Đà Nẵng cuối tuần

GẦN XA HÁN NÔM

Giá trị sắc phong

05:51, 16/07/2023 (GMT+7)

Có tuổi đời hàng trăm năm, các sắc phong (hay còn gọi đạo sắc phong) là văn bản truyền lệnh của các vua triều Lê, Nguyễn khi phong thần, phong chức tước cho đại công thần, người có công với đất nước. Không chỉ mang giá trị tâm linh, tín ngưỡng làng xã, những sắc phong - được viết chủ yếu bằng chữ Hán Nôm, đã lưu lại một quá khứ huy hoàng và giàu bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Việt xưa.

Bên cạnh sắc phong, có rất nhiều chỉ thị vua ban cũng được viết bằng chữ Hán  Nôm vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh: T.Y
Bên cạnh sắc phong, có rất nhiều chỉ thị vua ban cũng được viết bằng chữ Hán Nôm vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh: T.Y

1. Vừa đặt chân đến cổng đình, ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Trưởng ban Nghi lễ đình Thạc Gián (quận Thanh Khê) yêu cầu tôi đứng lại nơi bậc cửa, cùng ông thắp nén hương trầm tưởng nhớ công đức người xưa. Vừa thắp, ông vừa giải thích vì sao nên bái chỗ này trước, chỗ kia sau. Nhìn cách ông Nghĩ chậm rãi, kính cẩn từng phần nghi lễ, mới thấy hết sự trân trọng của ông dành cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Giữa ngôi đình rộng hơn 2.000m2 nằm trong con hẻm nhỏ cạnh ngã ba Cai Lang, hơn chục năm trước ông Nghĩ đã cần mẫn trích lục, sao chép, dịch nghĩa hàng chục sắc phong, chiếu chỉ các triều đại hậu Lê, Nguyễn viết bằng chữ Hán Nôm sang tiếng Việt, giúp thế hệ con cháu dễ dàng tiếp cận. Tất cả bản gốc, bản dịch đều được ông giữ gìn cẩn thận ở khu nhà hồi hương nằm phía sau dãy nhà chính.

Ông Nghĩ khẳng định, sắc phong thần hay sắc phong thành hoàng là loại hình văn bản Hán Nôm may mắn còn được lưu giữ đến ngày nay. Bên cạnh kỹ thuật in ấn, chất liệu giấy, thể chữ, các sắc phong phần nào giúp nhà nghiên cứu hiểu rõ phong cách, văn phong, đường lối điều hành đất nước của một số vị vua trước đây.

Đơn cử, nếu bản sắc phong dưới thời vua Minh Mạng chữ viết to, rõ nét, cân đối, thì đến đời vua Duy Tân, do ảnh hưởng của chữ viết và văn hóa Pháp, cỡ chữ có phần nhỏ hơn và không còn sắc nét như trước. Đến thời vua Bảo Đại, trong thời gian ổn định triều chính, ông cho phục dựng lại phong cách viết sắc phong như thời vua Minh Mạng, tuy nhiên, mực in dấu triện lúc này không đỏ, đậm như trước. Ông Nghĩ lý giải, có thể do kỹ thuật in dấu triện dưới thời vua Bảo Đại chưa bảo đảm, hoặc chưa được đầu tư tương xứng?.

Hiện nay, đa phần sắc phong là độc bản, có chiều rộng khoảng 41cm và chiều dài 118cm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối mỗi văn bản, gồm niên đại vua ban sắc và thời gian ban sắc. Ví dụ, sắc phong vị thành hoàng xã Thạc Gián (đang được lưu giữ ở đình làng Thạc Gián) viết bằng văn tự Hán Nôm, được ông Nghĩ dịch nghĩa như sau: “Sắc phong Vị thành hoàng xã Thạc Gián. Ngài đã có công giữ nước, giúp dân, công đức ngời sáng. Đã được xã dân phụng thờ. Vâng mệnh Đức Thế tổ Cao hoàng đế, ta thống nhất đất nước, tin mừng báo khắp thần linh và con người.

Nay ta nối nghiệp sáng, xây dựng cơ đồ lớn, nghĩ đến công đức của các bậc thần linh nên long trọng nêu gương sáng ngời. Gia tặng ngài thần hiệu “Bảo An”, nay chuẩn cho xã Thạc Gián, huyện Hòa Vang được thờ phụng ngài như cũ. Cầu mong ngài độ trì, cứu giúp cho muôn dân. Hãy kính cẩn vâng mệnh. Vua Minh Mạng năm thứ 7, ngày 17 tháng 9, năm Bính Tuất (17-10-1826)”. Theo ông Nghĩ, câu chữ được dùng trong sắc phong khá hàn lâm, ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng mang nhiều tầng nghĩa, qua đó thấy được đạo lý làm người xuyên suốt và mang tính bao quát, thống nhất.

2. Bên dòng sông Túy Loan, ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 500 năm hiện lưu giữ 25 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền, năm 1470, theo chiếu dụ của vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), 5 anh em họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê cùng nhau mở mang bờ cõi về phương Nam, khi đến vùng đất này, thấy phong cảnh hữu tình, địa thế đẹp, trù phú nên khai khẩn, lập làng và đặt tên làng Túy Loan.

Lịch sử địa phương ghi lại, đình làng Túy Loan được xây dựng lần đầu khoảng năm 1470, bằng tranh tre nứa lá. Năm 1888, đình không may bị cháy và được xây dựng lại ở mảnh đất bên cạnh dòng sông Túy Loan. Sau nhiều thăng trầm của thời cuộc, ngôi đình vẫn giữ được 25 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, 1 tấm văn bia niên đại Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều hoành phi, liễn đối trên dưới 100 năm.

