Đà Nẵng cuối tuần

Nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được đặt tên đường ở Đà Nẵng

08:49, 04/06/2023 (GMT+7)

Trong số các nhà văn được vinh danh qua việc đặt tên đường phố ở Đà Nẵng, có nhiều người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trong số các nhà văn được vinh danh qua việc đặt tên đường phố ở Đà Nẵng, có nhiều người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trong số các nhà văn được vinh danh qua việc đặt tên đường phố ở Đà Nẵng, có nhiều người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Đợt I, vào năm 1996 có 20 nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (dưới đây gọi tắt là Giải thưởng 1996) thì có 17 người được Đà Nẵng đặt tên đường. Trước tiên có thể kể đến nhà văn - liệt sĩ Nam Cao (1915-1951) quê Hà Nam, được truy tặng Giải thưởng 1996 với nhật ký Ở rừng, các truyện ngắn Đôi mắt, Chí Phèo và tiểu thuyết Sống mòn. Nhà văn được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2000.

Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai (1902-1984) quê Nghệ An, là con trai nhà yêu nước Đặng Nguyên Cẩn (được đặt tên đường ở quận Hải Châu năm 2005) và là cha vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (được đặt tên đường ở hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn năm 2013), được truy tặng Giải thưởng 1996 với các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới, được đặt tên đường ở quận Thanh Khê vào năm 2000.

Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) quê Quảng Trị, từng dạy học ở Trường Trung học tư thục Chấn Thanh Đà Nẵng đầu thập niên 1940, được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tập thơ Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới và Hoa trước Lăng Người, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2000. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng 1996 với các vở kịch Vũ Như Tô, Bắc Sơn, các tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô, Tim mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Ký sự Cao Lạng và truyện phim Lũy hoa, được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2000. Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) quê Hà Tĩnh, được truy tặng Giải thưởng 1996 với trường ca Ngọn quốc kỳ, các tập thơ Riêng chung, Mũi Cà Mau - Cầm tay và Tôi giàu đôi mắt, được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2002.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) quê Hưng Yên, được truy tặng Giải thưởng 1996 với tập truyện ngắn Kép Tư Bền, các tiểu thuyết Bước đường cùng, Nông dân và địa chủ, Tranh tối tranh sáng và Người cặp rằng trong hầm xay lúa, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2002 (em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan là nhà cách mạng Lê Văn Lương/ Nguyễn Công Miều đã được người Đà Nẵng đặt tên đường ở quận Sơn Trà năm 2011).

Tiếp theo có thể kể nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (1902-1987) quê Bắc Ninh, chồng của Hằng Phương Nữ Sĩ (được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2012), được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tác phẩm Truyện cổ Việt Nam và Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2003. Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh (1924-2003) quê Ninh Bình, được trao tặng Giải thưởng 1996 với cụm công trình gồm 4 tác phẩm nghiên cứu về văn học dân gian và văn hóa dân gian Việt Nam (1972, 1989, 1993, 1995), được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2012.

Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) quê Nam Định, được truy tặng Giải thưởng 1996 với tiểu thuyết Bỉ vỏ, hồi ký Những ngày thơ ấu, bộ tiểu thuyết bốn tập Cửa biển, bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2003. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tập tùy bút Đường vui, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà, Tình chiến dịch và Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2004. Nhà nghiên cứu Hải Triều (1908-1954) quê Thừa Thiên Huế, được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tác phẩm Duy vật hay duy tâm, Văn sĩ và xã hội và Về văn học nghệ thuật, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2004.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) quê Hà Tĩnh (chú ruột ông là Nguyễn Hàng Chi được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu năm 2010), được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tác phẩm Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam 5 tập, và Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (chủ biên), được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2007. Nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng 1996 với các tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng, các phóng sựViệc làng và Phiên chợ trung du, được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2007.  

Tiếp nữa có thể kể nhà thơ Huy Cận (1919-2005) quê Hà Tĩnh, được trao tặng Giải thưởng 1996 với các tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Chiến trường gần chiến trường xa, Ngày hằng sống, ngày hằng thơ và Hạt lại gieo, được đặt tên đường ở hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ vào năm 2008. Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) quê Thừa Thiên Huế, được trao tặng Giải thưởng 1996 với các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa và Một tiếng đờn, được đặt tên đường ở hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ vào năm 2008 (nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phát hành mẫu tem bưu chính Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) - mẫu tem có in tranh vẽ chân dung nhà thơ cùng với ảnh bìa các tập thơ tiêu biểu của ông như Từ ấy, Ra trận, Máu và Hoa, Việt Bắc, Gió lộng).

Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) quê Quảng Ngãi, từng giữ chức Ủy viên Giáo dục trong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Thái Phiên/Đà Nẵng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được trao tặng Giải thưởng 1996 với các tập thơ Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Bài thơ tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới và Đi suốt bài ca, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2013. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924-2003) - cũng là một nhạc sĩ tài hoa - quê Hà Nội, được trao tặng Giải thưởng 1996 với các tiểu thuyết Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao, bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ, các tập thơ Người chiến sĩ và Bài thơ Hắc Hải.

