Đà Nẵng cuối tuần

Phận cây

15:50, 22/04/2023 (GMT+7)

Chưa hết mùa xuân đã nghe báo, đài đưa tin chuẩn bị nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Lại sắp sửa có những kiểu trốn nắng khôi hài và cay đắng. Mình cũng đang ở trong vùng miền Trung nắng rát mặt chứ có mát mẻ hơn gì, thế mà coi cảnh người ta trốn nắng cũng bật cười. Phải chăng mình đỡ hơn những người kia vì nhà ở nông thôn, vườn rộng nên có mấy bóng cây để núp.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Và trong khi núp bóng, những đứa cháu ríu rít chơi đùa trong vườn lại có dịp nhắc chuyện ông nội trồng cây. Chẳng hạn cây vú sữa lấy giống lúc ông đi hỏi vợ cho người con đầu tiên, tức là trước khi có chúng tôi. Cây mận đào trồng khi thằng đích tôn mới đẻ. Cây khế hồi đó trồng cũng xảy ra một cuộc tranh cãi giữa ông và bà, vì bà nói trồng chi cái thứ khế chua lòm, lá thì rụng quanh năm quét mỏi tay. Ông bảo khế chua nấu canh ăn ngày hè thanh nhiệt. Mà đâu cứ cây cối phải có trái ăn ngon mới cần trồng, ví dụ cây mưng chả có trái gì cả nhưng người ta vẫn rất chuộng đó thôi. Cái lý lẽ của ông giờ thấy đúng. Cây không cho trái thì cho bóng mát ngồi chơi cũng thích.

Chỉ mới hai chục năm, tính từ cây vú sữa ông trồng, những đứa cháu hôm nay đã có một khu vườn bóng mát. Ngày nóng như hôm nay, có đến dăm bảy cái chỗ để móc võng nằm, từ cây mưng sang cây khế, hoặc từ cây ổi sang cây đào, tùy nắng chiếu buổi trưa hay buổi chiều mà chọn chỗ móc phù hợp… Những gốc cây năm xưa ông trồng hẳn là có quy hoạch hay dự tính cho chuyện móc võng chăng? Nếu đúng thế thì quả ông là một người có tầm nhìn chiến lược! Chúng tôi thường khen ông như một cách trả ơn việc ông để cho bầy cháu những bóng mát trong vườn.

Ông tôi thường bảo xứ miền Trung này khắc nghiệt lắm, coi nắng nóng kiểu này chứ mấy tháng nữa mưa lũ tràn về. Trời, đang nắng chảy mồ hôi nằm ước có trận mưa mà ông nói chuyện nước nổi thèm quá. Còn nhớ những mùa lũ, nhờ có vườn cây nhìn ra đỡ thấy nước mênh mang. Mấy con gà hàng xóm sẩy chân bị nước cuốn qua đây có chỗ bấu víu rồi nhảy lên cành núp. Đó đó, giá trị chưa. Thêm bầy chim bay qua mắc mưa lạnh cóng cũng sà xuống trốn dưới tàng lá. Người ta nói đất lành chim đậu nhưng tới khi đất ngập trong nước, chim phải đậu trên cành cây. Thế thì cái chữ đất lành phải hiểu rộng hơn, là đất ấy có cây cối có tình người chứ không phải hoang vu. Hóa ra cái tàng cây không chỉ dành bóng mát cho sinh vật phía dưới mà nó còn che chở cho những đàn chim trên cao.

Người già sống hay chiêm nghiệm và bài học từ những người già bao giờ cũng rộng cũng sâu. Nhưng đâu phải chừng đó, như đã nói là ông rất có khả năng chiến lược. Ông bảo nếu trên rừng có thật nhiều cây thì nước lũ sẽ không tràn về ào ạt bất ngờ như mấy năm gần đây. Hậu quả của việc phá rừng, khai thác rừng bừa bãi nên cứ mùa mưa bao nhiêu chuyện đau lòng nhỡn tiền. Một cái cây trong vườn nhà đã quý, nhưng một cái cây trên rừng còn quý hơn nhiều lần. Vì cây nhà mình chỉ mình được lợi, cây trên rừng bảo hộ cho biết bao người dưới xuôi. Cũng với cái suy nghĩ ấy, ta thấy ngay cây ở vỉa hè cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cây trong vườn nhà mình.

Thế mà có lúc các chú, các bác của tôi đã tính tương lai sẽ chặt bớt cây trong vườn. Chặt, để dựng rạp tổ chức đám tang lúc ông bà nội nhắm mắt. Ý định này đã bị ông nội kiên quyết phản đối. Ông nói người chết thì đã chết rồi, người sống vẫn phải sống chứ. Chỉ có ba ngày đám đình là xong, đem chặt cây uổng lắm, lấy chỗ đâu cho con cháu vui chơi. Ông dặn đi dặn lại khi ông mất nhất quyết không đụng tới một gốc cây nào, nếu cần thiết thì tỉa nhánh thôi, nghe chưa.

Trưa nay nghe ông phân tích, chúng tôi thầm ghi nhớ. Đến lúc nào ông mất, thay vì chặt cây để làm rạp, chúng tôi sẽ buộc khăn tang cho từng cái cây, để chúng không buồn mà chết. Bởi, mỗi phận cây như một cuộc đời có ích.

HOÀNG CÔNG DANH

.