Đà Nẵng cuối tuần
Trường Sa trong trái tim tôi
Đến thăm quần đảo Trường Sa, nghe tiếng hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ và duyệt binh, nghe đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi đã bật khóc vì xúc động. Được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mới thấy mình càng thêm yêu đất nước Việt Nam, yêu con người và biển đảo quê hương. Giờ ngồi viết lại những dòng này, nước mắt tôi lại trào tuôn.
Chiến sĩ đảo Song Tử Tây đón khách lên thăm. Ảnh: T.A.Q |
Tháng 5, tôi may mắn và vinh hạnh khi là một trong hai nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cùng các văn nghệ sĩ được tham gia đoàn công tác số 10 do Trung ương đoàn Thanh niên tổ chức, lên con tàu KN-390 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 - Phúc Tần thiêng liêng của Tổ quốc đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5 lịch sử.
Phát biểu trước buổi lễ khởi hành, Trưởng đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân nhấn mạnh, chuyến đi lần này, chúng ta thăm hỏi động viên ủng hộ quân và dân, để cảm thông chia sẻ, để thấu hiểu, để tự hào và lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương. Cùng chuyến đi này có Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy, nhân viên đội 4 Bộ Tham mưu Hải quân, ra thắp hương viếng bố mình là chiến sĩ Lê Đình Thơ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 lúc cô vừa tròn 1 tuổi. Lần đầu tiên được đi viếng bố và đồng đội bố, cô khóc suốt hành trình...
1. Một tuần lênh đênh, đoàn công tác số 10 “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2023” đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1/2 - Phúc Tần trong điều kiện thời tiết thuận lợi dù áp thấp nhiệt đới đang tràn đến. Chúng tôi vui mừng khi hơn 200 đại biểu đều được xuống tàu, đi xuồng lên thăm đảo, thăm giàn chứ không như những chuyến khác, chỉ được cử đại diện.
Lên đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, sau khi thăm hỏi các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ đảo xa, chúng tôi gặp những em học sinh tiểu học đang chơi đùa vô tư. Thấy có khách lên đảo, các em chạy đến, vây lấy chúng tôi ríu rít nói cười. Các em tặng chúng tôi chiếc vỏ ốc hay nhánh san hô đỏ nhặt được ở bãi biển. Quà của biển đảo Trường Sa. 5 năm trên đảo, các em cùng gia đình đã thầm lặng hy sinh cuộc sống náo nhiệt trên đất liền để vun trồng, góp phần cho đảo được mãi xanh tươi. Sắp học hết lớp năm, ngày về lại đất liền tiếp tục học hành theo đuổi ước mơ “làm thuyền trưởng” hay “học công nghệ thông tin” như lời các em ríu rít không còn xa. Còn thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, ngoài 40 tuổi, mải gieo chữ ở đảo Song Tử Tây vẫn chưa kịp về đất liền tìm kiếm người yêu. Sau giờ dạy học thầy Phú lấy vần thơ làm bầu bạn và đã lỡ yêu thơ mất rồi.
Khi tàu KN 390 đến vùng biển Len Đao thì dừng lại. Đang thời gian áp thấp nhưng biển bỗng lặng sóng một cách lạ thường. Dưới sự chủ trì của Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, đoàn công tác làm lễ kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Những vòng hoa tươi thắm và lễ vật được cẩn trọng giòng dây thả xuống nước, hoa dập dềnh trên mặt biển giữa trời đêm vắng lặng, lặng đến nghe được tiếng trống ngực và nhịp thở từng người. Những ngọn nến lung linh trên biển đêm như thắp sáng và sưởi ấm linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã quên mình bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Nghe lời diễn văn, chứng kiến lễ viếng thả những vòng hoa xuống biển, không một ai cầm được nước mắt và tự hứa quyết ra sức bảo vệ và giữ gìn biển đảo Tổ quốc.
Trong lễ viếng, Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy đã gần như ngất do xúc động. Sau khi lấy nước nơi bố hy sinh và xin ít cát ở đảo Trường Sa Lớn, cô nói đã thấy lòng nhẹ nhõm, khỏe hơn thường ngày.
Khách đến thăm vợ chồng tại căn nhà số 4 ở Trường Sa Lớn. Ảnh: T.A.Q |
2. Ở đảo Đá Thị, tôi xúc động khi bắt gặp một chiến sĩ vừa xong ca gác của mình, nghe loa thông báo có đoàn ca sĩ hát phục vụ chiến sĩ về đã cầm chắc chiếc mũ trong tay, vội vã vượt cầu dẫn chạy sang điểm đảo bên cạnh ngồi nghe, mở tròn đôi mắt như nuốt từng lời ca. Một chiến sĩ khi nghe ca sĩ Phương Thanh hát đã khóc rồi kêu lên hai tiếng “Mẹ ơi!”. Trông cảnh ấy, tôi tự nhủ thầm không cho phép mình bỏ phí phút giây nào trên đảo. Tôi lên đảo sớm rồi luôn về cuối cùng; đi như chạy, quyết nhìn, ngóng ngắm và ghi lại hình ảnh trên đảo nhiều nhất có thể, bởi cơ hội đi Trường Sa vô cùng hiếm hoi.
