể cả lúc Tô Hiến Thành sắp mất, chứ không tiến cử Vũ Tán Đường ngày đêm túc trực, hết mực chăm sóc, hầu hạ bên giường ông. Có thể nói đây là mẫu mực trong di sản văn hóa liêm chính vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc mà cha ông xưa đã trao truyền cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có đủ liêm chính để tiến cử những Trần Trung Tá đúng người, đúng việc hay không và quan trọng hơn là có đủ năng lực thuyết phục cấp có thẩm quyền chấp nhận sự tiến cử của chúng ta hay không? Đương thời Đỗ Thái hậu mẹ vua Lý Cao Tông đã không nghe theo Tô Hiến Thành, hay nói đúng hơn là chỉ nghe Tô Hiến Thành một nửa: Không dùng Vũ Tán Đường nhưng cũng không dùng Trần Trung Tá mà dùng Đỗ An Di em ruột của bà!
Đà Nẵng và 5 xây, 3 chống
Đà Nẵng đã làm gì trong việc xây dựng văn hóa liêm chính và cần tiếp tục làm gì để phát huy tác dụng của văn hóa liêm chính? Về câu hỏi đã làm gì trong việc xây dựng văn hóa liêm chính, có lẽ nổi bật nhất là việc Ban Thường vụ Thành ủy khóa XXI ban hành và quan trọng hơn là tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới (thường được gọi là Chỉ thị 5 xây, 3 chống). Tuy không gọi đích danh là xây dựng văn hóa liêm chính, nhưng nội dung 5 xây (Trách nhiệm, Chuyên nghiệp, Trung thực, Kỷ cương, Gương mẫu) và 3 chống (Chống quan liêu, Chống tiêu cực và Chống bệnh hình thức) đã thực sự hướng đến mục tiêu hình thành văn hóa liêm chính trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố [5].
Về câu hỏi cần tiếp tục làm gì để phát huy tác dụng của văn hóa liêm chính, theo tôi Đà Nẵng cần đẩy mạnh hoạt động tự soi, tự sửa - trước hết trong công vụ. Lâu nay thỉnh thoảng báo chí vẫn phản ánh một số người có chức có quyền hất hàm hỏi người khác - thậm chí hỏi cả người đang thực thi công vụ - rằng "biết ta là ai không?". Câu hỏi này được xem là thiếu văn hóa. Nhưng câu hỏi "biết ta là ai không?" chỉ trở nên thiếu văn hóa khi hỏi người khác; còn trong quá trình tự soi tự sửa hướng đến văn hóa liêm chính, câu hỏi trên thường được dùng để tự hỏi chính mình lại là một lời tự vấn vô cùng cần thiết. Nếu thường xuyên tự vấn ta là ai trong quá trình tự soi tự sửa, có nhiều khả năng chúng ta sẽ giữ được mình luôn là người tử tế! Bên cạnh hoạt động tự soi, tự sửa, tự vấn, Đà Nẵng cũng rất cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về những tấm gương sáng về đạo đức vẫn đang lấp lánh quanh ta.
Người viết bài này vẫn nhớ như in câu chuyện đoàn cứu trợ của phường 13, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh trên đường ra Đà Nẵng để giúp đồng bào các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê bị tổn thất nặng nề trong cơn bão Xangsane hồi đầu tháng 10-2006. Đêm 13-10, đoàn bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở tỉnh Khánh Hòa, 13 người trên xe chỉ còn duy nhất một người sống sót. Ngay chiều hôm ấy, Ban Thường vụ Thành ủy cử người viết bài này - với tư cách Bí thư Quận ủy Thanh Khê - làm trưởng đoàn vào để kịp viếng các nạn nhân. Sáng sớm ngày 14, đoàn Đà Nẵng đã có mặt ở Bệnh viện Nguyễn Trãi và tôi nhớ tôi đã khóc khi cầm trên tay một tờ lịch nhỏ, mặt sau ghi bằng bút bi với những vết máu khô lốm đốm tên người góp và số tiền - cũng là tấm lòng của các nạn nhân với đồng bào Đà Nẵng trong thiên tai. Nghe người duy nhất sống sót trong chuyến xe định mệnh kể lại rằng, khi xe chạy đến Trảng Bom thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, cô kế toán của phường đứng lên quyên góp và mỗi cán bộ công chức từ anh chủ tịch phường đến cháu dân quân đều góp tiền kẻ ít người nhiều… Nhìn thấy tôi khóc, phóng viên Báo Thanh Niên liền giật một cái tít đầy ấn tượng cho bài báo đăng vào sáng hôm sau: "Nước mắt chảy ngược vào Nam!". Trở về quận nhà, tôi đã kể lại câu chuyện đẫm nước mắt ấy, và tôi nhấn mạnh, nếu chúng ta có ý định xà xẻo dẫu chỉ một xu thôi đối với những đồng tiền không chỉ đẫm mồ hôi mà còn đẫm cả máu như thế này thì đó chính là tội ác!.
BÙI VĂN TIẾNG
----------------------------
[1] Ban Nội chính Trung ương phối hợp NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành trong tháng 2-2023.
[2] Đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 1-6-1949.
[3] Đăng trên Báo Cứu Quốc số 155, ngày 5-2-1946.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 5, trang 123.
[5] Hiện nay, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đang được phân công xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU (2013-2023).