Đà Nẵng cuối tuần
Ký ức những ngày hè
Buổi sáng mùa hè ở vườn quê, tôi căng mình để đón nhận không gian tinh khiết trong veo ùa vào khi mở toang cánh cửa sổ. Tôi ngửi được mùi thoang thoảng của hương cau; cau đang mùa ra hoa, từng chùm trăng trắng vàng vàng, tỏa mùi dìu dịu như mùi ly kem sữa, hít sâu vào lồng ngực nghe sảng khoái lạ lùng. Xa hơn chút nữa là mùi của đồng lúa chín, hương cốm mới thơm nhẹ nhàng, loáng thoáng qua khoang mũi... Mùi của ao sen đang vào mùa, nở những cánh hồng tươi để lộ cái nhụy vàng xinh xắn. Mùi của đồng nội thân quen, gần gũi…
Không chỉ cảm nhận bằng khứu giác làn hương do gió sớm đưa vào hai cánh mũi mà thị giác, thính giác tôi còn mở căng hết cỡ để đón nhận tấm thảm vàng trải dài đến mênh mông của lúa chín. Sắc vàng hiếm hoi mà chỉ có tự nhiên mới pha màu được. Bức họa làng quê ấy được đóng khung bằng những đường viền xanh thẳm của rặng tre, bờ cỏ... cài cắm bằng khúc hòa âm tiếng hót đủ loài chim. Có tiếng lũ chim sẻ, tiếng lích chích của bầy chim sâu mình có màu vàng nghệ, thân bé tí.
Tiếng cộc cộc của mấy chú bìm bịp với bộ đồ đen xen đà; so với các loài biết bay, bìm bịp có thân hình to, bay la đà dưới những tán cây đôi cánh xòe rộng như chiếc quạt khiến chùm lá khô rụng rơi khắp mặt vườn. Tiếng “bắt cô trói cột” lảnh lót trên lũy tre, tiếng cuốc lẻ bầy kêu khan bên bờ lúa; thỉnh thoảng có tiếng lũ chim tìm vịt, tiếng cờ ruýt nghe như đang huýt sáo của lũ chim ri... Những sắc màu, âm thanh ấy cứ tràn vào trong từng giác quan gợi về những thân thương của một thời thơ bé.
Ngày hè bốn mươi năm về trước của bọn trẻ chúng tôi là những buổi sáng đi mót củi về nấu nướng, hái bèo về cho heo; những buổi trưa không ngủ ngồi vắt vẻo trên chạc ba của cây cối trong vườn nhà, hái quả xoài già chấm muối ớt. Rồi tụm đầu bên chiếc chậu sành xem đá cá; ban đầu là những con cá rô thia mình xám có sọc ngang màu đỏ, điểm đôi chấm đen.
Nhưng loài cá đồng ruộng này nuôi mấy bữa, đá vài trận đã phơi bụng nên bọn tôi chuyển sang nuôi cá hà lan. Những con cá nhỏ bé nhanh nhẹn với chiếc đuôi đỏ thắm, thân mình đầy màu sắc khiến cả bọn cứ mê mải ngắm nhìn. Để có được những con cá đem đi đá chúng tôi phải luyện kiên trì bằng cách nuôi vào hũ thủy tinh trắng cho nó tự đá vào bóng mình. Thức ăn cho cá dạo ấy đâu có bán sẵn như bây giờ, bọn tôi thường bẻ vụn bánh quy, lột con tôm bỏ vào chậu nuôi. Vì thức ăn tự tạo nên ngày nào, tôi cũng phải thay nước, rồi vớt rong bỏ vào cho cá ăn thêm.
Ngày ấy, bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không chỉ thèm thuồng cây kem, miếng bánh ăn vặt sau bữa chính mà còn thiếu thốn những phương tiện nghe nhìn để giải trí như: sách, phim truyện, ca nhạc, cải lương, hát bội... Hồi đó chưa có điện nên cả xóm nhà giàu nhất mới có chiếc tivi trắng đen chạy bằng bình ắc-quy, xem khi được khi mất, lúc có tiếng thì mất hình, khi có người thì âm thanh im bặt như xem kịch câm. Muốn xem tivi, có khi phải đi bộ cả cây số, còn xem phim chiếu ở sân bãi có khi phải đi cả 4, 5 cây số. Vì thế, đối với bọn trẻ quê tôi, đọc sách là điều thú vị nhất nhưng thời đó sách khan hiếm lắm.
Những trưa hè trốn nắng trong góc vườn, chỉ cần một đứa mượn được một cuốn truyện, tức thì cả bọn hau háu ngóng cổ chờ đến lượt mình đọc. Một cuốn sách còn mới chuyền từ đứa này sang đến đứa cuối trong bọn thì đã sờn góc, bẩn bìa. Để đỡ sốt ruột vì chờ tới lượt đọc sách, mấy đứa chúng tôi kéo đi tìm phấn viết và lượm sỏi chơi ô làng (ô ăn quan). Mỗi lượt chơi chỉ hai người, còn những đứa còn lại đứng bên ngoài chỉ trỏ.
Chơi chán, chờ đến lúc trời vừa xế, cái đám túm tụm ấy tự động tan ra ai về nhà nấy. Đứa thì đi cỏ cho bò, đứa dắt trâu, đứa xắt chuối nấu cám lợn… còn bọn con gái thì ra vườn nhổ cải, hái bồ ngót để mai đi chợ bán… Đến tối, vừa cơm nước xong, cả bọn đã ám hiệu nhau ra sân phơi của hợp tác xã chơi năm mười, u mọi. Chờ ba mẹ gọi đến khản giọng, cái đám chợ vỡ ấy mới tan để yên làng yên xóm; giấc ngủ đêm hè ở quê có gió trời làm quạt, có tiếng ru rỉ rả của loài côn trùng và thỉnh thoảng tiếng gà gáy le te…
Loáng một cái, ba tháng hè trôi đi vùn vụt. Đứa nào đứa nấy mặt buồn thỉu vì sắp tạm xa những ngày thư thả, chuẩn bị sách vở cho năm học mới và lại đối diện với những buổi học dài lê thê ở trường. Mùa hè với trẻ nhà quê êm ả và hồn nhiên đến lạ; trong veo cùng những trò chơi dân dã, chua chua ngọt ngọt như miếng ổi, miếng xoài buổi trưa trốn ngủ; thanh tân như không khí buổi sáng trong vườn nhà; miệt mài cùng những trang sách đọc vội bên bụi tre đầu hè.
Tuổi thơ ấy là dòng sông kỷ niệm để mỗi khi quay về tôi lại soi mình vào đó thấy cả một bầu trời thương nhớ. Tôi trân quý thời ấu thơ của chính mình bởi quá khứ ấy chắp cánh cho hiện tại; sống với hoài niệm là tìm về chút hương xưa, tìm lại niềm vui đời thường, để rồi yêu hơn những điều bình dị quanh ta mỗi ngày.
NGUYỄN THỊ THU THỦY