Đà Nẵng cuối tuần
Rừng rất quan trọng đối với con người
Rừng chiếm khoảng 31% diện tích đất toàn cầu và là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài. Thế nhưng, chỉ trong năm 2022, thế giới đã mất 4,1 triệu hecta rừng nhiệt đới nguyên sinh, tăng 10% so với năm 2021.
Một khu vực rừng bị phá ở gần Uruara, bang Para (Brazil) hồi tháng 1-2023. Ảnh: Reuters |
Điều đáng nói, tình trạng rừng bị phá và suy thoái là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo Tổ chức Tình trạng rừng thế giới (The State of the World’s Forests - SOFO) có trụ sở tại Rome (Ý), ước tính khoảng 289 triệu hecta rừng sẽ bị tàn phá trong giai đoạn 2016-2050 riêng ở vùng nhiệt đới, kéo theo đó là phát thải 169 tỷ tấn CO2.
Những con số gây sốc
Theo báo The Guardian, từ vùng Amazon ở Bolivia đến Ghana, trong năm 2022, mỗi phút trôi qua diện tích rừng nhiệt đới tương đương 11 sân bóng đá bị phá hủy. Các hệ sinh thái đa dạng sinh học và chứa nhiều carbon nhất hành tinh đã bị dọn sạch để nhường chỗ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và khai thác mỏ.
Ngày 27-6, Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu (Global Forest Watch) và Đại học Maryland (Mỹ) công bố báo cáo nêu rõ: Các vùng nhiệt đới đã mất 4,1 triệu hecta rừng nhiệt đới nguyên sinh trong năm 2022, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Báo cáo cho rằng, con người đang phá hủy một trong những công cụ quan trọng nhất giúp giảm thiểu tình trạng ấm nóng toàn cầu và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.
Thêm một lần nữa Brazil đứng đầu danh sách các quốc gia mất rừng nhiều nhất trong năm 2022 với 43% diện tích rừng bị tàn phá. Tiếp đến là Cộng hòa Dân chủ Congo và Bolivia với những con số lần lượt là 13% và 9%. Các quốc gia khác nằm trong “top 10” nước mất rừng nhiệt đới trong năm 2022 gồm: Peru (3,9%), Colombia (3,1%), Lào (2,3%), Cameroon (1,9%), Papua New Guinea (1,8%) và Malaysia (1,7%).
Riêng tại Brazil, nạn phá rừng gia tăng liên tiếp trong 4 năm ông Jair Bolsonaro làm Tổng thống và tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021. Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đã bày tỏ nghi ngờ về việc chính phủ dưới thời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không nỗ lực thực hiện lời hứa “loại bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp ở Brazil trong năm 2030”. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm do cháy rừng là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người.
Ông Luiz Inácio Lula da Silva ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Brazil từ ngày 1-1-2023 đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng và đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm môi trường. Ông khôi phục Quỹ bảo vệ rừng Amazon, vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với tổng diện tích khoảng 7 triệu km2. Theo kế hoạch, ông Luiz Inácio Lula da Silva sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vùng Amazon (khu vực 9 quốc gia/vùng lãnh thổ có rừng Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp) vào cuối năm nay để thảo luận về vấn nạn phá hủy rừng nhiệt đới và trách nhiệm đối với môi trường.
Trong khi đó, Indonesia và Malaysia giữ mức độ mất rừng gần mức thấp kỷ lục. Còn Ghana - nước sản xuất cacao hàng đầu - có tỷ lệ rừng bị tàn phá gia tăng nhanh nhất thế giới.
Không thể để mất thêm độ che phủ rừng
Bà Inger Andersen, Giám đốc môi trường của Liên Hợp Quốc, đã kêu gọi tăng giá carbon rừng để loại bỏ động cơ kinh tế ngắn hạn của việc phát quang rừng nhiệt đới. Thông qua thị trường carbon, các quốc gia có những hệ sinh thái rừng quan trọng đối với khí hậu (như Gabon, Brazil và Peru) có thể nhận các khoản thanh toán để duy trì rừng, vì chúng giúp lưu trữ carbon. Nếu khoản thanh toán này đủ lớn, nạn phá rừng sẽ không còn mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn. “Rừng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của chúng ta và trái đất. Chấm dứt nạn phá rừng và ngăn chặn tình trạng mất độ che phủ rừng là những công việc thiết yếu đối với hành động chống biến đổi khí hậu để xây dựng khả năng phục hồi, giảm tổn thất và thiệt hại. Chúng ta cần định giá carbon rừng cao hơn, một mức giá phản ánh giá trị thực của rừng, và đủ để khuyến khích các nước bảo vệ rừng”, bà Andersen nói.
Giám đốc môi trường của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, bảo vệ rừng và phục hồi rừng không chỉ xoay quanh giá carbon, mà cần phải bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ sinh kế của người dân bản địa, đồng thời duy trì chu trình thủy văn. “Chúng ta đơn giản là không thể để mất thêm độ che phủ rừng”, bà Andersen nhấn mạnh.
Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) hồi tháng 11-2021, hơn 100 nhà lãnh đạo các nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Brazil, đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng hứa loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan phá rừng.
Tháng 5-2023, trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tại thủ đô London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết đóng góp 80 triệu bảng Anh (khoảng 102 triệu USD) cho Quỹ bảo vệ rừng Amazon của Brazil. Đây là chiến thắng ngoại giao mới nhất của Brazil khi quốc gia Nam Mỹ kêu gọi các nước giàu có hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến cứu khu rừng nhiệt đới vốn được xem là “lá phổi của hành tinh”.
KHÁNH LINH (theo The Guardian, Reuters, CNN, UPI)