Trên các đảo nổi đảo chìm Đá Thị, Đá Đông B, Đá Tây B tôi thích thú ngắm nhìn, nô đùa với những chú chó hiền lành có đôi mắt nâu xanh và thường hay úp tai xuống nền để nhìn ra biển. Thấy bóng người ở xa chúng sủa toáng lên, nhưng lúc khách đến gần chúng không sủa mà chạy lại vẫy đuôi mừng. Ở những đảo nhỏ và nhà giàn DK1/2 - Phúc Tần chỉ đủ chỗ xây dựng công trình phục vụ cho việc giữ đảo, không có không gian và đất trồng trọt, các chiến sĩ tận dụng từng tấc đất, cơi giàn ra biển để tăng gia sản xuất; chăm chút từng vạt rau, dây bí bầu, dây khổ qua, mướp, chăn nuôi từng con gia cầm giữa biển đảo đầy nắng gió dưới thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nước ngọt chỉ hứng được từ những cơn mưa trữ chứa dưới hầm...
Đi thăm huyện đảo Trường Sa, đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp chu đáo, ân cần. Cảnh những chiến sĩ ra cầu tàu giữ xuồng cho khỏi sóng lắc, phụ dắt chúng tôi lên đảo an toàn làm ai ai cũng hết sức cảm kích. Mới lên đảo, gặp những thau nước chanh để rửa tay cùng khăn lau, chúng tôi hiểu mình đang được tiếp đón chu đáo đến mức nào. Các chiến sĩ tạm hy sinh tình cảm gia đình, vợ con, mẹ hiền ra làm nhiệm vụ cao cả trên đảo xa, không những vững ý chí giữ chắc tay súng canh giữ đất trời biển đảo chủ quyền thiêng liêng mà còn có trái tim quá đỗi nồng hậu. Tôi luôn nhớ sự hiếu khách của vợ chồng anh Quốc Anh, chủ căn nhà số 4 trên đảo Trường Sa Lớn, cũng như không thể nào cầm lòng trước hình ảnh chị Mỹ Dũng mặc áo dài tất tả đón đoàn khách thăm nhà, trong lúc đứa con nhỏ lon ton chạy theo mẹ...
Không sao quên được lúc chia tay, các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn, cầm tay tiễn chúng tôi ra tận bến tàu, vừa đi vừa hỏi: “Bao giờ cô/chú sẽ ra thăm con trở lại?”. Chúng tôi im lặng không dám trả lời vì không biết khi nào mới được đi Trường Sa lần nữa, bèn nén nhịn không để nước mắt trào ra.
3.Lúc chia tay các chiến sĩ, người dân trên đảo và nhà giàn, đoàn công tác hô vang những câu khắc vào tâm can: Chúng tôi yêu Trường Sa! Trường Sa trong trái tim tôi! Lớp lớp người đứng thành hàng trên boong tàu, trên nóc ca bin lái vẫy tay, mắt đỏ hoe, gạt vội dòng nước mắt tự hào xúc động. Sau lời hô đồng thanh, tiếng hát được cất lên: “Ngày qua ngày đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”.
Các chiến sĩ bên đảo bên giàn cũng đứng thành hàng hát vang tiễn chào cho đến lúc tàu đi xa. Chúng tôi hô mãi, hát mãi cho đến khi bóng đảo, bóng giàn dần lùi về phía sau khi chỉ còn chấm nhỏ. Đoàn công tác đứng trên boong tàu không xuống, trong buồng lái nhóm văn nghệ sĩ hát qua máy radio. Giữa muôn trùng sóng vỗ, giữa biển cả mênh mông đội văn nghệ của các ca sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà Văn hóa Thanh Niên hòa cùng lời ca với đại biểu, những đồng chí làm nhiệm vụ trên con tàu KN 390: “Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua/ Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ/ Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.
Tôi là thủy thủ, từng sống và làm việc cả năm ròng trên con tàu vượt biển, nhưng khi ở trên con tàu KN 390, tôi có cảm giác rất lạ. Lạ bởi những trái tim yêu nước, yêu đảo, yêu người; lạ bởi sự nhiệt tình ấm áp đầy sẻ chia. Đi khắp năm châu, với tôi không nơi nào có cảm xúc như đi Trường Sa, bởi Trường Sa là máu thịt không thể tách rời trong trái tim mỗi con người Việt Nam. |
TRƯƠNG ANH QUỐC