Đợt II vào năm 2000 có 14 nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (dưới đây gọi tắt là Giải thưởng 2000) thì có 9 người được Đà Nẵng đặt tên đường. Trước tiên có thể kể đến nhà văn Phan Tứ (1930-1995) quê Quảng Nam, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh (được đặt tên đường ở quận Hải Châu năm 1955) và là con trai cụ Lê Ấm (được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ năm 2018), từng giữ chức Hội trưởng/Tổng Thư ký Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng từ tháng 4-1978 đến tháng 6-1988, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tiểu thuyết Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi và tập truyện ngắn Về làng, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2000; nhà văn-liệt sĩ Nguyễn Thi (1928-1968) quê Nam Định, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tiểu thuyết Người mẹ cầm súng, Ở xã Trung Nghĩa, các tập truyện ngắn Trăng sáng và Đôi bạn, được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2005; nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991) quê Quảng Bình, từng dạy học ở Trường Trung học tư thục Chấn Thanh Đà Nẵng đầu thập niên 1940, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tập thơ Người con gái sông Gianh, Tiếng thu và Tỏa sáng đôi bờ, được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2005; nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) quê Quảng Nam, từng giữ chức Trưởng ty Thông tin thành phố Thái Phiên/Đà Nẵng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, em rể của nhạc sĩ Phan Quang Định (được đặt tên đường ở huyện Hòa Vang năm 2022), được trao tặng Giải thưởng 2000 với các tiểu thuyết Con trâu, Rừng U Minh và Tiểu thuyết cuối đời, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2007.

Tiếp theo có thể kể nhà nghiên cứu Hoài Thanh (1909-1982) quê Nghệ An, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tác phẩm Phê bình tiểu luận ba tập, Nói chuyện thơ kháng chiến và Thi nhân Việt Nam (viết chung với Hoài Chân), được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2008.

Nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tập thơ Dòng nước ngược, Nụ cười kháng chiến và Ông và cháu, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2010. Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) quê Nghệ An, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tiểu thuyết Dấu chân người lính, Cửa sông, truyện vừa Cỏ lau và tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2012.

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) quê Nam Định, được truy tặng Giải thưởng 2000 với các tập thơ Gửi người vợ miền Nam, Đêm sao sáng, Nước giếng thơi và Lỡ bước sang ngang, được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2018 (nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phát hành mẫu tem bưu chính Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Bính (1918-1966) - mẫu tem có in tranh vẽ chân dung nhà thơ cùng với nền tem là vầng trăng, con đò, bến nước... chất liệu cho những vần thơ của ông). Nhà thơ Chính Hữu (1926-2007) quê Hà Tĩnh, được trao tặng Giải thưởng 2000 với các tập thơ Đầu súng trăng treo và Thơ Chính Hữu, được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2019. 

Đợt III vào năm 2005 chỉ duy nhất nhà thơ Anh Thơ (1918-2005) quê Bắc Giang được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với tập thơ Bức tranh quê và tập hồi ký Từ bến sông Thương, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2012. Đợt IV vào năm 2012 có 10 nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (dưới đây gọi tắt là Giải thưởng 2012), Đà Nẵng đã đặt tên nhà nghiên cứu Lê Trí Viễn (1919-2012) quê Quảng Nam cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2020. Lê Trí Viễn được truy tặng Giải thưởng 2012 với cụm công trình Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và ngữ văn Hán Nôm. 

Đợt V vào năm 2017 có 5 nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (dưới đây gọi tắt là Giải thưởng 2017) thì có 2 người được Đà Nẵng đặt tên đường là nhà văn Thu Bồn (1935-2003) quê Quảng Nam - cũng là tác giả của nhiều câu thơ hay liên quan đến thành phố bên sông Hàn như: Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa thấy được dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam/ Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/ Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha (bài thơ Gửi lòng con đến cùng cha, 1969), hoặc Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt/ Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya/ Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên kia (bài thơ Tạm biệt Huế, 1980), được truy tặng Giải thưởng 2017 với các tiểu thuyết Chớp trắng, Vùng pháo sáng và tập truyện ngắn Dưới tro, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2013. Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng 2017 với các tập thơ Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2018.

Xin nói thêm, nhà thơ Xuân Quỳnh là vợ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ quê Đà Nẵng (đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000 trên lĩnh vực Sân khấu, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2002), là con dâu nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2012), là cháu dâu nhà thơ Lưu Trùng Dương (cũng được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2022).

Mới nhất là đợt VI vào năm 2022 chỉ có hai người quê Nghệ An được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) với các tập thơ Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng và Tiếng thơ không dứt (được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2017) và nhà văn Bùi Hiển (1919-2009) với các tập truyện Trong gió cát, Hoa và thép và Tâm tưởng (được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2018).

Trong số những nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, vẫn còn một số người đã từ trần nhưng chưa được vinh danh trên đường phố Đà Nẵng, chẳng hạn như nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời từ cuối năm 2007, được truy tặng Giải thưởng 2012 - là một thầy giáo làm thơ (Phạm Tiến Duật tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964) và là một nhà thơ mặc áo lính từng sống và chiến đấu ở Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (tên một bài thơ tiêu biểu của Phạm Tiến Duật đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc)…

BÙI VĂN TIẾNG

.