Đà Nẵng cuối tuần
Cứu rừng Amazon!
“Không phải Brazil cần tiền. Không phải Colombia hay Venezuela cần tiền. Mẹ Thiên nhiên cần tiền, cần tài chính, vì đã bị sự phát triển công nghiệp hủy hoại suốt hơn 200 năm qua”, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh 8 nước có rừng nhiệt đới Amazon ở thành phố Belém, phía bắc Brazil.
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Amazon tại thành phố Belém, bang Pará của Brazil ngày 9-8-2023. Ảnh: AP |
Sau khi hàng chục ngàn km2 rừng Amazon bị tàn phá, 8 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon (ACTO) đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ năm 2009 để tìm cách cứu “lá phổi xanh” của Trái đất. 8 quốc gia bao gồm: Brazil, Bolivia, Columbia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Chỉ là những lời hứa
Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva mong muốn có “một chương trình nghị sự chung mang tính mới mẻ và đầy tham vọng” để cứu Amazon - rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, vùng đệm quan trọng chống lại biến đổi khí hậu mà các chuyên gia cảnh báo rằng đang bị đẩy đến bờ vực. Thế nhưng, hội nghị thượng đỉnh 8 quốc gia có rừng Amazon diễn ra trong hai ngày 7-8 và 8-8-2023 ở thành phố Belém, phía bắc Brazil, đã kết thúc với tuyên bố chung, mà không có những cam kết cụ thể.
Theo đó, những yêu cầu của các nhóm bản địa và các nhà bảo vệ môi trường không được đáp ứng, bao gồm việc tất cả các nước thành viên chấp nhận cam kết mà Brazil đề xuất là chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030 và cam kết của Colombia ngừng khai thác dầu mới. “Đây là bước đầu tiên, nhưng không có một quyết định cụ thể, mà chỉ là một danh sách những lời hứa”, ông Marcio Astrini - người đứng đầu nhóm hoạt động môi trường địa phương Climate Observatory có trụ sở ở Brazil nhận định. “Hành tinh đang tan chảy, các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ mỗi ngày… 8 nhà lãnh đạo vùng Amazon đã không thể không đưa ra tuyên bố rằng nạn phá rừng phải về con số 0”, ông nói thêm.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh: Tình trạng khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng đòi hỏi phải có hành động đồng loạt. “Chưa bao giờ khẩn cấp đến thế”, nhà lãnh đạo Brazil đưa ra nhận xét chỉ vài giờ sau khi Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) xác nhận rằng tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.
“Mẹ Thiên nhiên cần tiền”
Nạn phá rừng bắt nguồn chủ yếu từ việc chăn nuôi gia súc, tình trạng chiếm dụng đất đai và tội phạm có tổ chức “vươn vòi” sang các hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí, gỗ và vàng. Các tổ chức bản địa đại diện hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025. Tuy nhiên, việc đạt được một hiệp ước như vậy quả không dễ.
Các nước thành viên ACTO chia rẽ xung quanh một số vấn đề. Chẳng hạn, Tổng thống Colombia Gustavo Petro thúc đẩy các quốc gia khác tuân thủ cam kết cấm tất cả các hoạt động thăm dò dầu mới, nhưng đây là chủ đề tế nhị đối với một số thành viên, trong đó có những nước giàu dầu mỏ như Brazil và Venezuela. “Việc đưa tình trạng phá rừng về con số 0 thậm chí không đủ để hấp thụ tất cả lượng khí thải carbon của chúng ta”, ông Petro nói và nhấn mạnh: “Giải pháp là ngừng đốt than, dầu và khí đốt”.
Tổng thống Bolivian Luis Arce kêu gọi các nước giàu tài trợ các nỗ lực bảo vệ rừng Amazon. Nhà lãnh đạo này lý giải: “Tất cả trách nhiệm về khủng hoảng khí hậu và hậu quả của nó không nên đổ lên vai chúng ta và nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta không phải là người gây ra khủng hoảng”. Song, các nước phát triển không dễ dàng rút “hầu bao” để thực hiện cam kết khoản viện trợ hằng năm tương đương 0,7% GDP và 100 tỷ USD/năm tài trợ cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu. Ông Lula da Silva sốt ruột thúc giục: “Không phải Brazil cần tiền. Không phải Colombia hay Venezuela cần tiền. Mẹ Thiên nhiên cần tiền, cần tài chính, vì đã bị sự phát triển công nghiệp hủy hoại suốt hơn 200 năm qua”.
Tất cả các quốc gia vùng Amazon đã phê chuẩn Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 vốn yêu cầu các bên ký kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, sự hợp tác xuyên biên giới không những rất ít ỏi mà còn bị hủy hoại bởi lòng tin thấp, khác biệt về ý thức hệ và thiếu vắng sự hiện diện của chính phủ.
Là ngôi nhà của khoảng 10% đa dạng sinh học trên Trái đất, 50 triệu người và hàng trăm tỷ cây cối, rừng Amazon là một bể chứa carbon quan trọng làm giảm sự nóng lên toàn cầu. Đáng buồn là tỷ lệ phá rừng Amazon hiện lên tới 17%. Các nhà khoa học cảnh báo, khi 20-25% diện tích rừng bị phá hủy, lượng mưa sẽ giảm đáng kể, hơn một nửa diện tích rừng nhiệt đới sẽ trở thành thảo nguyên nhiệt đới, dẫn đến mất đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Rừng Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ, có diện tích gần 7 triệu km2, trải dài trên 8 nước gồm: Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Surinam; trong đó 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. |
K.L (theo AP, AFP)