Đà Nẵng cuối tuần

Hương xưa mít mật

21:47, 08/07/2023 (GMT+7)

“Khi con tu hú gọi bầy...”. Tiếng gọi xôn xao ở ngoài cánh đồng, trên lũy tre làng gợi lên khúc nhạc vui tươi bừng lên bức tranh cuộc sống. Tiếng gọi hòa cùng tiếng sáo diều, tiếng ve ngân, tiếng chim chèo bẻo, chim “bắt cô trói cột” rộn rã ngày hè. Mùa hè - mùa của hương vị làng quê thơm lừng, chín lựng. Màu mỡ của đất đã lặn vào trong trái ngọt mùa màng. Nó đánh thức cả không gian và làm xôn xao hoài niệm. Ở quê, mùa nào thức nấy. Không gian làng quê luôn đánh thức khứu giác và tâm hồn con người bằng những hương vị đặc trưng. Mùa hè, không hiểu sao ta lại cứ thổn thức vấn vương bởi mùi hương mít mật...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thuở trước, nhà mình chẳng có cây mít nào. Muốn ăn mít, hoặc là ra chợ mua hoặc là lên nhà anh em thúc bá phía mạn ngược nông trang, nông trại đất đồi rộng trồng rất nhiều mít để xin về. Thuở ấy, ở quê mình chủ yếu hai loại là mít dai và mít mật (mít bở, mít ướt). Dân quê chỉ cần nhìn vào vỏ, gai là dễ dàng phân biệt. Mít dai được ưa chuộng nên đắt đỏ hơn. Nhưng không hiểu sao có người lại thích hương vị mít mật, phải chăng là sở thích của con nhà nghèo?

Nhớ, xưa nhà thằng bạn học có cây mít mật rất lớn ngay trước cổng. Thân nó phải hai vòng tay đo mới xuể. Hôm nào vào rủ nó đi học cũng quanh quẩn tìm xem có dái mít hay không để hái. Dái mít chính là bông hoa đực chỉ nở ra nhị phát tán phấn hoa và một thời gian sau là thối rụng đi. Dái mít có vị chát, thơm, ngọt chấm với muối ớt thì rất tuyệt đối với lũ trẻ quê ngày ấy.

Năm nào được mùa, cây cho nhiều trái thì người ta sẽ tỉa bớt các trái xấu, vẹo. Những trái mít xanh được các bà, các mẹ chế biến thành các món trộn, xào hay làm nhút. Mỗi khi nhà ai cho trái mít già là cha lại vội vàng đi chặt một cành xoan vót nhọn đóng cọc sát cùi của nó, bỏ thêm nhúm muối rồi đặt gần bếp lửa. Nghe cha bảo là bí quyết dân gian. Chỉ vài hôm sau là mùi mít đã thơm lừng góc bếp.

Trái mít khi bổ ra tận dụng được tất thảy. Múi thì để ăn, xơ thì để muối chua. Hạt thì luộc hoặc rang cũng có giá trị dinh dưỡng cao. Còn vỏ, cùi thì đem cho bác trâu đang hếch mõm đứng nhìn. Bổ dọc trái mít mật ra, chỉ cần lay nhẹ là tút được cả cùi. Thích nhất là được ăn những múi còn dính trên cùi vì nó to tròn, chưa bẹp. Trẻ con vừa ăn mít vừa chạy đi tìm que rào, nhờ mẹ quấn mủ mít lại thành cục đầu ngọn rào (như keo dính bây giờ) để đi bắt chuồn chuồn. Có vũ khí trong tay, trưa hè, rủ đám bạn lang thang khắp bờ bụi để tìm. Bao loại chuồn chuồn là bấy niềm vui. Ngày ấy, đứa trẻ nào cũng ngây thơ tin “chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi”.

Hương mít mật chín ăn rồi còn lưu mùi thơm rất lâu nên chẳng dám ăn vụng, vì ăn chẳng giấu được. Mít mật múi mềm, ngọt thanh nên ăn nhiều mà không ngán. Xưa có mít là chị em tranh nhau ăn no khỏi cần ăn cơm luôn. Cha mẹ thì lại thích ăn những trái mít ương (sắp chín) đem luộc lên. Không biết là vì sở thích hay là bởi cha mẹ nhường mít chín cho lũ con tấn lớn lúc nào cũng thèm thuồng?

Ngày nay, phần thì đất chật người đông, phần trái mít ta ít giá trị kinh tế hoặc người ta đã chặt hạ để lấy gỗ mà làng quê thưa vắng rồi những gốc mít cổ thụ. Cây mít nhà bạn không nhớ là vì già cỗi hay vì gió bão quật gãy mà cũng không còn. Người ta mua những giống mít Thái, mít tố nữ... nhỏ cây, mau trái để thay thế. Vẫn là trái, múi và hương vị của mít nhưng sao ăn vào không còn tìm thấy sự ngọt ngào như ngày xưa.

Hôm trái mít Thái đầu tiên trong vườn nhà chín sau hai năm trồng, vợ đem bổ ra cho cả nhà ăn cùng với mấy nhà hàng xóm gọi là lấy thơm lấy thảo. Vậy mà cũng không hết. Cầm múi mít hơi khô, sường sượng trên tay, ta lại nhớ hình ảnh ngày xưa, mẹ tỉ mẩn bổ trái mít mật ra nong, cả nhà quây quần cùng ăn. Lại nhớ hình ảnh khi thơ trẻ, được bạn cho trèo thăm mít. Nghe tiếng bịch... bịch, mùi thoang thoảng lại cất tiếng cười khoái trá vì thu được chiến lợi phẩm. Có khi lợi dụng chỗ sâu ăn, ta móc trộm vài múi ăn ngay ở trên cây ngon lành. Ăn xong tay quệt vào áo rồi trèo xuống, nghe như hương mít mật còn thoang thoảng thơm từ ký ức vọng về...

ĐINH HẠ

.