Để giữ gìn các sắc phong này, dân làng Túy Loan thống nhất giao dòng họ Đặng Công bảo quản, mỗi năm một lần vào dịp lễ hội, dân làng tham gia lễ rước sắc phong từ nhà thờ tộc Đặng Công (phái Nhì) về đình để ngưỡng vọng, thờ cúng. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, đình làng Túy Loan là di tích kiến trúc tín ngưỡng mang sắc thái địa phương, lập ra để thờ thần, thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, kiến thiết nên làng Túy Loan.

Hằng năm, cứ đến mồng 9, mồng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân nơi đây nô nức tham gia hội làng. Trong nhiều nghi lễ làm nên hồn cốt của lễ hội, ông Đặng Công Bán, Chánh Hội chủ đình làng Túy Loan khẳng định, lễ rước sắc phong từ nhà thờ Đặng Công về đình làng được tổ chức long trọng, kính cẩn và đủ các nghi lễ cần thiết.

Sắc phong được đặt trên một bàn do 4 người khiêng, xung quanh phủ vải đỏ vàng, có lọng che. Dẫn đầu đoàn là một vị cao niên cầm cờ Tổ quốc, đi sau là đội bát âm, chiêng trống, lính lệ. Đặc biệt, khi đoàn rước về đến đình làng, sắc phong chỉ được mở ra bởi người được phong Kim Thủ Sắc Thần trong lễ hội - người có nhân cách tốt, gia đình thuận hòa, con cháu hiếu nghĩa trong làng.

“Mỗi năm, tùy vào điều kiện tổ chức, phần “hội” có thể giảm nhưng phần “lễ” bao giờ cũng long trọng và đầy đủ lễ nghi. Với thế hệ con cháu chúng tôi, nội dung và tuổi đời của mỗi sắc phong là minh chứng rõ nhất cho tiến trình hình thành và phát triển làng Túy Loan, cũng là cơ sở để con cháu ngưỡng vọng, răn mình và hiểu cốt cách văn hóa, ứng xử của người xưa. Đó cũng là lý do vì sao các sắc phong luôn được giữ gìn cẩn thận và được các cụ xem như gia bảo, làm nên giá trị đình làng”, ông Bán chia sẻ.

3. Các đạo sắc phong của người xưa được cộng đồng thay nhau gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có thể nói, với thế hệ con cháu, các sắc phong viết bằng chữ Hán Nôm có thể xa về ngữ nghĩa nhưng gần về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm - tác giả biên soạn cuốn Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng, cho biết trong rất nhiều tài liệu nghiên cứu về chữ Hán Nôm, sắc phong là tài liệu có giá trị nhất về mặt lịch sử lẫn không gian, thời gian. Mặt khác, câu chữ thảo trên sắc phong được vua, quan triều đình chắt lọc ngắn gọn, súc tích, giàu tầng nghĩa. Giá trị chữ viết được bồi đắp bằng giá trị lịch sử, như nhìn vào sắc phong, người dân có thể rõ hơn về niên hiệu, ngày, tháng ban sắc cũng như quá trình thay đổi vị trí, tên gọi của làng.

Điển hình như sắc phong đình làng Phước Thuận (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) được vua Minh Mạng ban ngày 17-9, năm thứ 7 (1826), ghi rõ lúc bấy giờ làng có tên Phước Sơn, thuộc tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang. Sau này, khi dân cư đông đúc, phồn thịnh, dân làng thống nhất đổi tên làng thành Phước Thuận vào khoảng thời gian trước năm Quý Mão (1843), đời vua Thiệu Trị. Lý giải này được các nhà nghiên cứu đưa ra bởi trong 14 sắc phong của các vua triều Nguyễn (từ Minh Mạng đến Khải Định) mà đình đang lưu giữ, thì đến sắc phong do vua Thiệu Trị ban ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão, địa danh Phước Thuận mới xuất hiện.

“Trong thời gian sưu tầm, tập hợp tư liệu làm sách, chúng tôi đã nghiên cứu và tổ chức biên dịch gần 250 sắc phong cùng một số chiếu chỉ, báo thị, khoán ước, sai lệnh… bằng chữ Hán Nôm. Đây thực sự là nguồn tư liệu quý, bao hàm nhiều giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Việt xưa. Và hơn hết, nhìn vào đó, con người biết trân trọng quá khứ, trân trọng các bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước”, ông Tuấn đúc kết.

Trao truyền nhiều giá trị, nhưng qua thời gian, nhiều sắc phong tại Đà Nẵng có biểu hiện hư hỏng, mối mọt, mục ruỗng, phai mờ nét chữ, dấu triện. Ông Huỳnh Ðình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói, trong quá trình thực hiện số hóa sắc phong diễn ra cách đây 3 năm, điều ông tiếc nhất là nhiều sắc phong giá trị bị mục ruỗng, hư hại gần như không thể phục hồi ở đình làng Phú Hạ (thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) hay 22 sắc phong đình làng Lỗ Giáng (quận Cẩm Lệ) bị rách nát. Từ nguy cơ đó, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Khoa học tổng hợp Ðà Nẵng đã nỗ lực số hóa được 315 sắc phong, trong đó có 300 sắc phong thần, 10 sắc phong tước… Đây được xem là sự khởi nguồn cho công tác sưu tầm, phục dựng, dịch nghĩa các sắc phong để con cháu đời sau dễ dàng tiếp cận, tra cứu, giữ được mạch nguồn lịch sử dân tộc và xa hơn là của đất nước.

TIỂU YẾN

.